.

Nửa thế kỷ đi "mở đất"

.
08:14, Thứ Năm, 14/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Để có được những cánh rừng cao su bạt ngàn trên vùng đất Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy bên dãy rừng Trường Sơn hùng vĩ hôm nay, giải quyết công ăn việc làm cho cả nghìn công nhân, lao động địa phương là một hành trình trọn nửa thế kỷ đi “mở đất” đầy thử thách…

1. Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lệ Ninh là thế hệ thứ 2 trên mảnh đất Lệ Ninh, nhưng đến bây giờ khi nghĩ về những năm tháng qua, không giấu được nỗi bồi hồi, xúc động. Một người đã từng ăn dầm, nằm dề với cây cao su trong suốt chặng đường dài, hơn ai hết anh Sơn hiểu về vùng đất Lệ Ninh này. Niềm hạnh phúc lớn nhất của anh chính là Lệ Ninh đã thực sự có “vàng trắng”, thứ “vàng” không thua kém bất cứ nơi nào trên đất nước.

Anh kể: ngày 24-12-1960, Nông trường quốc doanh Lệ Ninh được thành lập, với 36 tập đoàn của liên đoàn sản xuất miền Nam. Đây là nơi hội tụ những anh chị em là cán bộ, đảng viên, nhân viên, bộ đội, thương bệnh binh và con em địa phương của hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước. Với bàn tay lao động cần cù, sáng tạo, tất cả vì miền Nam ruột thịt, cán bộ, công nhân viên Nông trường Lệ Ninh đã biến mảnh đất này thành một nông trường quốc doanh làm hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh Mỹ. 

Những năm 1963-1964, các chuyên gia đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu đưa giống cao su sang trồng tại vùng đất này. Diện tích tăng dần lên những năm sau đó với khoảng 700ha trên đất của nông trường. Nhưng chính trong thời gian này đế quốc Mỹ ngày càng leo thang đánh phá miền Bắc. Hàng trăm cán bộ đã anh dũng ngã xuống và hơn 400 ha cao su đầu tiên của nông trường đã bị tàn phá. Với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai, với nhiều phong trào thi đua, sản xuất giỏi chiến đấu giỏi, tất cả cho sản xuất để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược... Trong những năm chiến tranh ác liệt ấy, Nông trường Lệ Ninh đã góp phần đáng kể cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược...

Hơn 100ha đất rừng vừa được Công ty Lệ Ninh khai hoang để trồng cao su.
Hơn 100ha đất rừng vừa được Công ty Lệ Ninh khai hoang để trồng cao su.

Sau khi hoà bình lập lại Nông trường Lệ Ninh nhanh chóng xây dựng, khôi phục lại cơ sở vật chất, ổn định đời sống. Với khẩu hiệu hành động tất cả vì Tổ quốc XHCN, vì ấm no hạnh phúc của công nhân, chỉ trong vòng hơn 10 năm nông trường đã hồi sinh trở lại, màu xanh đã trở lại với vườn cây, ruộng đồng, tiếng búa, tiếng máy đã trở về với nhà xưởng, công trường...

2. Tôi và Dương, cán bộ Phòng Tổ chức-Hành chính của Công ty Lệ Ninh cùng đi về những cánh rừng cao su mà hơn nửa thế kỷ qua công ty đã gây dựng lên. Tại Nông trường 1, Giám đốc Ngô Thanh Tâm giọng sang sảng: Anh biết không, để có những cánh rừng cao su ấy, công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng để tiến hành mở đường. Mở đường để khai phá những vùng đất xa ngái phục vụ cho việc trồng cao su là chiến lược phát triển của công ty...

Đi dưới những tán rừng cao su đang thời kỳ thu hoạch, anh Tâm chỉ tay về phía những cánh rừng cao su hơn 1 năm tuổi của công ty và cho biết: Năm 2011, khi được UBND tỉnh cấp 40ha đất tại vùng dốc Chạng, đây là vùng đất rừng nghèo kiệt, công ty đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để làm gần 3km đường cấp phối nhằm thuận lợi cho việc trồng cao su. Rồi anh bảo tiếp, không phải công ty bỏ ra từng ấy tiền không phải không có cái lý của nó đâu, ngoài việc thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ cho trồng cao su tại vùng dốc Chạng mà công ty đang có ý định xin gần 200 đất rừng nghèo kiệt tiếp giáp với dốc Chạng để trồng tiếp cao su...

