.

Ngủ không ngon giấc ảnh hưởng thế nào đến não?

.
16:13, Thứ Ba, 06/02/2018 (GMT+7)

Theo một nghiên cứu mới, giấc ngủ bị "phân mảnh" - thể hiện qua những lần thức giấc lặp đi lặp lại trong đêm, có thể là dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer.

 Ngủ không ngon giấc có thể là dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer, theo một nghiên cứu mới đây - Ảnh: Shutterstock/Marcos Mesa Sam Wordley
Ngủ không ngon giấc có thể là dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer, theo một nghiên cứu mới đây - Ảnh: Shutterstock/Marcos Mesa Sam Wordley

Một nghiên cứu vừa được công bố gần đây trên tạp chí JAMA Neurology thấy những người trưởng thành với tình trạng trí nhớ khỏe mạnh nhưng có nhịp sinh học ngày đêm (hay còn được gọi là "chu kỳ ngủ") bị đứt đoạn đã có sự tích tụ protein - được xem là một dấu hiệu sớm của bệnh Alzheimer.

Tổn thương gây ra mất trí nhớ do liên quan tới bệnh Alzheimer có thể bắt đầu 15-20 năm trước khi các triệu chứng của căn bệnh này trở nên rõ ràng. Những nghiên cứu khác cho thấy cũng có sự liên hệ giữa giấc ngủ kém chất lượng và Alzheimer hay bệnh mất trí nhớ.

Nghiên cứu mới này cung cấp nhiều bằng chứng hơn của mối liên hệ đó, và chỉ ra rằng sự đứt đoạn trong giấc ngủ có thể là một dấu hiệu cảnh báo rất sớm của căn bệnh thoái hóa thần kinh trong tương lai.

Nhiều bằng chứng thuyết phục

Đối với nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu đã theo dõi chu kỳ ngủ của 189 người trưởng thành khỏe mạnh về mặt nhận thức, với độ tuổi trung bình là 66. Họ cũng phân tích não của những người này để tìm kiếm những protein và các "mảng tinh bột" liên quan tới căn bệnh Alzheimer.

Hầu hết những người tham gia có chu kỳ ngủ tương đối bình thường, và 139 người không có dấu hiệu tích tụ protein amyloid nào. Một vài người trong số họ có vấn đề về giấc ngủ, nhưng phần lớn trong số đó là do tuổi tác, ngưng thở trong giấc ngủ và những nguyên nhân khác.

Nhưng tất cả 50 đối tượng trong cuộc nghiên cứu mà bộ não của họ có protein liên quan tới bệnh Alzheimer đều có đồng hồ cơ thể bị đứt đoạn.

"Không phải những người trong cuộc nghiên cứu bị mất ngủ, mà là giấc ngủ của họ có xu hướng bị đứt đoạn. Ngủ 8 tiếng vào ban đêm rất khác với ngủ 8 lần, mỗi lần 1 tiếng, trong ngày", tiến sĩ Erik Musiek, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.

Các nhà nghiên cứu cũng đã làm đứt đoạn nhịp sinh học ngày đêm của những con chuột trong một nghiên cứu khác và phát hiện ra rằng làm như thế sẽ dẫn tới một sự tích tụ "mảng tinh bột" trong bộ não của chúng.

Một nghiên cứu khác gần đây cho thấy rằng những người nói rằng mình ngủ không ngon cho thấy nhiều dấu hiệu bệnh Alzheimer hơn. Nghiên cứu này phát hiện ra rằng ngay cả khi làm đứt đoạn giấc ngủ của ai đó trong 1 đêm cũng có thể dẫn tới tăng lượng protein có liên quan tới căn bệnh Alzheimer.

Nói một cách rõ ràng hơn, điều đó không có nghĩa là một đêm ngủ không ngon giấc sẽ dẫn tới bệnh Alzheimer, nhưng nó gây phiền phức hơn cả cảm giác mệt mỏi mà chúng ta vẫn bị sau một đêm mất ngủ.

Vẫn chưa rõ nguyên nhân

Câu hỏi lớn là ngủ không ngon giấc có gây ra việc tích tụ protein liên quan tới bệnh Alzheimer không, hay những người có bộ não đang thay đổi có gặp nhiều vấn đề khi ngủ hơn không?

Có thể cả hai đều đúng.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng bất kỳ sự đứt đoạn giấc ngủ nào dường như cũng dẫn tới những thay đổi trong bộ não (cả ở chuột lẫn ở người).

Chúng ta biết rằng giấc ngủ có chức năng "dọn sạch", và trong một giấc ngủ sâu, não chúng ta sẽ quét sạch một số protein đều đặn tích tụ lại.

Tuy nhiên, chúng ta cũng biết khi những tích tụ này tồn tại, con người khó nhận được giấc ngủ sâu có chức năng "dọn sạch" đó hơn.

Nói cách khác, thường xuyên ngủ không ngon giấc có thể dẫn tới một vòng luẩn quẩn khiến cho bộ não khó nhận được sự nghỉ ngơi cần phải có hơn.

Phát hiện của nghiên cứu trên cho thấy tìm cách chữa trị sớm các vấn đề về giấc ngủ có thể giúp bảo vệ sức khỏe bộ não trong tương lai.

Theo Lê Thanh Hải (Tuổi trẻ)/Theo Business Insider
 

,