Làng nghề Mai Hồng: Nguy cơ thất truyền

Cập nhật lúc 07:30, Thứ Ba, 20/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Nằm cạnh quốc lộ 1A, làng Mai Hồng thuộc thôn 8 xã Đồng Trạch, Bố Trạch từ lâu đã nổi tiếng với nghề đúc rèn truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay, cũng giống như một số làng nghề khác trên địa bàn tỉnh ta, làng nghề Mai Hồng đang lâm vào cảnh “thoái trào”, lúng túng trong việc tìm hướng đi mới.

Từ những ngày đầu cực thịnh

Từ những năm giữa thế kỷ 20, nghề rèn đúc ở đây đã được “manh nha” và dần dần được xây dựng, phát triển với loại hình sản xuất kinh doanh hợp tác xã có tên gọi là HTX công nghiệp – thủ công nghiệp Mai Hồng (gọi tắt là HTX Mai Hồng). Lúc đó, ở Mai Hồng gần như nhà nhà có lò rèn, người người tham gia làm nghề rèn. Có thể nói Mai Hồng là “lò” đúc rèn của cả tỉnh.

Anh Trần Thanh Hải, trưởng thôn 8 xã Đồng Trạch cho biết: “Ngày trước, Mai Hồng là “thủ phủ” của nghề đúc rèn với hàng trăm lao động địa phương từ già đến trẻ. Hầu hết các hộ trong thôn, đặc biệt là các hộ gần cầu Lý Hòa đều dựa vào nghề này để sống. Đã có không ít gia đình vươn lên thoát nghèo, cải thiện được cuộc sống khó khăn nhờ nghề này”.

Từ những năm 1990, HTX Mai Hồng ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong việc quản lý, tìm kiếm thị trường và thúc đẩy sự tăng trưởng của hoạt động rèn đúc. Vào thời kỳ “cực thịnh” đó, hàng ngày có đến hàng chục chuyến xe tải đến đây mua các sản phẩm như dao, rựa, liềm, hái, nồi hốt, soong, nồi ba, nồi bảy, vành xe đạp... để bán đi các nơi khác. HTX Mai Hồng trở thành cầu nối hữu hiệu đưa các loại sản phẩm thủ công đến thị trường tiêu thụ một cách có hiệu quả. Ngoài ra, HTX còn thực hiện đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hóa việc làm.

Do đó, từ cái nôi là HTX Mai Hồng, nghề rèn đúc có điều kiện duy trì và phát triển, cung cấp các mặt hàng thủ công cho hầu hết các xã khác trong huyện cũng như ngoài huyện, bảo đảm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo việc làm cho nhiều lao động trong làng.

Lao động trẻ làm nghề đúc rèn ở Mai Hồng đang “rơi rụng” dần.
Lao động trẻ làm nghề đúc rèn ở Mai Hồng đang “rơi rụng” dần.

Những năm qua, nền kinh tế - xã hội của Đồng Trạch đã có nhiều bước tiến đáng kể, trong đó không thể phủ nhận vai trò của nghề đúc rèn truyền thống. Theo số liệu thống kê của UBND xã thì trung bình mỗi năm thu nhập từ nghề đúc, rèn của Mai Hồng đạt khoảng 12 tỷ đồng. Đời sống của người dân nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể.

Thêm vào đó, với 240 lao động hoạt động ở lĩnh vực này, bài toán việc làm cho người dân địa phương đã phần nào được giải quyết khá hiệu quả. Năm 2008, Mai Hồng được công nhận là làng nghề đúc rèn truyền thống. Đây chính là cơ hội, là “bước đà” để địa phương thúc đẩy nghề ngày một phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng. Tuy nhiên, có một thực tế đang hiện hữu đó là mặc dù trải qua thời gian tồn tại khá lâu với những giá trị không thể phủ nhận, nhưng hiện nay làng nghề Mai Hồng đang phải đối mặt với nguy cơ bị co hẹp, mai một dần.

Đến nỗi lo thất truyền

Nhiều làng nghề đã và đang có nguy cơ thất truyền, mai một, trong khi đó, lớp lao động kế cận lại ngày một ít đi là một thực tế đang diễn ra ở nhiều làng nghề cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh ta nói riêng. Mai Hồng cũng không phải là ngoại lệ. Để tồn tại, làng nghề này đang phải đối mặt với hàng loạt thử thách của cơ chế thị trường: môi trường sinh thái, vốn đầu tư và đầu ra cho sản phẩm.

