.

Apple bị điều tra về hành vi giảm hiệu năng các iPhone đời cũ

.
16:52, Thứ Ba, 09/01/2018 (GMT+7)

Ngày 8-1, các công tố viên Pháp thông báo mở cuộc điều tra liên quan đến nghi vấn tập đoàn công nghệ Apple hàng đầu của Mỹ có hành vi cố tình thiết kế hoặc tích hợp thêm những yếu tố nhằm làm giảm độ bền hoặc thời gian sử dụng của các sản phẩm của hãng này.

Các mẫu iPhone của Apple. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Các mẫu iPhone của Apple. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hành vi này còn gọi là "sự lỗi thời có tính toán."

Theo một nguồn tin pháp lý, cuộc điều tra trên được tiến hành vào ngày 5-1 vừa qua sau khi Hiệp hội Ngăn chặn sự lỗi thời có tính toán (HOP) của Pháp đệ đơn kiện Apple cố tình điều chỉnh hệ điều hành để các dòng iPhone đời cũ chạy chậm lại, ngăn ngừa các trục trặc bất thường do pin bị "chai" hoặc do nhiệt độ lạnh gây ra.

Cuộc điều tra này sẽ do các chuyên gia về bảo vệ người tiêu dùng và chống độc quyền thuộc Bộ Kinh tế Pháp thực hiện nhằm là rõ "sự lỗi thời có tính toán" hoặc hành vi lừa dối khách hàng của Apple.

Luật sự của HOP Emile Menunier cho biết đây là động thái pháp lý đầu tiên đối với một công ty bị nghi có hành vi liên quan đến "sự lỗi thời có tính toán."

Hiện chi nhánh Apple tại Pháp chưa đưa ra bình luận về thông tin này. Thông tin này sẽ càng gây bất lợi cho "gã khổng lồ" công nghệ trong bối cảnh hãng đang đối mặt loạt vụ kiện tại nhiều bang của Mỹ liên quan đến vụ bê bối trên.

Apple lý giải nếu không có sự điều chỉnh về hệ điều hành, những chiếc iPhone đời cũ sẽ dễ bị sập nguồn đột ngột, dẫn tới nguy cơ cháy nổ ở các bộ phận trong máy. Tuy nhiên, ngay sau khi thừa nhận hành vi trên, Apple đã công khai xin lỗi người sử dụng, đồng thời ra chính sách giảm giá các loại pin thay thế cho iPhone 6 và các đời tiếp theo.

"Sự lỗi thời có tính toán" là thuật ngữ nhằm mô tả hành vi của các nhà sản xuất cố tình xây dựng sản phẩm của họ dựa trên yếu tố hoặc thành phần đã lỗi thời, nhằm làm giảm hiệu suất và độ bền của sản phẩm, buộc người tiêu dùng phải thay thế bằng sản phẩm mới hơn. Đây là hành vi khá phổ biến trong ngành công nghiệp điện tử với hàng "núi" rác được tái chế được thải ra mỗi năm.

Để ngăn chặn tình trạng này, hồi năm 2015, Pháp đã thông qua dự luật có tên "Luật Hamon," theo đó quy định công ty bị phát hiện cố tình làm giảm tuổi thọ của sản phẩm sẽ bị phạt với mức phạt tương đương 5% doanh thu cả năm trong khi giám đốc điều hành của công ty đó có thể phải ngồi tù hai năm./.

Theo TTXVN/Vietnam+

,