Rời Nông trường 1, tôi lên xe trở lại đường 10 để đến Nông trường 2 nơi đây đang có những người đang ngày đêm bám đất để phủ xanh rừng bằng cây cao su. Mất gần 1 tiếng đồng hồ, ngoằn ngoèo trên những con đường độc đạo trong rừng tôi cũng có mặt tại địa điểm đang trồng mới cao su của đơn vị. Đón tôi trên trạm gác bảo vệ của đội 4, Giám đốc Nông trường 2, Lê Hồng Minh, hồ hởi bảo tôi: Vất vả lắm anh à, đang vào mùa trồng mới nên anh em nông trường phải ngày đêm bám đất để trồng cao su theo đúng kế hoạch của công ty. Đơn vị đã bám tại đây hơn 3 tháng rồi...

Đây là vùng đất hơn 100ha được chuyển đổi trên diện tích đất rừng trồng của 25 hộ nhận khoán đất của công ty để sản xuất. Công ty đã đánh giá đền bù tài sản vườn cây, rừng trồng và hỗ trợ một phần kinh phí khai hoang, phục hóa đất cho các hộ để lấy lại đất trồng mới cao su...

Một góc rừng cao su của Công ty Lệ Ninh.
Một góc rừng cao su của Công ty Lệ Ninh.

3. Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty Lệ Ninh bộc bạch rằng, hơn nửa thế kỷ qua bây giờ công ty đã khá khang trang rồi, đó là công sức và mồ hôi, trí tuệ và máu của biết bao cán bộ, nhân viên đổ ra nơi đây. “Anh hãy nhìn lại xem, hơn nửa thế kỷ qua, có cây nào ghi đậm dấu ấn như cây cao su. Gần như các loại cây trồng khác, mặc dù đã đưa lên bàn nghị sự, đưa vào các nghị quyết chuyển đổi cơ cấu cây trồng của các cấp có thẩm quyền, song mấy cây có thể giúp người dân yên tâm trồng? Sự hình thành cây cao su sẽ giúp cho Lệ Ninh trù phú, xanh tươi hơn” - anh Sơn nói.

Với chủ trương phát triển cây cao su phải bền vững và không ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhân dân, công ty đã rà soát, quy hoạch diện tích đất trồng cao su, theo phương châm liền vùng, liền khoảnh, chủ yếu là đất sản xuất kém hiệu quả, đất trồng rừng không thành rừng; đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách của tỉnh về trồng cao su.

Bên cạnh đó, tại các vùng quy hoạch, công ty đã đầu tư làm đường giao thông, hỗ trợ giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để trồng xen canh các loại cây ngắn ngày và cho công nhân vay vốn mua trâu, bò phát triển chăn nuôi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập. Tại các đội sản xuất, công ty đã đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp học mẫu giáo, phục vụ công nhân, giúp họ yên tâm lao động sản xuất. Anh Sơn đưa cho tôi đề án tái cơ cấu công ty với những chiến lược sản xuất, kinh doanh mới và nói một cách hồ hởi rằng: “Nếu thuận buồm xuôi gió thì khoảng vài năm nữa anh sẽ thấy đây là vùng đất ngút ngàn cao su”.

Theo anh Sơn, đến nay, tổng diện tích cao su trồng được ở công ty là 1.500ha. Trong đó, có 1.400ha đang khai thác và 100ha trồng mới. Năm nay, công ty dự kiến sản lượng khai thác mủ cao su đạt trên 1.100 tấn; doanh thu từ cây cao su ước đạt trên  83 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước trên 8 tỷ đồng, bình quân thu nhập của công nhân là 4 triệu đồng/người/ tháng...

Chưa biết sẽ có những biến cố nào đến với cây cao su trong tương lai, nhưng nhìn sắc diện và những cách làm của công ty thì tôi tin một Lệ Ninh tươi xanh với bạt ngàn cao su sẽ giàu có lên trong nay mai.

                                                                         Ngọc Hải





 

,