.

Đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn

Thứ Hai, 06/11/2017, 14:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ (Sở Khoa học-Công nghệ) đã không ngừng nỗ lực hợp tác với các tổ chức khoa học nhằm đề xuất, lựa chọn những kỹ thuật tiến bộ, công nghệ mới để chuyển giao, áp dụng vào thực tiễn, nhân rộng các tiến bộ khoa học- công nghệ vào đời sống...

Tỉnh ta có nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, trong đó có nghề nuôi tôm trong hồ nuôi trên cát.Tuy nhiên, việc nuôi tôm của bà con vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, như: không kiểm soát được chất lượng con giống dẫn đến tôm hay bị còi, chậm lớn và đặc biệt là bị nhiễm mầm bệnh lây truyền từ tôm giống bố mẹ. Quy trình nuôi chưa được kiểm soát, việc quản lý nước thải hồ nuôi chưa được chặt chẽ, hầu hết các hộ nuôi tôm không xây hồ xử lý nước thải nên tình trạng ô nhiễm môi trường và lây nhiễm dịch bệnh khá phổ biến.

Trước thực tế đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ (ƯDTBKH-CN) đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ nano trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình”. Ứng dụng nano đã hạn chế sử dụng các hóa chất, thuốc kháng sinh nên chất lượng tôm được nâng cao, môi trường giảm bớt ô nhiễm và hạn chế được dịch bệnh lây lan, không bị chết do rét... Đặc biệt, năng suất tôm trung bình đạt mức cao 12,7 tấn/ha (năng suất trung bình của nuôi tôm trên cát cả tỉnh là 10,81 tấn/ha). Sản phẩm tôm không để lại dư lượng các chất độc hại và kháng sinh, nên sẽ tạo cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với những kết quả khả quan đạt được, người dân có thể ứng dụng công nghệ nano trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng nhằm nâng cao năng suất, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng khả năng chống chịu dịch bệnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Một kết quả nghiên cứu khác, dự án “Ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm tại tỉnh Quảng Bình”, là thành công đáng ghi nhận nữa của trung tâm trong thời gian qua. Mục tiêu dự án là ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm sinh học xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm nhằm rút ngắn thời gian xử lý nguyên liệu và tăng hệ số quay vòng trong sản xuất nấm, với đối tượng cụ thể là chế phẩm vi sinh xử lý nguyên liệu trồng nấm docmix.

 Đóng gói giống nấm tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ.
Đóng gói giống nấm tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ.

Hiện dự án đã thực hiện sử dụng chế phẩm sinh học docmix cho các mô hình trình diễn, như: mô hình sản xuất nấm rơm trên cơ chất rơm tại xã Lộc Thủy (Lệ Thủy), mô hình sản xuất nấm sò trên cơ chất rơm tại xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) và 1 mô hình nấm sò, 1 mô hình nấm linh chi trên cơ chất mùn cưa tại Hợp tác xã sản xuất nấm sạch Tuấn Linh (Sơn Lộc, Bố Trạch). Riêng tại trung tâm, 1 mô hình nấm sò, 1 mô hình nấm linh chi trên cơ chất mùn cưa đã được thực hiện. Thông qua dự án, trung tâm cũng đã tập huấn phương pháp trồng nấm và cung cấp miễn phí chế phẩm sinh học docmix nuôi trồng nấm cho 60 hộ dân của 2 xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) và Hiền Ninh (Quảng Ninh). Hiện dự án đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nghiệm thu và đánh giá cao trong việc nâng cao chất lượng nấm thành phẩm, tăng thu nhập cho người dân trồng nấm tỉnh nhà.

Xác định nghề trồng nấm là nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo của người dân tỉnh ta. Trung tâm đang tiếp tục thực hiện dự án “Ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống dạng dịch thể sản xuất nấm linh chi, nấm sò tại Quảng Bình”. Dự án thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 của Bộ KH-CN với tổng kinh phí 7 tỷ đồng, thực hiện từ tháng 10-2016 đến tháng 9-2018. Dự án nhằm góp phần khắc phục những hạn chế của công nghệ nhân giống nấm kiểu cũ, giảm giá thành mua giống và giữ chất lượng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nấm, thúc đẩy nghề sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu tại tỉnh ta phát triển có hiệu quả theo quy mô công nghiệp.

Theo ông Trần Ngọc Dũng, Phó giám đốc Trung tâm ƯDTBKH-CN, công nghệ sản xuất giống nấm dịch thể mang nhiều tính ưu việt, đó là: công nghệ sản xuất nấm hiện đại, áp dụng được cho sản xuất quy mô công nghiệp với công nghệ cao; nhân giống bằng máy móc, thiết bị theo các cấp cấy truyền của giống; nhân nhanh với số lượng nhiều trong thời gian ngắn (3-5 ngày 1 cấp giống); giảm bớt nhân công lao động thủ công, tiết kiệm diện tích và kinh phí trong sản xuất giống nấm. Dự án sẽ tiến hành tại 2 xã Duy Ninh (Quảng Ninh) và Văn Thủy (Lệ Thủy). Hiện, dự án đã đấu thầu mua sắm xong các trang thiết bị, máy móc, đang trong quá trình tìm nguyên liệu và tập huấn cho người dân để thực hiện.

Trong thời gian tới, trung tâm tiếp tục đưa các hoạt động ứng dụng tiến bộ KH-CN vào thực tiễn, trong đó, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, để tránh tình trạng kết quả nghiên cứu “bỏ ngăn kéo” sau khi dự án kết thúc, việc chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, tuyên truyền phổ biến kết quả cho người dân đóng vai trò quan trọng.  

Thanh Hoa