.

Các mô hình ứng dụng KHCN: Hiệu quả nhưng khó nhân rộng

.
14:13, Thứ Ba, 10/04/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Việc ứng dụng các mô hình khoa học - công nghệ (KHCN) vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nuôi trồng thuỷ sản ở tỉnh ta đã giúp người dân tìm ra hướng sản xuất mới, thay thế được nhiều giống cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả. Tuy nhiên, việc triển khai nhân rộng đại trà sau khi mô hình, dự án đã kết thúc vẫn còn nhiều khó khăn. 
 
Hàng năm, ngân sách tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng các đề tài, dự án KHCN. Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn, Sở KH và CN đã tập trung đầu tư nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn nhiều giống vật nuôi và cây trồng mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, như: thỏ New Zealand, hươu lấy nhung, bò lai F1 (BBB x lai Zebu), cá lăng chấm, nấm Kim Phúc và Hoàng đế, cây thanh long ruột đỏ... Ngoài ra, Sở cũng đã thử nghiệm các ứng dụng công nghệ nuôi trồng tiên tiến, như: ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm; ứng dụng công nghệ nano trong nuôi tôm thẻ chân trắng; ứng dụng công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời theo chu trình kín bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường… Năm 2017, Sở KHCN đã triển khai thực hiện được 31 mô hình ứng dụng, nhiệm vụ sự nghiệp KHCN; trong đó, 20 mô hình, nhiệm vụ được chuyển tiếp từ năm 2016, 11 mô hình, nhiệm vụ mới được triển khai năm 2017, 18 mô hình, nhiệm vụ được nghiệm thu.
 
Tuy nhiên, việc nhân rộng những mô hình này lại gặp rất nhiều khó khăn do không nhận được sự hưởng ứng của nông dân. Hải Ninh là xã bãi ngang của huyện Quảng Ninh, người dân nơi đây chủ yếu làm nghề biển, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp trên vùng đất cát một cách bền vững, tạo mặt hàng mới có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường tiêu thụ rộng và ổn định cho người dân, Sở KH và CN đã phối hợp với các trang trại trên địa bàn thử nghiệm nhiều mô hình ứng dụng KHCN. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm về địa phương thì những mô hình này sau khi kết thúc vẫn không thể nhân rộng. Người dân không “mặn mà” với các mô hình kinh tế mới này.
Mặc dù hiệu quả kinh tế cao nhưng mô hình nuôi giun quế vẫn không thể nhân rộng đại trà.
Mặc dù hiệu quả kinh tế cao nhưng mô hình nuôi giun quế vẫn không thể nhân rộng đại trà.
Chúng tôi tìm đến trang trại của anh Đỗ Văn Tùng, thôn Tân Định (Hải Ninh) để tìm hiểu về mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm. Thế nhưng, chính trang trại của anh cũng không còn duy trì loài vật nuôi này nữa. Anh Tùng cho biết, mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm được thực hiện từ năm 2012, sau khi thử nghiệm, anh nhận thấy kỳ đà là loại động vật có thể sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện địa phương. Đặc biệt, Hải Ninh có nguồn cá biển dồi dào để làm thức ăn nên đây kỳ vọng sẽ là mô hình khá triển vọng. Tuy nhiên, sau khi nuôi được một vài năm, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định, giá thành con giống ngày càng cao, hiệu quả kinh tế không được như mong muốn nên mô hình không thể nhân rộng.
 