Một vài năm trở lại đây do số hộ làm nghề và số lượng lao động thưa dần, nghề đúc rèn của địa phương không còn cực thịnh như xưa. Anh Trần Trung Chiến, một thợ rèn có thâm niên gần 30 năm ở Mai Hồng thở dài: “Trước đây, nghề rèn làng tôi rất có “giá”. Sản xuất được bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu. Thậm chí có khách hàng còn phải đặt cọc trước mới có hàng. Gia đình nào có lò rèn đều có cuộc sống ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn, không phải lo cái ăn, cái mặc.

Thế nhưng, hiện nay cả làng chỉ còn 32 hộ theo nghề với mức độ nhỏ lẻ. Sản phẩm làm ra cũng không còn được giá như trước. Nghề đúc rèn của làng đang có xu hướng bị co hẹp dần”. Đây không chỉ là nỗi lo của riêng anh Chiến mà là nỗi lo chung của những người con Mai Hồng tâm huyết với nghề truyền thống.

Vướng phải nhiều “cái khó”, không ít lò đúc rèn truyền thống của địa phương “tiến thoái lưỡng nan” trước việc tìm hướng đi mới hiệu quả, thậm chí nhiều lò buộc lòng phải “tắt lửa” để xoay theo nghề khác. Giải thích cho thực trạng này, ông Võ Quang Minh, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Nguyên nhân chủ yếu là do “cơn lốc” cơ chế thị trường và đô thị hóa cộng với lối sản xuất theo kiểu truyền thống với các đặc điểm nhỏ lẻ, quy mô khép kín trong từng hộ gia đình.

Do thiếu vốn đầu tư để đổi mới thiết bị, dụng cụ, máy móc nên năng suất, chất lượng sản phẩm thấp, mặt hàng đơn điệu, mẫu mã ít có sự thay đổi nên không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Các sản phẩm công nghiệp đang thay thế các sản phẩm thủ công bởi sự đa dạng, phong phú về mẫu mã, chất liệu, sự tiện dụng và giá cả hợp lý. Yêu cầu công cụ sản xuất nông nghiệp ngày càng chất lượng, hiện đại hơn...

Với các mặt hàng tiêu dùng do làm thủ công với công nghệ lạc hậu nên chất lượng sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Bên cạnh đó, lao động tại làng nghề chủ yếu làm theo kinh nghiệm “cha truyền con nối”, kỹ năng nghề nghiệp không đều, số lao động có tay nghề cao còn ít, công tác truyền nghề chưa thực sự được chú trọng là những cản trở không nhỏ trong việc tìm “đất sống” cho nghề đúc rèn của Mai Hồng.

Có một thực tế nữa là giới trẻ Mai Hồng hiện nay không mấy mặn mà với nghề truyền thống của làng bởi nghề vất vả nhưng thu nhập chỉ ở mức tạm đủ (thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/ người/ tháng) lại bị bó hẹp về không gian, thời gian. Vì thế, số thợ đúc, rèn trẻ tuổi của làng đang ngày một “rơi rụng” dần.

Vậy đâu là lối ra cho làng nghề Mai Hồng? Trả lời câu hỏi này, ông Võ Quang Minh, khẳng định: Để có thể “giữ lửa” cho làng nghề, trước hết đòi hỏi sự nỗ lực của chính làng nghề và các hộ sản xuất. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải có sự liên kết chặt chẽ với lao động và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các nhà đầu tư và cả thị trường.

Để giữ chân lao động thủ công tại các làng nghề truyền thống, cần có chính sách hỗ trợ các làng nghề trong việc tiếp cận thị trường, vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo lao động để làng nghề phát triển. Đặt ra chương trình, xây dựng chiến lược, phát triển thương hiệu cho sản phẩm có tính khả thi và triển khai thực hiện đồng bộ. Sẽ thật khó để có thể vực dậy làng nghề nếu chỉ đơn phương một phía làng nghề hay chính quyền thực hiện...

                                                                              Đào Vân




 

,
.
.
.