.

Kỳ vọng từ máy đóng bịch phôi nấm bằng trục xoắn

Thứ Sáu, 08/12/2017, 10:42 [GMT+7]

(QBĐT) - Với đề tài về ứng dụng “Máy đóng bịch phôi nấm bằng trục xoắn”, các tác giả Đinh Tuấn Hùng và Võ Trọng Thọ ở Chi hội nông dân tổ dân phố (TDP) 6, phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới đã giành được giải nhì trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Quảng Bình lần thứ 3” (2016 – 2017).

Kế thừa kinh nghiệm về nghề sản xuất nấm ăn truyền thống của gia đình, sau khi tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, được sự hỗ trợ nguồn vốn từ gia đình, năm 2013, anh Đinh Tuấn Hùng, sinh năm 1985 ở TDP 6, phường Đồng Sơn đã đầu tư mở cơ sở sản xuất nấm sò kết hợp kinh doanh, sửa chữa máy móc, vật tư sản xuất nông nghiệp. Sau hơn 2 năm thực hiện mô hình, sản phẩm nấm sò của cơ sở làm ra đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến với các đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Với số lượng 8 nhân công, cơ sở sản xuất nấm của anh dù đã tăng ca, làm ngày, làm đêm vẫn không thể đáp ứng kịp thời các đơn hàng của khách. Còn nếu thuê thêm nhân công thì lại không đủ chi phí để trả lương. Mặt khác, nghề làm nấm theo thời vụ, hàng năm tại địa bàn tỉnh chỉ làm được từ tháng 9 năm này sang hết tháng 4 của năm sau. Bởi vậy, mỗi khi thời vụ, việc đi tìm nhân công làm việc rất khó khăn. Nếu có tìm được lao động thì chỉ là những lao động tạm thời, tay nghề không cao, do đó, chi phí sản xuất dội lên rất nhiều, dẫn đến lợi nhuận thấp.

Trước thực tế đó, với những kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình sản xuất nấm, anh nhận thấy, trong các công đoạn làm nấm, khâu đóng bịch là tốn thời gian và nhân lực nhất, việc nghiên cứu chế tạo máy hỗ trợ việc đóng bịch nấm sẽ giải quyết được tất cả các lo lắng về nhân công, chi phí và quan trọng hơn hết là đưa lại lợi nhuận cao.

Máy đóng bịch phôi nấm bằng trục xoắn góp phần giảm nhân công, chi phí trong sản xuất nấm.
Máy đóng bịch phôi nấm bằng trục xoắn góp phần giảm nhân công, chi phí trong sản xuất nấm.

Với lợi thế là người kinh doanh, sửa chữa máy móc phục vụ nông nghiệp, dựa trên nguyên lý hoạt động của một số máy móc, anh đã kết hợp với anh Võ Trọng Thọ ở cùng Chi hội nông  dân TDP 6 tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo ra máy đóng bịch phôi nấm bằng trục xoắn. Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, vào tháng 8-2016, công trình nghiên cứu máy đóng bịch phôi nấm bằng trục xoắn đã được đưa vào sản xuất tại cơ sở.

Với đặc điểm gọn nhẹ, máy đóng bịch nấm bằng trục xoắn hoạt động theo quy trình trộn nguyên liệu rớt vào trục xoắn ruột gà, ruột gà đùn nguyên liệu vào khuôn cho đến khi khuôn được nén đủ nguyên liệu và đóng thành bịch nấm. Anh Đinh Tuấn Hùng chia sẻ: “Sau khi tìm tòi và suy nghĩ tìm giải pháp tốt nhất để chế tạo máy và thử nghiệm nhiều lần, cuối cùng máy chạy theo nguyên lý đùn nguyên liệu vào khuôn theo phương nằm ngang là tốt nhất. Bởi, máy hoạt động theo phương nằm ngang sẽ không để lọt không khí vào khuôn bịch. Nhờ đó, bịch không bị bỏ khuôn. Máy đùn nguyên liệu từ đáy khuôn cho tới khi đầy. Trong quá trình hoàn thiện, thiết bị cơ khí không đủ nên khi làm chi tiết sản phẩm chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, khi chúng tôi lên chi tiết, bên gia công cơ khí không hiểu nên làm đi làm lại nhiều lần. Vì thiết bị gia công thô sơ, nên sản phẩm làm lần đầu vẫn chưa được hoàn hảo như ý muốn....Thế rồi, qua nhiều lần kiên trì như vậy, cuối cùng chúng tôi đã thành công, máy đã vận hành tốt và ổn định".

Thông thường, mỗi nhân công trong 8 tiếng làm việc chỉ đóng được 200- 300 phôi; để đủ 1 mẻ khử trùng 3.000 bịch, phải tốn 10 công nhân. Nay, sử dụng máy đóng bịch phôi giống, cơ sở sản xuất nấm của anh chỉ cần 3 nhân công là đủ, vì một giờ máy đóng được 400 bịch. Khi đưa máy đóng bịch phôi nấm bằng trục xoắn vào thực nghiệm, sản xuất tại cơ sở cho thấy máy hoạt động đạt yêu cầu 90% đề ra.

Anh Đinh Tuấn Hùng chia sẻ thêm: “Đạt được giải nhì trong cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông tỉnh Quảng Bình lần thứ 3” (2016 – 2017) là niềm vinh dự lớn lao của chúng tôi. Đây sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, từng bước cải tiến, khắc phục những hạn chế của sản phẩm máy đóng bịch nấm, từng bước nhân rộng sản phẩm đến các hộ nông dân trồng nấm vừa và nhỏ trên địa bàn. Chúng tôi tin rằng, nếu được áp dụng rộng rãi, máy sẽ có tác động lớn đến quá trình sản xuất, nuôi trồng nấm của địa phương”.

Cái Huệ