.
Truyền tải điện Quảng Bình:

Ứng dụng mô hình trung tâm vận hành và trạm biến áp không người trực

.
08:54, Thứ Năm, 22/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhằm triển khai thực hiện chương trình hiện đại hóa, tự động hóa lưới điện theo đề án “Phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cuối năm 2017, Trung tâm vận hành Đồng Hới với trạm biến áp (TBA) bán người trực/không người trực được thành lập. Đây là một trong hai trung tâm vận hành đầu tiên của Công ty Truyền tải điện 2, được đặt tại TBA 220kV Đồng Hới với nhiệm vụ quản lý vận hành chung cho cả 2 TBA 220kV Đồng Hới, Ba Đồn. Mô hình vận hành mới này có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách vận hành truyền thống.

Là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai vận hành lưới điện theo mô hình hoàn toàn mới, lại đưa vào sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến, nên bước đầu cán bộ, nhân viên Truyền tải điện Quảng Bình cũng có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn.

Tuy nhiên, xác định nhiệm vụ được giao, đơn vị đã nỗ lực làm chủ công nghệ, phấn đấu để tự đào tạo và đáp ứng đòi hỏi của công việc trong giai đoạn mới. Nhờ vậy, đến nay, Truyền tải điện Quảng Bình đã làm chủ được quy trình vận hành thiết bị tại trung tâm và vận hành thiết bị TBA bán người trực một cách thuận lợi, ổn định và an toàn.  

Cán bộ, nhân viên Truyền tải điện Quảng Bình tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất.
Cán bộ, nhân viên Truyền tải điện Quảng Bình tích cực ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến vào sản xuất.

Trước hết, sau hơn 1 tháng triển khai, trung tâm vận hành Đồng Hới và TBA bán người trực/không người trực đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, như: giảm thời gian thao tác vận hành, đóng cắt thiết bị; rút ngắn thời gian bảo trì bảo dưỡng và xử lý sự cố TBA..., góp phần giảm sự cố và nâng cao độ an toàn trong vận hành. Đặc biệt, việc vận hành theo mô hình mới cũng đã tiết giảm tối đa nhân lực vận hành và khối lượng công việc...., nên hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt.

Cụ thể, thời gian trước, mỗi TBA 220kV có người trực được biên chế 11 người, trong đó có 1 trưởng trạm và 10 điều hành viên làm việc theo chế độ 3 ca 4 kíp (mỗi ca 2 người). Sau khi thành lập trung tâm vận hành, giai đoạn đầu, các trạm biến áp sẽ được vận hành theo mô hình TBA bán người trực với quân số giảm xuống còn 6 người. Đến giai đoạn 2, thực hiện vận hành trạm biến áp không người trực, trạm sẽ chỉ còn lại đội ngũ bảo vệ, toàn bộ cán bộ nhân viên trực vận hành sẽ được điều động nhận công tác khác.

Lúc này, tất cả thao tác đóng cắt, điều khiển thiết bị trạm được tiến hành ngay tại trung tâm vận hành thông qua hệ thống thiết bị hiện đại. Bên cạnh đó, các hệ thống phụ trợ TBA không người trực, như: giám sát an ninh, hệ thống báo cháy, báo khói tự động..., cũng được truyền về trung tâm vận hành để theo dõi, quản lý.

Có thể nói, với việc triển khai và đưa vào vận hành an toàn, liên tục trung tâm điều khiển trên địa bàn tỉnh, Truyền tải điện Quảng Bình là đơn vị  đi đầu trong việc nắm bắt các quy trình công nghệ hiện đại, các mô hình tiên tiến nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu về vận hành lưới điện trong thời kỳ mới, qua đó, tiến tới hiện đại hoá, tự động hoá lưới điện theo lộ trình xây dựng lưới điện thông minh; đồng thời bảo đảm cung cấp điện an toàn, liên tục trên địa bàn tỉnh cũng như lưới điện quốc gia vận hành ổn định, an toàn.

Th.L






 

,