Biện pháp phòng trừ bệnh nứt vỏ xì mủ trên cây cao su

Cập nhật lúc 13:56, Thứ Tư, 30/05/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến giữa tháng 5-2012 toàn tỉnh có trên 125ha cao su bị bệnh nứt vỏ xì mủ, trong đó các huyện có diện tích cao su bị bệnh lớn là Lệ Thuỷ, Bố Trạch, Tuyên Hoá.

 

Cao su trong thời kỳ sinh trưởng mạnh rất dễ bị nhiễm bệnh nứt vỏ xì mủ.
Cao su trong thời kỳ sinh trưởng mạnh rất dễ bị nhiễm bệnh nứt vỏ xì mủ.

Triệu chứng của bệnh: trên thân, cành xuất hiện lớp vỏ hoá nâu có nhiều mụn nhỏ kích thước 1-2 mm, sau đó mụn lan rộng làm thân, cành bị nứt vỏ và mủ rỉ ra từ vết nứt. Những cây bị bệnh nặng sẽ sinh trưởng chậm, thậm chí bị chết.

Tác nhân gây bệnh là do nấm Botryodiploidia theobromadepat gây ra. Tiết tiểu mãn vừa qua trời có mưa sau đó tiếp tục nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh trên diện rộng. Vì vậy các địa phương, hộ gia đình cần có biện pháp phòng ngừa đúng cách để hạn chế khả năng lây lan trên diện rộng.

Biện pháp phòng trừ như sau: đối với cây bị bệnh ở thân, cành trên cao dùng các loại thuốc sau:
Thuốc Vicarben 50HP pha 10-16ml thuốc với 10 lít nước hoặc thuốc Carbenzim 500FL, pha 20ml thuốc với 10 lít nước, phun ướt đều cây.

Đối với cây bị bệnh nặng ở phần thân dùng dao cạo sạch vùng vỏ cây bị bệnh và sử dụng các thuốc sau: thuốc ACROBAT MZ 90/600WP pha 15-20g với 1 lít nước hoặc thuốc Ridomil 72WP 30g pha với 1 lít nước quét lên vết bệnh.

Bên cạnh đó, người trồng cao su cần kiểm tra thường xuyên vườn cây để sớm phát hiện bệnh; pha nước vôi 10% quét lên thân cây khoảng 1 mét kể từ mặt đất để tránh sự xâm nhập của nấm bệnh và giảm ánh sáng trực tiếp vào thân cây.

                                                                                                             P. V




 

,
.
.
.