.

Đánh giá nguyên tố độc hại trong đồ chơi trẻ em

.
09:36, Thứ Hai, 15/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhằm khảo sát, điều tra tình hình sản xuất, kinh doanh đồ chơi trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh; phân tích và đánh giá thành phần các nguyên tố độc hại; đề xuất các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ em, vừa qua, Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Thử nghiệm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, phân tích và đánh giá mức thôi nhiễm các nguyên tố độc hại trong đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.

Đồ chơi là người bạn không thể thiếu đối với trẻ em, vừa là phương tiện giải trí, vừa có vai trò giáo dục quan trọng, giúp ích cho sự phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần. Trẻ được sử dụng đồ chơi phù hợp sẽ có tâm hồn lạc quan, kỹ năng khéo léo, hiểu hơn về thế giới xung quanh, đồng thời tăng cường về thể lực và khả năng sáng tạo. Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh những đồ chơi an toàn, thị trường đồ chơi trẻ em vẫn tồn tại nhiều mặt hàng không bảo đảm chất lượng, nhiễm độc tố tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Đề tài “Nghiên cứu, phân tích và đánh giá mức thôi nhiễm các nguyên tố độc hại trong đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” đã đánh giá tổng hợp về tình hình chất lượng các sản phẩm đồ chơi trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý, cảnh báo cho người tiêu dùng để lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, đồ chơi trẻ em rất đa dạng, phong phú về mẫu mã lẫn chủng loại nhưng nhiều mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Qua khảo sát, điều tra của nhóm nghiên cứu, đồ chơi trẻ em được bày bán tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm 38,24%, đồ chơi không rõ nguồn gốc chiếm 37,90%, đồ chơi trong nước chiếm 22,25%. Ngoài ra, việc không chấp hành các quy định pháp luật về nhãn hàng hóa và chứng nhận hợp quy còn cao. Qua đánh giá 319 mẫu hàng hóa đồ chơi trẻ em, nhóm nghiên cứu đã phát hiện có 283 mẫu vi phạm hàng hóa, chiếm 88,7%, 260 mẫu không có dấu hợp quy (CR), chiếm 81,5%.

Phần lớn các loại đồ chơi trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc và không rõ nguồn gốc chiếm 75%.
Phần lớn các loại đồ chơi trên thị trường có nguồn gốc từ Trung Quốc và không rõ nguồn gốc chiếm 75%.

Ngoài việc khảo sát, điều tra về nhãn hàng hóa, dấu hợp quy, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành phân tích các nguyên tố độc hại trong đồ chơi trẻ em. Nhóm nghiên cứu đã lấy 319 mẫu tại các chợ Lý Hòa, Ba Đồn, Nam Lý, Đồng Hới, siêu thị Co.opmart để tiến hành phân tích. Kết quả cho thấy, trong 319 mẫu đồ chơi trẻ em thì đã có 238 mẫu phát hiện các nguyên tố độc hại (chiếm 74,6%), trong đó có 14 mẫu vượt giới hạn quy định (chiếm 4,4%). Trong đó, mẫu đồ chơi trẻ em nhiễm kim loại nặng chiếm 90,5%, vượt giới hạn cho phép là 3,3%; Formaldehyt chiếm 35%, vượt giới hạn cho phép là 2%; nhiễm Phthahate chiếm 52,2%, vượt giới hạn cho phép là 7,2%...

Qua việc đối chiếu kết quả phân tích theo nguồn gốc xuất xứ, nhóm nghiên cứu đã cho thấy các đồ chơi có nguồn gốc từ Việt Nam chiếm tỷ lệ mẫu vượt quá giới hạn cho phép là cao nhất (chiếm 8,45%), tiếp đến là các mặt hàng không rõ nguồn gốc (chiếm 5,79%), còn xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 0,82%, các nước khác, như: Hàn Quốc, Thái Lan, chưa thấy mẫu vượt quá giới hạn cho phép.

Khi được hỏi về nguyên nhân đồ chơi xuất xứ từ Việt Nam có tỷ lệ nhiễm chất độc hại vượt mức cho phép cao nhất, ông Giang Tấn Thông, chủ nhiệm đề tài cho biết: các đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam chủ yếu bị nhiễm hàm lượng kim loại nặng, nguyên nhân là do các mặt hàng này sử dụng sơn kém chất lượng. Mặt khác, ngoài thị trường hiện nay, nhiều loại đồ chơi sản xuất từ Trung Quốc nhưng đưa vào thị trường Việt Nam lại được dán nhãn xuất xứ Việt Nam để qua mắt người tiêu dùng. Các nguyên liệu, phụ kiện sản xuất đồ chơi của Việt Nam được nhập từ Trung Quốc nên hàm lượng chất độc hại vượt mức cho phép cao.

Đối chiếu kết quả theo khu vực kinh doanh, tỷ lệ phát hiện nguyên tố độc hại trong đồ chơi trẻ em các khu vực đều cao, trong đó thị xã Ba Đồn có tỷ lệ cao nhất là 87,1%, mẫu vượt mức cho phép là 6,5%, siêu thị Co.opmart có tỷ lệ thấp nhất 57,1% nhưng mẫu vượt mức giới hạn cho phép chiếm 7,1%. Qua đó cho thấy, khả năng tiềm ẩn mặt hàng đồ chơi trẻ em mất an toàn trên thị trường đều có như nhau, ngay cả mặt hàng được chứng nhận hợp quy cũng có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn. Điều này có thể thấy công tác quản lý chất lượng sản phẩm từ các khâu nhập khẩu, sản xuất chưa được chặt chẽ.

Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số sản phẩm chất độc hại vượt mức cho phép, khuyến cáo người dùng cẩn thận khi lựa chọn đồ chơi cho bé, như: mặt nạ, con vịt, phách nhạc, bộ thú ngà to, trống gỗ... Đây là các sản phẩm được bày bán ở chợ Lý Hòa, chợ Ba Đồn nhưng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Cờ Đoominô, đàn Cylo phone, hề bập banh, đồng hồ vui học, bảng chữ cái gỗ... được bán ở siêu thị Co.opmart có xuất xứ ở Việt Nam cũng nằm trong danh sách khuyến cáo không nên dùng.

Để hạn chế tối đa việc kinh doanh các sản phẩm độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số giải pháp, như: cần quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh đồ chơi trẻ em về nguồn gốc xuất xứ, nhãn hàng hóa, dấu hợp quy, chất lượng của đồ chơi; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành nhằm thông tin tuyên truyền về các loại đồ chơi độc hại để người dân biết cách phòng tránh; tăng cường kiểm tra các mặt hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa giả mạo tính hợp quy; xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Thanh Hoa

,