.

Đưa công nghệ trồng nấm đến với nông dân

.
08:22, Thứ Hai, 07/05/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Xác định nghề trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua, Quảng Bình đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân phát triển nghề này. Trong đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KH-CN), thuộc Sở KH-CN, là nơi lựa chọn những kỹ thuật tiến bộ, công nghệ mới trong trồng nấm để chuyển giao và nhân rộng vào thực tiễn.
 
Hiện nay, nấm được sử dụng rộng rãi làm thực phẩm và ngày càng thông dụng trong bữa ăn gia đình của người Việt. Chính vì vậy, những năm gần đây, phong trào nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu đã phát triển tại các địa phương trong tỉnh.
 
Năm 2011, được sự hỗ trợ của Bộ KH-CN và UBND tỉnh, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất các loại giống nấm, nấm thương phẩm và chế biến nấm ở quy mô công nghiệp tại tỉnh Quảng Bình”. Đây là dự án nhằm tiếp nhận các công nghệ chuyển giao, xây dựng thành công mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống nấm, nấm thương phẩm cho đến chế biến, tiêu thụ nấm theo quy mô công nghiệp.
Mô hình trồng nấm đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho anh Lê Chính Niệm, xã Lộc Thủy
Mô hình trồng nấm đã thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho anh Lê Chính Niệm, xã Lộc Thủy
Sau hai năm triển khai, dự án đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Dự án đã tiếp nhận chuyển giao các quy trình công nghệ nhân giống cấp I, II, III; công nghệ sản xuất các loại nấm; công nghệ chế biến nấm và chế biến trà túi lọc linh chi; xây dựng nhà xưởng sản xuất giống nấm và mô hình nuôi trồng nấm tập trung liên hoàn tại trung tâm để trồng 5 loại nấm, gồm: linh chi, mộc nhĩ, sò, mỡ, rơm. Đặc biệt, mô hình làng nghề Lộc Thủy đến nay vẫn còn nhiều hộ dân thực hiện.
 
Cũng từ đây, phong trào trồng nấm của người dân tỉnh ta bắt đầu phát triển, thị trường tiêu thụ luôn ổn định, nhiều người dân đã mạnh dạn đến học hỏi kỹ thuật và mua giống tại trung tâm để sản xuất. Ngoài ra, trung tâm cũng đã phối hợp với chính quyền và cán bộ cấp phường, xã ở một số huyện, như: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, để đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật làm lán trại và nuôi trồng các loại nấm, đồng thời sản xuất và cung cấp tận tay người dân các túi nguyên liệu trồng nấm đã được hấp thanh trùng, cây giống và ươm nuôi sợi, người dân chỉ việc chăm sóc và thu hái nấm, riêng nấm linh chi được trung tâm thu mua và tìm đầu ra cho bà con.
 
Không dừng lại ở đó, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN cũng đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu về quy trình sản xuất nấm, chọn nguồn giống mới, như: đề tài: “Ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm tại tỉnh Quảng Bình". Chế phẩm sinh học vi sinh ngoài tác dụng phân giải các chất phức tạp thành các chất đơn giản, dễ hấp thu, còn có khả năng sinh ra các chất kháng sinh chống lại các vi sinh vật và một số loại nấm mốc gây hại cho cho quá trình phát triển của sợi nấm và quá trình hình thành quả thể. Mặt khác, khi ứng dụng công nghệ này, người trồng nấm sẽ rút ngắn được thời gian xử lý nguyên liệu, giảm chi phí nhân công và tăng hệ số vòng quay trong sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
 
Cùng với sự phát triển của nghề nấm, việc nghiên cứu và sản xuất các loại giống nấm chất lượng cao, giá thành hợp lý đã và đang được các đơn vị cung cấp giống nấm ngày càng chú trọng. Trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại giống nấm trên các loại cơ chất khác nhau, từ cơ chất truyền thống là lúa đến cơ chất rơm rạ, mùn cưa, que sắn… Để giúp người trồng nấm có nhiều lựa chọn hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được sử dụng giống nấm chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mang thương hiệu Quảng Bình, trung tâm đang thực hiện đề tài “Phân lập và sản xuất giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ”. Đây là mô hình hứa hẹn đem lại hiệu quả cao cho bà con trồng nấm.
 
