Cuộc chiến với sâu bệnh

Cập nhật lúc 10:49, Thứ Ba, 12/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán đến nay, trời nắng ấm, đêm và sáng sớm có sương mù thuận lợi cho cây trồng phát triển. Thời điểm này, lúa đông - xuân trà đầu, chính vụ giai đoạn đẻ nhánh rộ, trà muộn đẻ nhánh. Tuy nhiên, thời tiết này cũng tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển, năm 2012 lại không có lũ lụt nên chuột phát sinh gây hại nặng hơn so với cùng kỳ các năm trước. Các địa phương đang tích cực chỉ đạo nông dân thực hiện công tác phòng trừ sâu bệnh và chuột trên diện rộng.

Theo báo cáo của Chi cục bảo vệ thực vật, hiện nay trên cây lúa xuất hiện ngày càng nhiều rệp muội, bọ trĩ, tuyến trùng rễ, rầy nâu, rầy lưng trắng... đặc biệt là sự phá hoại của chuột và bệnh đạo ôn lá. Hiện diện tích lúa có chuột phá hoại khoảng 600 ha, tăng so với tuần trước gần 80 ha, tập trung chủ yếu ở Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch với tỷ lệ hại phổ biến 5-7%, nơi cao là 12-15%. Dự báo trong thời gian tới chuột sẽ tiếp tục phát sinh gây hại nặng trên lúa, đặc biệt vào giai đoạn lúa trổ đòng.

Trong ba tuần qua, bệnh đạo ôn cũng bắt đầu xuất hiện sớm nhất ở các xã Bắc - Thanh - Mỹ - Hạ của huyện Bố Trạch; đến nay diện tích lúa bị bệnh đạo ôn khoảng 400ha, trong đó các địa phương có diện tích bị nhiễm cao là Lệ Thủy 150ha, Đồng Hới 85ha, Bố Trạch 65ha; một số vùng bị nặng đã có cháy chòm như xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh), Quy Hậu (xã Liên Thủy, Lệ Thủy). Theo dự báo thời tiết, trong những ngày tới sẽ có đợt nắng kéo dài, là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển, các giống lúa có sức chống chịu kém như IR38, IR353-66, P6, Xi23 sẽ rất dễ bị nhiễm bệnh.

Bà con nông dân huyện Lệ Thủy đang tích cực chăm sóc lúa đông-xuân.
Bà con nông dân huyện Lệ Thủy đang tích cực chăm sóc lúa đông-xuân.

Ngoài ra, trên các loại rau, ngô, lạc... cũng xuất hiện nhiều sâu bệnh như: sâu ăn lá, rệp, bệnh xoăn lá... Bệnh héo đen đầu lá trên cây cao su cũng phát sinh với 110ha diện tích bị nhiễm, trong đó huyện Bố Trạch là 68ha, Lệ Thủy 20ha, Minh Hóa 12ha, Tuyên Hóa 10ha. Tuy nhiên, theo Chi cục bảo vệ thực vật cho biết số diện tích này so với năm ngoái đã có giảm đáng kể. Điều đáng ngại đối với cây cao su năm nay đó là bệnh phấn trắng, theo nhận định thì thời tiết nắng ấm sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh này phát triển, gây hại sớm, hiện đã có trên 20ha cao su bị nhiễm bệnh.

Trước tình hình đó, Chi cục bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến và mức độ phát sinh của sâu bệnh để kịp thời có các biện pháp phòng chống. Đối với việc phòng chống chuột, ông Hồ Khắc Minh, Chi cục phó Chi cục bảo vệ thực vật cho biết, mức độ gây hại của chuột sẽ phát sinh gây hại nặng trên diện rộng trong thời gian tới.

Do đó, bà con nông dân cần áp dụng các biện pháp thủ công dễ thực hiện như tổ chức đào bắt, phá các ổ chuột, dùng các dạng bẫy để bẫy chuột (bẫy bán nguyệt, bẫy lồng, bẫy keo dính...). Đối với biện pháp hóa học, sinh học, bà con nên dùng thuốc Biorat, đây là dạng thuốc sinh học an toàn với người, gia súc, gia cầm và môi trường, có hiệu quả diệt chuột cao. Cách dùng: 1 bả dùng từ 25-50g thuốc, 1 sào (500m2) đặt từ 7-10 bả (đặt ở những nơi chuột hay xuất hiện); lưu ý là đặt thuốc vào buổi chiều tối để tránh ánh sáng trực tiếp làm giảm chất lượng thuốc và nên dùng hết một lần khi mở gói. Thuốc Rat K 2% D là thuốc diệt chuột thuộc nhóm chống đông máu gây xuất huyết nội tạng, chuột chết sau khi ăn bả thuốc 3 - 4 ngày, thuốc tương đối an toàn đối với người, gia súc, gia cầm lại hiệu quả cao và giá thành rẻ. Cách dùng: 10g thuốc trộn với 500g thóc luộc, chia thành 20 - 25 phần, đặt từ 7 - 10 phần mồi cho 1 sào. Tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột.

Hiện nay các địa phương đã tổ chức ra quân diệt chuột khá tích cực và có hiệu quả cao. Lệ Thủy và Quảng Ninh là hai huyện nhận được sự hỗ trợ khá lớn từ huyện đối với công tác diệt chuột, phòng trừ sâu bệnh và thực hiện tốt. Theo báo cáo của huyện Lệ Thủy, huyện đã hỗ trợ 15 tấn bả sinh học thuốc Biorat diệt chuột cho bà con.

Bên cạnh công tác diệt chuột thì việc phòng trừ bệnh đạo ôn cũng là một việc làm quan trọng đang được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với lúa đông - xuân, Chi cục bảo vệ thực vật hướng dẫn bà con cần ngừng bón đạm, kali, phân bón lá và các chất kích thích sinh trưởng đối với những ruộng đang bị bệnh. Bà con nên dùng một trong các loại thuốc hóa học đặc hiệu để phòng trừ bệnh đạo ôn như: FUJI-ONE 40EC liều dùng 60-70 ml thuốc pha với 20-30 lít nước, phun cho 1 sào. FUJI-ONE 40WP liều dùng 34-51g thuốc pha với 20-30 lít nước, phun cho 1 sào. FILIA 525SE liều dùng 20-30 ml thuốc pha với 20-30 lít nước, phun cho 1 sào. BEAM 75WP liều dùng 15-20g thuốc pha với 20-30 lít nước, phun cho 1 sào. Lưu ý, cần phun thuốc ướt đều trên mặt lá, bảo đảm đủ lượng nước thuốc từ 20-30 lít/ sào.

                                                                                 Lê Mai










 

,
.
.
.