.

Những ấn tượng ngành thông tin truyền thông Việt Nam trong năm 2017

.
15:27, Thứ Ba, 02/01/2018 (GMT+7)

Năm 2017, tình hình kinh tế-xã hội ​Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực; trong đó, ngành thông tin truyền thông tiếp tục có bước phát triển mới với nhiều điểm nhấn tích cực, khẳng định vị trí, vai trò trên mọi mặt của đời sống xã hội, cùng đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Những điểm nhấn thành công của năm 2017 tạo đà quan trọng cho ngành tiếp tục vững bước đi lên trong năm 2018.

Nhiều điểm nhấn tích cực

Năm 2017, ngành thông tin truyền thông đã tạo được nhiều điểm nhấn quan trọng; trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ để phù hợp với yêu cầu quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông trong tình hình mới.

Bộ tiếp tục hoàn thiện và trình dự thảo Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.

Trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, Bộ đã ban hành 40 thông tư; đồng thời thực hiện sửa đổi, thay thế nhiều văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với thực tế.

Đặc biệt, Bộ đã cơ bản hoàn thành 21 đề án, gần 100% nhiệm vụ được giao đúng hạn, đảm bảo chất lượng.

Trong năm 2017, phải kể đến điểm nhấn của ngành thông tin và truyền thông là việc góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc triển khai nhiều biện pháp tăng cường quản lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, trong đó nổi bật là hai mạng xã hội lớn của hai doanh nghiệp nước ngoài Google và Facebook.

 Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Về thành tích này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết​, thực tế cho thấy, ngay sau khi báo chí trong nước công khai đăng các tin bài về những nỗ lực của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, một thời gian ngắn sau đó, báo chí quốc tế cũng đưa tin hàng loạt quốc gia khác trên thế giới cũng triển khai các biện pháp để tăng cường công tác quản lý mạng xã hội.

Phía Google và Facebook bước đầu hợp tác tích cực với Việt Nam. Cụ thể: Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ khoảng 4.500 video clip xấu độc trên mạng xã hội Youtube trong số 5.000 video clip mà Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu (chiếm tỷ lệ 90%), thuộc nhóm các nước được Google đáp ứng yêu cầu cao nhất trên toàn thế giới.

Facebook đã gỡ bỏ 107/107 tài khoản giả mạo; 394 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp; 159 tài khoản nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, phần lớn thuê bao di động hiện nay là thuê bao trả trước; trong đó, số thuê bao có thông tin không chính xác chiếm một tỷ lệ lớn.

Bên cạnh đó, tình trạng SIM kích hoạt sẵn, SIM rác vẫn còn tồn tại phổ biến. Năm 2017 cũng ghi nhận tiến bộ rõ rệt của toàn ngành, nhất là các nhà mạng viễn thông di động trong giải quyết vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác gây bức xúc cho người dân từ nhiều năm qua.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có mật độ thuê bao viễn thông cao trên thế giới, nhất là thuê bao di động.

Thống kê của ngành chức năng, hiện đã có trên 24 triệu SIM kích hoạt sẵn đã bị xử lý, hơn 300 triệu tin nhắn rác đã được các nhà mạng tiến hành ngăn chặn. Điều này thể hiện nỗ lực lớn của các đơn vị quản lý Nhà nước, các đơn vị viễn thông để giải quyết triệt để tình trạng sim rác, tin nhắc rác.

 Mẫu tin nhắn rác gửi đến thuê bao người sử dụng. (Ảnh: TTXVN phát)
Mẫu tin nhắn rác gửi đến thuê bao người sử dụng. (Ảnh: TTXVN phát)

Đặc biệt, ngành thông tin truyền thông cũng làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, cung cấp thông tin chính xác kịp thời đến nhân dân về các sự kiện lớn của đất nước, trong đó có Năm APEC Việt Nam 2017 và Tuần lễ cấp cao APEC 2017, thông tin tại các điểm nóng ở một số địa phương trong cả nước.

Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật hàng loạt cơ quan báo chí, phóng viên, biên tập viên ở cả trung ương và địa phương, các cơ quan đại diện, thường trú báo chí ở nhiều địa phương có vi phạm.

Tạo đà phát triển

Thành công của năm 2017 được coi là nền tảng quan trọng, tạo đà cho ngành thông tin truyền thông bước sang năm mới, năm 2018 với hy vọng gặt hái thêm được nhiều thành công mới.

Bên cạnh kết quả nổi bật trong năm, người đứng đầu ngành thông tin truyền thông cũng thừa nhận ngành đang đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Có thể kế đến như tình trạng cơ quan báo chí, văn phòng đại diện và phóng viên Trung ương, địa phương lạm quyền, lợi dụng vị trí, công việc để trục lợi và làm trái pháp luật, trái đạo đức nghề nghiệp nhà báo vẫn còn tồn tại.

Các hành vi vi phạm trên mạng xã hội ngày càng tinh vi, hình thức thay đổi liên tục, khó phát hiện; các thế lực thù địch lợi dụng sự phát triển của công nghệ thường xuyên phát tán thông tin xấu độc trên các dịch vụ nền tảng ở nước ngoài.

Một số trang thông tin điện tử có bài viết, clip mang tính chất tuyên truyền, cổ xúy, đưa thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam.

Mặt khác, Việt Nam vẫn là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới, một số trang thông tin của các cơ quan, đơn vị vẫn bị xâm nhập, chiếm quyền kiểm soát.

Tình trạng lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ đang ở mức báo động. Hiện tượng mất an toàn thông tin trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử cũng ngày càng gia tăng về số lượng.

Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu năm mới 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung xây dựng, hoàn thành đúng kế hoạch các văn bản được giao; đẩy nhanh tiến độ ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ.

Toàn ngành đẩy mạnh chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới, biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch.

Các đơn vị chức năng thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Báo chí; quản lý báo chí, phóng viên, văn phòng đại diện cơ quan báo chí tại địa phương.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng cần hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý thông tin trên mạng Internet, quản lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung nước ngoài vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích phát triển các dịch vụ nội dung do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp. Điều này làm giảm thiểu tác động tiêu cực của thông tin xấu độc trên internet và mạng xã hội...

Năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy việc ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế; tích cực triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước; đẩy nhanh tiến trình xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử.

Bên cạnh đó, Bộ cảnh báo, hỗ trợ các đơn vị đảm bảo an toàn thông tin mạng, phòng chống các nguy cơ mất an toàn thông tin; tăng cường đào tạo, diễn tập, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về an toàn thông tin nhằm chủ động ứng phó với các nguy cơ tấn công từ bên ngoài qua mạng Internet, giữ vững chủ quyền quốc gia về không gian mạng…/.

Theo Mỹ Bình (TTXVN/Vietnam+)

,