Hải Ninh vào xuân mới

Cập nhật lúc 07:46, Thứ Hai, 04/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Trải bao biến cố thăng trầm, vùng đất ven biển, nơi có trận địa pháo của Bộ đội pháo binh Quảng Bình bắn tàu chiến Mỹ năm xưa, trên lối cũ, hôm nay con đường nhựa từ Dinh Mười  ra biển, giúp Hải Ninh đổi mới từng ngày.

Ba mươi năm-từ Xuân Quý Hợi 1983-xã Hải Ninh được thành lập; trên cơ sở tách vùng quê biển xã Gia Ninh. Dân cư chủ yếu khai thác và chế biến hải sản; sống tập trung ở các thôn: Tân Định, Hiển Trung và Cửa Thôn.

Nhớ khi mới thành lập, Hải Ninh gần như biệt lập với các xã xung quanh. Điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, đi lại chủ yếu bằng đôi chân, dù nắng bỏng ngày hè hay mưa phùn rét buốt, bàn chân phải dầm trong cát. Bắt được mẻ cá, người vợ vội vã chẳng ngại trời khuya băng mình vượt động cát kịp buổi chợ đông. Đêm về, ngôi nhà chỉ ngọn đèn dầu soi sáng, nhà khá hơn có đèn măng sông nhưng không dám thắp vì tốn dầu. Gia đình có việc đột xuất muốn báo tin cho người thân phải chạy bộ hoặc vô bưu điện Quán Hàu gọi nhờ điện thoại... Đã có lúc nơi đây truyền nhau câu nói "Hải Ninh gần, gọi Lệ Ninh xa''. Đời sống kinh tế khó khăn, việc học hành của con em ít được chăm lo, cơ sở vật chất tạm bợ. Khu vực trung tâm Trường phổ thông cơ sở Tân Xuân - tiền thân của giáo dục Hải Ninh-có 12 lớp, còn lại ở  khu vực lẻ, trẻ con đến trường thưa thớt. Nhiều em bỏ học theo cha mẹ làm ăn. Câu chuyện "Tân Xuân đông biển, vắng trường" ra đời từ đó...

Gian nan là vậy nhưng với niềm vui làm công dân của đơn vị hành chính non trẻ, nhân dân xã Hải Ninh đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn, chung tay xây dựng quê nhà. Đến mùa hè năm 1990, huyện Quảng Ninh tái lập. Với khẩu hiệu "Đoàn kết-Đổi mới-Tiến lên", cùng với toàn huyện, người dân Hải Ninh tiến bước  trong khí thế mới; Hải Ninh gần lại với các vùng quê.

Bằng ý chí tự lực, với tinh thần đổi mới của quê hương Quảng Ninh sau ngày tái lập, sự giúp đỡ của tỉnh, của huyện và các đơn vị, Hải Ninh như có làn gió mới thổi vào quê biển. Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận cùng nhân dân đón nhận các chương trình kinh tế -xã hội bằng quyết tâm cao, nghị lực mới...

Xác định giao thông là quan trọng, mở đường từ quốc lộ 1A ra biển là việc đầu tiên giúp Hải Ninh phát triển. Giữa năm 1993 con đường bằng sỏi biên hoà nối từ ngã ba Dinh Mười ra Hải Ninh đến đầu thôn Tân Định được thi công trong niềm vui khôn tả... là dấu mốc đáng nhớ của Hải Ninh.

Cùng với giao thông, các cốt vật chất khác dần được hình thành. Lưới điện quốc gia băng qua đồi cát trắng về quê biển. Giữa năm 1997 điện thoại hữu tuyến thông suốt, rồi điện thoại di động phủ sóng, nối Hải Ninh gần lại... 

Từ những "chiếc bơ nan của kinh tế hộ", hôm nay trên biển Hải Ninh có gần 530 phương tiện đánh bắt; trong đó có tàu công suất từ 90 CV đến 220 CV. Tính riêng năm 2012, Hải Ninh đánh bắt được hơn 2.050 tấn hải sản. Dịch vụ thu mua, chế biến thủy sản được mở mang. Nước mắm, ruốc khô, mực khô... của biển Hải Ninh đến nhiều miền quê. Để tăng thu nhập, người dân đã đầu tư 32,5 ha nuôi trồng thuỷ sản cho kết quả khá.

Cùng với khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; trồng trọt và chăn nuôi dần phát triển. Với 55 ha khoai lang trồng mỗi năm, lượng củ thu về qua chế biến, sản phẩm “khoai deo Hải Ninh” được nhiều người ưa chuộng. Trên đồng cát, đàn bò hơn 180 con làm gam màu bức tranh kinh tế Hải Ninh thêm đa dạng. Để bảo vệ môi trường, tăng thêm thu nhập trồng rừng kinh tế, rừng chắn cát được đẩy mạnh. Nhiều trang trại ở Hải Ninh đang phát huy hiệu quả. Đời sống nhân dân Hải Ninh có nhiều thay đổi, không còn hộ đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm. Nhà cửa khang trang, nhiều nhà cao tầng mọc lên. Về Hải Ninh ngày đầu năm mới 2013, khi tuyến đường Dinh Mười -Hải Ninh nâng cấp, nối liền đường chiến lược chạy dọc bờ biển được rải nhựa. Đêm về điện sáng lung linh, đường quê đẹp lối dọc ngang, Hải Ninh có diện mạo mới.

Kinh tế khấm khá, hoạt động văn hoá được cấp uỷ, chính quyền và người dân chăm lo. Nhà văn hoá thôn được xây dựng khang trang. Hệ thống truyền thanh đang phát huy tác dụng. Trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở xây dựng 2 tầng bảo đảm cho gần 1.200 con em học tập. Điều đáng ghi nhận là sự đoàn kết cộng đồng được phát huy, dân chủ cơ sở luôn mở rộng, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hải Ninh được người dân hưởng ứng tích cực.

Dẫu còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng với  quyết tâm làm cho Hải Ninh thêm giàu mạnh, hơn 4.830 người dân sống ở 5 thôn đang quyết tâm chung lòng xây dựng làng quê đổi mới.

Ba mươi năm, khoảng thời gian không dài trong tiến trình lịch sử, nhưng đủ để khẳng định những thành quả mà các thế hệ cán bộ và người dân Hải Ninh làm được, tạo nên sự đổi thay kì diệu ở một vùng quê.

                                                                              Lê Huấn       

 

,
.
.
.