.

Bố Trạch: Đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân

.
08:43, Thứ Tư, 04/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Xác định việc chuyển giao khoa học, công nghệ tới nông dân đóng vai trò rất quan trọng, thời gian qua, Trạm Khuyến nông huyện Bố Trạch đã triển khai nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi mới, giúp nông dân biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn, góp phần tăng năng suất, sản lượng so với cách sản xuất truyền thống.
 
Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông huyện Bố Trạch đã triển khai và thực hiện được 5 mô hình, gồm: trồng cây dược liệu dưới tán cây cao su gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; trồng dứa thương phẩm; trình diễn, sản xuất giống lúa mới HN6; trồng bưởi da xanh trên vùng gò đồi; trồng rừng gỗ lớn bằng giống cây keo nuôi cấy mô. Khi thực hiện thí điểm các mô hình, nông dân được tự triển khai, áp dụng trên chính mảnh đất của mình; được theo dõi, đánh giá và so sánh giữa sản xuất truyền thống với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Các mô hình được chuyển giao trực tiếp theo hình thức cầm tay chỉ việc nên việc tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật của bà con thuận lợi hơn.
Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học không gây ô nhiễm môi trường, giúp đàn gà khỏe mạnh và phát triển tốt.
Nuôi gà trên nền đệm lót sinh học không gây ô nhiễm môi trường, giúp đàn gà khỏe mạnh và phát triển tốt.
Đối với sản phẩm do nông dân tạo ra, khâu tiêu thụ sản phẩm là khâu quan trọng nhất, là yếu tố để người dân yên tâm sản xuất. Chính vì vậy, đầu năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình “Trồng cây dược liệu dưới tán cây cao su gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm”, mô hình được thực hiện ở xã Sơn Lộc (Bố Trạch) với diện tích 2,6ha, có 5 hộ tham gia thực hiện. Cà gai leo là loại thảo dược quý, dùng chữa trị các bệnh về viêm gan, giải độc, giải rượu, chống xơ gan và hạ men gan…và rất dễ uống nên rất được ưa chuộng. Đến nay, sau 5 tháng trồng và chăm sóc, cây đang phát triển tốt, ít sâu bệnh, đang chuẩn bị cho thu hoạch. Với kết quả ban đầu, có thể khẳng định rằng, đây là loại cây dễ trồng, thích nghi được với nhiều loại khí hậu và nhiều loại đất, thời gian thu hoạch ngắn, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, sản phẩm làm ra đã được Công ty TNHH nông nghiệp xanh Quảng Bình cam kết tiêu thụ sản phẩm nên bà con không lo đầu ra.
 
Bên cạnh đó, mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống cây keo nuôi cấy mô cũng được bà con hưởng ứng tích cực. Hiện mô hình đang được thử nghiệm tại xã Liên Trạch, với diện tích 3,5ha. Ông Nguyễn Việt Hoàng, Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện Bố Trạch cho biết:“So với giống keo lai hom, việc trồng rừng bằng giống keo lai nuôi cấy mô có những ưu thế vượt trội. Trồng cùng thời gian và được chăm sóc giống nhau nhưng keo lai nuôi cấy mô cho đường kính và chiều cao thân cây lớn hơn 1,5 lần so với keo lai hom. Mặt khác, giống keo này có khả năng chống chịu gió bão vì khi phát triển thì thân lên thẳng, có rễ cọc chắc chắn nên chịu được gió mạnh, rất thích hợp với khí hậu ở tỉnh ta. Ngoài ra, giống keo này có thể trồng thành cây lâu năm lấy gỗ nên giá trị kinh tế cao hơn”.
 
Ngoài những mô hình trình diễn các giống cây trồng và vật nuôi, việc chuyển giao công nghệ cũng được Trạm Khuyến nông Bố Trạch chú trọng, tiêu biểu có mô hình chăn nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Mô hình được triển khai tại xã Đồng Trạch với 6 hộ dân tham gia. Mô hình được bà con và chính quyền địa phương đánh giá cao và đang được nhân rộng trên toàn xã.
 
Theo ông Dương Xuân Tuân, thôn 2, xã Đồng Trạch, người thực hiện mô hình cho biết: “So với cách nuôi truyền thống, áp dụng nuôi gà trên nền đệm lót sinh học giúp đàn gà ít mắc bệnh hơn, tăng tỷ lệ sống, chất lượng đàn gà tăng nên giá thành bán cũng cao hơn. Đặc biệt, đệm lót làm phân hủy nhanh phân gà thải ra, do đó, mùi hôi thối, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống tốt cho đàn gà. Ở nơi dân cư đông đúc như khu vực thị trấn, thị xã, thành phố cũng có thể nuôi gà mà không sợ ô nhiễm môi trường xung quanh. So với cách nuôi truyền thống, đây là cách nuôi tôi thấy rất hiệu quả, nhiều người đã đến học hỏi để áp dụng mô hình”.  
Trồng cây dược liệu dưới tán cây cao su gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm hứa hẹn mang lại hiểu quả kinh tế cao cho bà con.
Trồng cây dược liệu dưới tán cây cao su gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm hứa hẹn mang lại hiểu quả kinh tế cao cho bà con.
Cùng với chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua mô hình, nhằm giúp người nông dân tiếp cận nhanh và áp dụng hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng nhanh sản lượng, giảm tối thiểu chi phí sản xuất, trong 6 tháng đầu năm 2018, Trạm Khuyến nông đã tiến hành tập huấn cho hơn 600 lượt người về các lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp. Ngoài ra, trạm còn tư vấn cho nhiều địa phương trong huyện về công tác giống, bảo vệ thực vật và dịch bệnh trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
 
Các hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ về với nông dân của Trạm Khuyến nông huyện đã và đang phát huy hiệu quả, giúp tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất, cũng như nâng cao thu nhập cho người nông dân; đồng thời, góp phần định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với quy hoạch nông thôn mới tại các địa phương trên địa bàn huyện.
 
Tuy nhiên, để đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, Bố Trạch vẫn cần chú trọng đến công tác thu hoạch, sơ chế và bảo quản sản phẩm, mặt khác cần liên kết chặt chẽ hơn nữa với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Sở Khoa học - Công nghệ để khai thác những tiến bộ kỹ thuật mới nhằm ứng dụng chuyển giao nhiều hơn nữa cho bà con.
 
Thanh Hoa
,