Quảng Đông mùa rong biển

Cập nhật lúc 08:30, Thứ Ba, 05/06/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Vào khoảng tháng tư âm lịch, nếu có dịp ghé về vùng biển Quảng Đông (Quảng Trạch), chúng ta sẽ được tận hưởng một hương thơm ngọt ngào rất riêng của những cây rong biển phơi bạt ngàn trên cát trắng. Ngày ngày, khi trời vừa hừng đông, hàng chục con người nơi đây, kẻ trên thuyền người dưới nước bắt đầu lặn ngụp để vớt rong biển.

Nghề lắm vất vả...

Khi mặt trời chưa kịp nhô lên, bãi biển các thôn Đồng Hưng, Thọ Sơn, 19/5 (xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch) đã chật kín người đi vớt rong biển.

Rong biển thường có vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, sinh sôi ở những rạn đá ngầm. Thường người dân đi từng nhóm khoảng từ 4 đến 5 người, chủ yếu là nam giới và phải có sức khỏe, ra xa cách bờ biển khoảng chừng 1 giờ đồng hồ mới có nhiều rong để vớt, vì ở những nơi nước nông rong biển nhiều thì số lượng người khai thác càng đông.

Người dân Quảng Đông vẫn cặm cụi phơi rong biển.
Người dân Quảng Đông vẫn cặm cụi phơi rong biển.

Công việc vớt rong biển rất vất vả, để có được chiếc thuyền chứa đầy rong biển, những người dân nơi đây phải làm việc tích cực từ sáng sớm đến chiều tối ngoài biển khơi, lặn ngụp hàng giờ dưới nước biển mặn chát. Mỗi lần lặn ngụp, người khai thác phải dùng tay hoặc dao cắt từng mảng để rong biển nổi lên mặt nước, công việc của những người còn lại trên thuyền là vớt rong lên và chuyên chở vào bờ. Không chỉ chịu đựng cái sương gió, mặn mòi của biển khơi, người hành nghề vớt rong biển đôi khi cũng gặp phải những bất thường có thể xảy ra của thời tiết (gió lốc, mưa bão...), hay nguy hiểm rình rập dưới lòng đại dương (cá mập, rắn biển...).

Phần việc phơi rong và nhập cho các thương lái là của chị em phụ nữ. Cũng không kém phần gian nan, để phơi sao cho cây rong biển khô ráo, bảo đảm chất lượng theo yêu cầu của người mua, chị em nơi đây đã phải còng mình trên cát trắng dưới cái nắng oi ả của ngày hè, cẩn thận lật, đảo từng mớ rong, canh chừng những cơn mưa giông bất chợt để thu gom rong và mang ra phơi khi ánh nắng quay trở lại. Người dân Quảng Đông bảo rằng đây là nghề “bán xương nuôi thịt”, bởi công việc diễn ra giữa thời tiết khắc nghiệt, suốt ngày “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”.

... nhưng thu nhập cao

Trước đây, khi người dân chưa biết giá trị của rong biển thì không ai để ý tới, nhưng nay rong biển có giá trị, mang lại nguồn thu nhập cao và được các thương lái tìm mua tại chỗ nên nghề này bắt đầu phổ biến, trở thành cơ hội kiếm tiền của các hộ dân nơi đây. Vì thế, dẫu lắm gian truân, vất vả, nhưng những người dân xã Quảng Đông vẫn ngày ngày ra biển vớt rong mong có thêm thu nhập cho gia đình trong mùa biển “lặng”.

Xã Quảng Đông có 5 thôn thì đã có tới 3 thôn làm nghề khai thác rong biển với trên 150 người tham gia. Chị Nguyễn Thị Hải Lý (thôn Đồng Hưng) cho hay: “Công việc vớt rong biển rất vất vả, phải trải qua nhiều công đoạn. Tuy nhiên nhờ giá trị của cây rong biển cao, khoảng 6.500-8.000 đồng/kg nên ai cũng cố gắng”. Cũng như chị Lý, đa số người dân vớt rong biển ở xã Quảng Đông đều là những ngư dân đánh bắt gần bờ.

Đêm đến, họ lênh đênh trên biển câu mực, soi cá, đánh lưới gần bờ kiếm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Mùa biển “lặng” này nhờ có cây rong biển, bà con ngư dân ở đây đã có thêm việc làm tăng thu nhập cho gia đình. Chị Phạm Thị Ngọc (thôn 19/5) vừa phơi rong vừa chia sẻ niềm vui: “Mỗi ngày hai vợ chồng tôi làm tích cực cũng được chừng 70kg rong biển khô, bán được khoảng 500 ngàn đồng, thu nhập này đã làm vơi bớt khó khăn cho gia đình tôi”.

                                                                                                     Lê Mai








 

,
.
.
.