Chuyện về rừng thông vùng giáp ranh...

Cập nhật lúc 10:48, Thứ Ba, 12/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Đây là vùng giáp ranh giữa tỉnh ta và tỉnh Quảng Trị mà trên đó có một diện tích thông khá lớn do phía Quảng Trị quản lý nhưng lại trồng trên địa phận tỉnh ta. Chuyện không còn mới, đã được đề cập đến lâu nay. Nhưng trong hơn hai thập kỷ qua chưa có lời giải đáp thỏa đáng, vẫn tồn tại nhiều điều trái khoáy...

Một buổi sáng của "tháng ăn chơi" tôi và vài đồng nghiệp đã vào Sen Thuỷ, xã giáp ranh với Quảng Trị và có một chuyến pic nic giữa rừng thông. Lâu nay đến Sen Thuỷ phần lớn theo quốc lộ 1A. Trong thâm tâm, Sen Thuỷ chỉ là cát trắng, rừng dương xanh, là Bàu Sen với cháo cá nức tiếng xa gần... mà tôi và mấy đồng nghiệp cùng đi không biết rằng đất đai của địa phương này lại rộng dài đến thế. Cả tiếng đồng hồ xe chúng tôi chạy mãi miết trong rừng thông.

Phải nói rằng vùng đất này có duyên với cây thông, khá bằng phẳng, đất đai lại tươi tốt. Những rừng thông bạt ngàn chạy tít tắp... Nhưng đến đâu chúng tôi cũng được anh Đinh Đức Vũ, Phó công an xã, người dẫn đường cho chuyến đi nói, thông của Lâm trường Bến Hải đấy...

Hậu... chia tỉnh...

Chuyện "hậu... chia tỉnh" có khá nhiều nhưng có một chuyện mà đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Đó là những rừng thông trên đất Sen Thuỷ và Thái Thuỷ mà chúng tôi đang ngắm nhìn hôm nay. Theo ông Nguyễn Văn Hiểu, Chủ tịch UBND xã Sen Thuỷ, những năm tỉnh lớn Bình Trị Thiên, Lâm trường Bến Hải đã trồng thông trên vùng đất các xã Sen Thuỷ, Thái Thuỷ (Lệ Thuỷ) và một số xã thuộc huyện Bến Hải (Vĩnh Chấp, Vĩnh Khê, Vĩnh Long...). Nếu không có sự kiện chia tỉnh thì sự việc trên không có gì để nói.

Nhưng từ 7-1989, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế trở lại địa giới cũ. Lúc đó có lẽ có quá nhiều việc phải làm nên mọi người đã "quên mất" hàng trăm ha thông ngót chục năm tuổi ở vùng đất giáp ranh này của Lâm trường Bến Hải đang "sống nhờ trên đất bạn". Và cũng cần nhắc lại, lúc trồng thông, vùng đất này rất hoang vu, rừng cây lúp xúp, chủ yếu là cây bụi và sim mua, và cũng chẳng ai thèm để ý đến. "Nước sông công lính", những người công nhân lâm trường quốc doanh (lúc ấy thì toàn là quốc doanh) ăn lương  nhà nước, cây giống nhà nước với "thời gian không hạn chế" đã làm xanh lại những vùng đất xa ngái này bằng màu xanh của rừng trồng...

Những cột mốc ranh giới đang bị hư hỏng.
Những cột mốc ranh giới đang bị hư hỏng.

Ông Lê Đăng Dụng cùng vợ là công nhân Lâm trường Bến Hải những năm 70-80, hiện đang trú tại thôn Trầm Kỳ (Sen Thuỷ), nhớ lại: rừng thông trên địa bàn xã Thái Thuỷ và Sen Thuỷ được lâm trường trồng trong những năm 1978-1982...Như vậy những cây thông này đã có số tuổi trên 30 năm, và theo ông Hiểu, diện tích thông trên đất Sen Thuỷ lên đến khoảng 300 ha...

Những nghịch lý và hướng giải quyết...

Cây thông trên đất Sen Thuỷ, Thái Thuỷ âm thầm lớn lên và đến lúc trút nhựa...Chỉ có điều, những dòng nhựa ấy chảy vào túi chủ sở hữu của nó- Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải thuộc UBND tỉnh Quảng Trị. Còn người dân xã Sen Thuỷ, Thái Thuỷ với trách nhiệm xã hội, tích cực phòng chống cháy rừng (bởi không phòng chống cháy thì... "cháy thành vạ lây") và làm thuê cho lâm trường. Trong khi với địa phương này diện tích đất rừng bị thu hẹp, dân sinh sôi ngày một đông nên tình trạng thiếu đất sản xuất đang hiện hữu.

Chúng tôi ghé thôn Trầm Kỳ, một thôn trong vùng "lõi" rừng thông. Ông Phạm Văn Huynh, trưởng thôn cho biết, thôn có 88 hộ, 330 khẩu nhưng chỉ có 80 ha rừng Việt Đức ( Dự án Việt Đức về trồng thông trước đây) cùng với gần 20 ha rừng trồng cây hỗn hợp, trong đó có một số diện tích trồng cao su. Trong khi đó rừng thông do Xí nghiệp Lâm sản số 1, đơn vị trực thuộc công ty vừa nói ở trên quản lý trên địa bàn thôn là gần 100 ha. Để có thêm thu nhập trong khi rừng thông phần lớn chưa có nhựa, rừng trồng còn thưa thớt, người dân đã đi làm thuê cho xí nghiệp. Theo ông Huynh, trong thôn có khoảng 50 hộ hợp đồng cạo nhựa thông thuê...