Hiện nay, các địa phương có nghề nấm rất phát triển ở tỉnh ta, như: Hiền Ninh, Vạn Ninh (Quảng Ninh); Lộc Thủy (Lệ Thủy); Quảng Phương (Quảng Trạch)... Nhiều hợp tác xã trồng nấm phát triển mạnh, như: HTX trồng nấm Thuận Đức (Đồng Hới), HTX sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (Bố Trạch)…
 
Chúng tôi đã về xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) để tìm hiểu về mô hình trồng nấm của bà con nơi đây. Đây vốn là vùng có truyền thồng trồng nấm, nhưng sản xuất còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, năng suất chưa ổn định nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ khi được sự hướng dẫn và giúp đỡ về giống cũng như kỹ thuật của Trung tâm Ứng dụng KH-CN thông qua dự án “Xây dựng mô hình sản xuất các loại giống nấm, nấm thương phẩm và chế biến nấm ở quy mô công nghiệp tại tỉnh Quảng Bình”, các hộ trồng nấm đã mạnh dạn mở rộng mô hình, sản xuất được những bịch nấm có chất lượng, bảo đảm vệ sinh và năng suất cao hơn. Anh Lê Chính Niệm, thôn An Xá có diện tích trồng nấm hơn 800m2. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ. Trừ mọi chi phí, mô hình trồng nấm đã thu về cho anh gần 300 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, Lộc Thủy còn có nhiều mô hình làm giàu từ cây nấm, như: mô hình của anh Bùi Hữu Cơ, Nguyễn Văn Tư, Bùi Hữu Lâm…
 
Ông Dương Công Nhân, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy cho biết, với nhiều người nông dân Lộc Thủy, cây nấm đã góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ hiệu quả kinh tế cao và đầu ra tương đối ổn định, nên nghề trồng nấm đang được nhiều người dân ưa chuộng. Hiện toàn xã có 20 hộ dân đang làm giàu từ nghề này. Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá cả thị trường bấp bênh nên UBND xã đang hướng dẫn cho một số hộ dân có mô hình lớn hoặc các hộ có mô hình nhỏ liên kết thành lập hợp tác xã để đăng ký nhãn hiệu, tìm kiếm đầu ra.
Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN là nơi lựa chọn những kỹ thuật, công nghệ tiến bộ về trồng nấm để đưa vào thực tiễn cho người dân.
Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-CN là nơi lựa chọn những kỹ thuật, công nghệ tiến bộ về trồng nấm để đưa vào thực tiễn cho người dân.
Bên cạnh việc lựa chọn những kỹ thuật tiến bộ, công nghệ mới để trồng nấm, nhân rộng mô hình cũng là việc làm thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định sinh kế cho người dân, đặc biệt là người dân miền núi. Năm 2014, tổ chức hợp tác kỹ thuật của CHLB Đức (gọi tắt là GIZ), Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN thực hiện chuyển giao công nghệ trồng nấm dược liệu cho bà con 3 xã vùng đệm là Sơn Trạch, Phúc Trạch và Xuân Trạch (Bố Trạch). Việc trồng được nấm dược liệu có giá trị kinh tế là một hướng đi đúng, tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đệm, từ đó giảm bớt việc khai thác bừa bãi lâm sản nhằm góp phần bảo tồn các giá trị thiên nhiên trong khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng.
 
Ngoài ra, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với trung tâm nhân rộng mô hình trồng nấm ở một số xã, như: Vạn Trạch (Bố Trạch), Dương Thủy (Lệ Thủy), nhằm giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định sinh kế. Đặc biệt, hàng năm, trung tâm xuất bán gần 500.000 bịch phôi nấm sẵn, bà con mua về chỉ việc chăm sóc và thu hoạch mà không cần phải xử lý các giai đoạn ban đầu, đây cũng là cách làm hay nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập khi nhàn rỗi.
 
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN cho biết, với những ưu điểm vượt trội so với một số cây trồng khác, mô hình trồng nấm đã cho thấy hiệu quả và mở ra triển vọng về một nghề mới của người dân Quảng Bình. Tuy nhiên, việc phát triển cây nấm thành sản phẩm hàng hóa ở tỉnh ta cũng còn gặp nhiều khó khăn, như: lực lượng cán bộ mỏng, phần kinh phí sự nghiệp đầu tư cho công tác chuyển giao còn hạn chế; bà con chưa nhận thức rõ giá trị, tầm quan trọng của nghề sản xuất nấm, đặc biệt là khâu chuẩn bị nguyên liệu... Mặt khác, vấn đề tiêu thụ sản phẩm nấm lâu dài và bền vững cũng cần được đặt ra để tránh tình trạng “được mùa rớt giá”. Trong đó, việc nghiên cứu chế biến nấm thành phẩm là hướng đi hiệu quả nhằm tiêu thụ sản phẩm số lượng lớn và chủ động trong đầu ra.
 
Thanh Hoa
,