Sức bật Kiến Giang

Cập nhật lúc 07:42, Thứ Hai, 19/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Tính đến cuối năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo của thị trấn Kiến Giang đã giảm xuống còn 5,34%, không có hộ đói ăn đứt bữa; ngành nông nghiệp giảm còn 40% trong cơ cấu kinh tế; ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp tăng lên 60%... Bộ mặt đô thị Kiến Giang đang có sự khởi sắc nhanh chóng...

Thị trấn Kiến Giang hiện có 1.714 hộ, với 7.200 nhân khẩu, sống phân bố tại 8 tổ dân phố. Là địa phương thuần nông, với lợi thế nằm ở vùng trung tâm của huyện Lệ Thủy, những năm trở lại đây, người dân thị trấn Kiến Giang đã biết tận dụng lợi thế này để tập trung đẩy mạnh phát triển các ngành nghề du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp... nhằm ổn định cuộc sống, thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng. Đây cũng là mũi nhọn mà chính quyền thị trấn Kiến Giang đã xác định, lựa chọn để đưa vào nghị quyết  nhằm tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội những năm vừa qua.

Năm 1986, khi mới thành lập, thị trấn Kiến Giang, có tỷ lệ hộ tham gia sản xuất nông nghiệp hơn 70%. Xác định quỹ đất nông nghiệp không có nhiều, hơn nữa với quá trình đô thị hóa đang diễn ra khá mạnh mẽ, đất nông nghiệp tại địa phương sẽ bị thu hẹp, kinh tế nông nghiệp rất khó để tạo nên sự “bứt phá” trong chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế..., Đảng bộ thị trấn Kiến Giang đã tiến hành họp bàn và đi đến thống nhất khuyến khích bà con mạnh dạn đa dạng hóa các ngành nghề để tạo thêm nhiều việc làm, nhanh chóng xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Một góc thị trấn Kiến Giang.
Một góc thị trấn Kiến Giang.

Thị trấn Kiến Giang là nơi hội tụ nhiều dân cư ở các vùng miền khác nhau về đây làm ăn sinh sống; nơi có mặt bằng dân trí cao; tập trung nhiều cơ quan, đơn vị các trục đường giao thông, chợ, trường học... quan trọng. Lợi thế này đã được chính quyền thị trấn Kiến Giang tận dụng và phát huy khá tốt trong những năm qua. Cụ thể, sau khi tiến hành điều tra, rà soát một số ngành nghề sẵn có tại địa phương, UBND thị trấn đã chỉ đạo các tổ chức hội như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... tăng cường phối hợp với các ngành chức năng để mở nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề cho hội viên của mình.

Bên cạnh đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận, vay các kênh vốn ưu đãi để tập trung đầu tư sản xuất. Chính từ chủ trương này, đến nay tỷ trọng ngành nông nghi­ệp giảm hẳn, các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp tăng lên 60%. Tính đến cuối tháng 10 – 2012, thị trấn Kiến Giang có 52 loại ngành nghề khác nhau như: mộc dân dụng và mỹ nghệ; sản xuất gạch blóc; gò, hàn và làm cửa sắt, nhôm, kính, chế biến thịt hộp...

Ngoài ra, thị trấn có 55 cơ sở, dịch vụ nhà hàng kinh doanh. Thu nhập từ các ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp mỗi năm đạt khoảng 100 tỷ đồng. Việc chú trọng phát triển ngành nghề dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp không chỉ giúp cho nhiều hộ dân không đất sản xuất nông nghiệp có việc làm ổn định mà còn hỗ trợ đáng kể cho những hộ làm nông trong thời gian nhàn rỗi để kiếm thêm thu nhập từ kinh doanh, buôn bán, phụ thợ...

Việc xác định đúng hướng để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đã giúp thị trấn Kiến Giang có “sức bật” mạnh mẽ trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội những năm qua. Chủ tịch UBND thị trấn Kiến Giang Lê Tiến Sỹ cho biết: Ngoài sự cố gắng của địa phương, được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền, trong vòng 10 năm trở lại đây, thị trấn Kiến Giang đã và đang “mọc lên” nhiều công trình trọng điểm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt cho vùng trung tâm huyện lỵ như: cầu Kiến Giang, cầu Phong Liên, chợ Tréo, kè chống sạt lở đôi bờ sông Kiến Giang... Sắp tới, nếu tuyến đường từ ngã ba Cam Liên được đầu tư xây dựng kéo dài tới tận cửa khẩu Eo Bù – Chút Mút, nối thông với đất nước bạn Lào sẽ là một động lực mạnh mẽ giúp thị trấn phát triển nhanh hơn về mọi mặt...

                                                                                     P. V



 

,
.
.
.