.

Phát hiện hàng nghìn cấu trúc cổ của nền văn minh Maya tại Guatemala

.
09:13, Thứ Hai, 05/02/2018 (GMT+7)

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, Quỹ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Maya (Pacunam) vừa công bố phát hiện hàng nghìn công trình cổ của nền văn minh Maya, trong đó có một kim tự tháp cao 10 tầng và một cung điện hoàng gia lớn, tại khu rừng Peten ở miền Bắc Guatemala.

Hình ảnh 3D mô tả về khu khảo cổ học của Maya ở Tikal ở Guatemala. (Nguồn: AP)
Hình ảnh 3D mô tả về khu khảo cổ học của Maya ở Tikal ở Guatemala. (Nguồn: AP)

Báo cáo khoa học của Pacunam đã cho phép thiết lập bản đồ tổng thể của nhiều thành phố cổ Maya được tìm thấy trong thời gian gần đây sau nhiều thế kỷ bị bỏ rơi.

Dự án nghiên cứu của Pacunam, với công nghệ LIDAR (hệ thống được dùng để vẽ bản đồ địa hình từ trên không bằng tia laser), đã phát hiện hơn 60.000 kiến trúc đơn lẻ, 4 trung tâm nghi lễ chính và một kim tự tháp cao 30m, mà trước đó được xác định là một ngọn đồi tự nhiên.

Tikal là thành phố cổ của người Maya được các nhà khoa học tập trung nghiên cứu nhiều nhất.

Các dữ liệu mới nhất được phác họa bởi công nghệ LIDAR cho thấy thành phố này lớn hơn nhiều so với dự đoán trước, trong đó trung tâm của thành phố với tên gọi El Palmar cũng lớn gấp 40 lần so với bản đồ hiện tại.

Nền văn minh Maya cổ đại là một trong những nền văn minh tiên tiến nhất ở Trung Mỹ.

Người Maya có nguồn gốc từ vùng Mesoamerica, tức Trung Mỹ ngày nay. Khu vực này nằm giữa Mexico và Nam Mỹ, là quê hương của nhiều nền văn hóa, trong đó có Aztec, Olmec, Teotihuacan và Toltec.

Người Maya sinh sống trên khu vực mà ngày nay là Guatemala, Belize, Honduras, El Salvador và miền Nam Mexico.

Văn minh Maya không chỉ nổi bật bởi hệ thống chữ viết cổ phát triển hoàn thiện, mà còn có nền nghệ thuật, kiến trúc và hệ thống thiên văn, toán học đáng kinh ngạc.

Dù các nhà khảo cổ học luôn cố gắng khám phá, nhưng đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại này.

Các khu định cư đầu tiên của người Maya được xây dựng khoảng năm 1000 trước Công nguyên, và hầu hết các thành phố lớn của người Maya sụp đổ vào khoảng năm 900 sau Công nguyên.

Nguyên nhân của sự sụp đổ tiếp tục là trọng tâm của cuộc tranh luận khoa học cho đến ngày nay./.

Theo TTXVN/Vietnam+

,