Mô hình nuôi kỳ nhông được triển khai vào năm 2010 tại nông trại sinh thái Cát Ngọc (xã Hải Ninh) của ông Lê Ngọc Lễ, nhưng đến nay, mô hình này chỉ mình ông thực hiện, không thể nhân rộng đại trà cho người dân. Được sự hỗ trợ của Sở KH và CN, năm 2010, nông trại đã thực hiện dự án nuôi kỳ nhông thương phẩm, sau hai năm thực hiện, kỳ nhông sinh trưởng, phát triển tốt và đã sinh sản. Ưu điểm của loại vật nuôi này là thức ăn đa dạng, dễ kiếm, giá rẻ, thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, do đó kỳ nhông là một hướng nuôi mới, giúp người dân nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế. Năm 2012, Sở KH và CN nhất trí cho nông trại tuyển chọn kỳ nhông nuôi từ dự án trên để tiếp tục thực hiện mô hình “Sinh sản bán nhân tạo nuôi kỳ nhông trên cát”. Tuy nhiên, với bản tính hoang dã, kỳ nhông chỉ sinh sản theo hướng tự nhiên mà không thể nhân giống theo hướng nhân tạo. Mô hình này hiện vẫn còn nhưng không thể nhân rộng cho bà con vì nguồn cung ứng giống tại địa phương chưa có, việc mua con giống khó khăn nên người dân còn ngại đầu tư.
 
Năm 2016, mô hình nuôi lươn đồng không bùn do Công ty TNHH kinh doanh tổng hợp Hưng Gia, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) thực hiện, được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết nguồn thực phẩm sạch, không gây ô nhiễm môi trường, cần được nhân rộng cho bà con địa phương thưc hiện. Tuy nhiên, cuối năm 2017, khi chúng tôi về xã Võ Ninh để tìm hiểu thì chính mô hình này lại đang “đắp chiếu”. Được biết, mô hình không thể nhân rộng do thời tiết ở địa bàn tỉnh ta vẫn chưa phù hợp với cách nuôi này, mùa hè nhiệt độ quá cao cộng với việc môi trường không bùn nên lươn chưa thích nghi được. Ngược lại, mùa đông quá lạnh, chưa có phương pháp làm ấm nên lươn có thể bị chết.
 
Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở KHCN cho biết, nguyên nhân các mô hình, nhiệm vụ sự nghiệp sau khi kết thúc được đánh giá hiệu quả nhưng lại không thể nhân rộng là do những người thực hiện mô hình báo cáo kết quả không trung thực, họ cố gắng chứng minh hiệu quả nhưng thực tế lại không đúng như báo cáo. Mặt khác, hiện nay, thói quen sản xuất truyền thống vẫn còn tồn tại, trong khi các mô hình mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hầu hết đều áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cao, yêu cầu quy trình sản xuất nghiêm ngặt mang tính công nghiệp, cần nguồn vốn lớn, nếu không có sự hỗ trợ thì họ không dám đầu tư. Ngoài ra, đầu ra bấp bênh vẫn đang là "rào cản" khiến phần lớn các đề tài, dự án đang ở dạng mô hình chứ không thể nhân rộng. Nông dân hiện vẫn chỉ sản xuất theo kiểu cây, con nào có giá bán cao thì nuôi, trồng. Trong khi các mô hình nghiên cứu dù đem lại năng suất, chất lượng tốt nhưng giá bán thấp thì vẫn khó thu hút họ thực hiện... 
 
Để các mô hình nhân rộng ra dễ dàng hơn, theo ông Lê Văn Thái, trong thời gian tới, Sở KH và CN sẽ kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ hơn khi thực hiện khảo nghiệm các mô hình ứng dụng KHCN. Mặt khác, yêu cầu những người thực hiện mô hình, nhiệm vụ sự nghiệp cần báo cáo trung thực hơn để các đơn vị được chuyển giao và nhân rộng mô hình biết để khuyến khích bà con nên nhân rộng mô hình hay không. Nếu mô hình thực sự hiệu quả, cần nhân rộng thì các đơn vị được chuyển giao cần tuyên truyền, mở các lớp tập huấn chuyển giao công nghệ cho người dân; đồng thời, nếu không thể thực hiện cần thẳng thắn đề xuất với Sở KH và CN để dừng lại mô hình và không nhân rộng….
 
Thanh Hoa
,