.

Tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

.
07:57, Thứ Ba, 06/03/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, tỉnh ta đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT), trong đó, ưu tiên việc hướng dẫn xác lập và bảo vệ quyền SHTT của các tổ chức và cá nhân; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương và hoạt động sáng kiến trên địa bàn...
 
Trước hết, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về SHTT đã được Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) triển khai, duy trì thường xuyên, liên tục và có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần tạo chuyển biến nhận thức về SHTT của cán bộ các cấp, các ngành và toàn xã hội, đồng thời bảo vệ quyền SHTT cho những phát minh, sáng tạo nhằm kích thích nghiên cứu sáng tạo.
 
Song song với tuyên truyền, công tác hướng dẫn, tư vấn cho các tổ chức, cá nhân xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp cũng được Sở KH-CN chú trọng. Năm 2017, Sở KH-CN đã hướng dẫn thủ tục đăng ký bảo hộ độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa cho 76 lượt cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Việc hướng dẫn các tổ chức, cá nhân bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đã giúp các tổ chức, cá nhân biết cách tự bảo vệ cho đối tượng sở hữu của mình, không xâm hại đến đối tượng sở hữu của người khác.
 
Nhờ làm tốt công tác hướng dẫn, tư vấn thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu hàng hóa nên trong năm 2017, toàn tỉnh có 39 nhãn hiệu được xây dựng hồ sơ và 22 văn bằng về nhãn hiệu đã được cấp. Một số nhãn hiệu tập thể được Cục Sở hữu trí tuệ cấp phát văn bằng nhãn hiệu hàng hóa như: mật ong Minh Hóa, mật ong Tuyên Hóa, gạo P6 Lệ Thủy, rượu Vạn Lộc (xã Vạn Trạch, Bố Trạch)...
 
Việc cấp phát văn bằng nhãn hiệu hàng hóa đã góp phần tạo nên tên tuổi, uy tín cho sản phẩm, giúp các sản phẩm này có thể vươn tới các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, nhà sản xuất yên tâm, mở rộng sản xuất, thị trường tiêu thụ, đầu tư cải tiến máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, áp dụng dây chuyền thiết bị tiên tiến..., từ đó, nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa, tạo ra sản phẩm đặc trưng, thế mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mật ong Tuyên Hóa là sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Mật ong Tuyên Hóa là sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Hiện nay, Sở KH-CN đang triển khai “Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2020”. Trong đó, ưu tiên nội dung hỗ trợ trong lĩnh vực xác lập và bảo hộ quyền SHTT bao gồm: cung cấp miễn phí các tài liệu chuyên môn, các văn bản quy định của pháp luật về SHTT do Sở KH-CN phát hành cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng/1 nhãn hiệu hàng hóa đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp sau khi có quyết định công nhận độc quyền sở hữu của Cục Sở hữu trí tuệ cấp. Các hoạt động hỗ trợ đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân nói chung về SHTT, đồng thời tạo ra nguồn động lực trong việc đăng ký xác lập quyền SHTT cho các tài sản trí tuệ của địa phương.
 
Nhằm tăng cường, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sáng tạo, Sở KH-CN đã phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn và các cơ quan có liên quan, định kỳ 2 năm 1 lần (bắt đầu từ năm 2004) đã tổ chức hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh và đến nay hội thi đã được tổ chức 7 lần thành công. Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII (2016-2017) đã thu hút được 69 giải pháp tham gia, có 23 giải pháp đạt giải, trong đó có 5 giải nhì, 8 giải 3 và 10 giải khuyến khích.
 
Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về SHTT của tỉnh trong thời gian qua đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ: xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật về SHTT; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về SHTT; hướng dẫn xác lập và bảo vệ quyền SHTT của các tổ chức và cá nhân; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương; hỗ trợ phát triển hoạt động sáng kiến trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về SHTT... Các hoạt động đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về SHTT, khuyến khích hoạt động xác lập và bảo vệ quyền SHTT cho các tổ chức và cá nhân trong toàn tỉnh, đồng thời khuyến khích hoạt động phát huy sáng kiến trên địa bàn.
 
Ngoài những kết quả đạt được, theo ông Phan Thanh Nghiệm, Phó Giám đốc Sở KH-CN, hoạt động quản lý nhà nước về SHTT vẫn còn gặp nhiều khó khăn, như: thời gian đăng ký, xác lập quyền sở hữu trí tuệ còn kéo dài, thủ tục tương đối khó khăn, rườm rà, gây tâm lý e ngại cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký. Mặt khác, một số sản phẩm nông sản mang nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã được cấp giấy chứng nhận còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu, việc tiêu thụ sản phẩm tương đối khó vì đầu ra không ổn định.
 
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, rất cần sự phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về phòng ngừa, chống sản xuất, buôn bán hàng giả, nhãn hàng hóa và xâm phạm quyền SHTT. Cục Sở hữu trí tuệ cần mở các lớp đào tạo chuyên sâu về SHTT cho cán bộ quản lý SHTT ở địa phương, chú trọng đến nội dung quyền SHTT; tiếp tục hỗ trợ địa phương xác lập quyền bảo hộ đối với các tài sản trí tuệ, đặc biệt là trong lĩnh vực nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý...
 
Thanh Hoa
,