Tại khu rừng thông gần cột mốc số 2 (mốc tỉnh giới Quảng Bình- Quảng Trị) hai vợ chồng chị Trịnh Thị Thơm ở thôn Trầm Kỳ đang làm việc. Vợ mải miết cạo nhựa, chồng phát thực bì. Chị Thơm vừa thoăn thoắt công việc vừa tiếp chuyện chúng tôi. Gia đình chị năm 2012-2013 nhận khoán 1.250 cây thông, theo mức khoán 2,45kg/cây/ năm với giá bán cho xí nghiệp 12,5 ngàn đồng/kg. Theo tính toán của chị Thơm, hàng năm gia đình chị thu được khoảng 35- 40 triệu đồng từ nhận khoán này. Chị cũng phàn nàn rằng khoán như vậy là hơi cao, những tháng mưa nhiều là lỗ, không đủ khoán nên bị phạt...Nhưng dẫu sao với thu nhập như vậy cũng có thể coi là tạm được đối với lao động nông nghiệp ở vùng sâu, vùng xa như Sen Thuỷ...

Rừng thông trong vùng giáp ranh ở Sen Thuỷ.
Rừng thông trong vùng giáp ranh ở Sen Thuỷ.

Tuy nhiên, trở lại vấn đề sự bền vững của công việc, ông Huynh lại băn khoăn: Lúc này xí nghiệp đang cần lao động nên chúng tôi mới được hợp đồng cạo nhựa còn khi họ không cần nữa thì làm sao? Và một câu hỏi nữa của ông Huynh mà chúng tôi không lý giải được, những năm trước họ cho xe ủi ủi cả cột mốc để làm gì....

Rời thôn Trầm Kỳ, chúng tôi ngược vào Xí nghiệp Lâm sản số 1 trực thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, đơn vị trực tiếp quản lý diện tích rừng thông trên địa bàn Sen Thuỷ, Thái Thuỷ. Trên đường đi chúng tôi lại bắt gặp một số cột mốc ranh giới giữa hai tỉnh đang nằm sấp trên mặt đất. Những cột mốc này đã kiểm chứng lại điều ông Huynh nói lúc nãy, buộc chúng tôi phải đặt ra câu hỏi, đây là sự vô tình hay cố ý để xoá đi dấu vết của ranh giới hai tỉnh?

Khi tiếp xúc với ông Nguyễn Nam Tiến, Giám đốc xí nghiệp, ông cho biết có một lực lượng lao động từ Nghệ An đang làm công cho xí nghiệp. Có lẽ điều băn khoăn của ông Huynh chính là thông tin này chăng? Lực lượng này sẽ thay thế dân bản địa trong nay mai, nếu hợp đồng với dân tự do dễ dãi hơn? Một điều nữa là theo ông Nam diện tích rừng thông trên địa bàn Quảng Bình do đơn vị ông quản lý chỉ trên 200 ha, còn theo các địa phương là trên 400 ha, trong đó Sen Thuỷ 300 ha, Thái Thuỷ 100 ha.

Về nguyện vọng của địa phương đối với diện tích thông trên địa bàn đang do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải quản lý, ông Hiểu, Chủ tịch xã Sen Thuỷ nói: Cần thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng với địa phương đang thiếu đất trồng rừng rất cần được nhận lại diện tích trên để trồng rừng sau khi hết vòng đời của thông. Đồng thời phải có những ràng buộc để người dân trong vùng không bị thiệt thòi...

Từ thực tế trên, cần phải có những giải pháp toàn diện, cụ thể cho vùng đất này. Có lẽ việc xâm canh ở vùng giáp ranh là chuyện bình thường, không có gì đặc biệt. Cái đặc biệt là chúng ta không có biện pháp cụ thể trong quản lý, dù thời gian của thực trạng này diễn ra đã khá lâu. Vậy, theo chúng tôi, cần thực hiện ngay theo những quy định của pháp luật về đất đai. Theo ông Nam, đơn vị đang thuê một đơn vị tư vấn của tỉnh ta xác định lại diện tích trên thực địa để làm thủ tục thuê đất. Như vậy sau hơn 20 năm làm "chay" nay mới tiến hành thủ tục để thuê đất? Tất nhiên làm sao trách được doanh nghiệp, khi chủ sở hữu vùng đất này lại im lặng?

Thuê đất, đó là việc hiển nhiên. Nhưng với vùng đất này, với thực trạng hiện nay trong đó có mối quan hệ khá nhiều chiều giữa Rừng thông-Xí nghiệp- Người dân- An ninh trật tự trên địa bàn... cần có những chế định khác nữa vừa phù hợp với thực tế vừa để giải toả những băn khoăn của người dân như nói ở trên.

Theo chúng tôi, ngoài việc thuê đất theo quy định của pháp luật, chính quyền hai bên (tỉnh, huyện) cùng doanh nghiệp cần có những thống nhất ràng buộc liên quan đến việc cùng hưởng lợi trên diện tích thông này, trong đó trọng tâm là việc làm cho người lao động ở các thôn có rừng thông...Thứ nữa là cho thuê đất trong hạn định vòng đời của cây thông (hiện nay đã hơn 30 năm), khi cây thông hết vòng đời sẽ bàn giao lại đất đai cho địa phương quản lý....

                                                                                Văn Hoàng




 

,
.
.
.