.

Kỳ vọng cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi

Chủ Nhật, 08/10/2017, 10:38 [GMT+7]
(QBĐT) - Nhằm giúp người dân xã Hóa Hợp (huyện Minh Hóa) tìm ra được giống cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương, cho hiệu quả kinh tế cao, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Minh Hóa đã đề xuất thực hiện mô hình “Trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi”. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, cây thanh long ruột đỏ phát triển tốt, hứa hẹn sẽ là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Xã Hóa Hợp có phần lớn diện tích đất đồi sử dụng để sản xuất nông nghiệp. Đất đồi ở đây khá tơi, xốp phù hợp với đặc tính sinh trưởng và phát triển của nhiều loại cây trồng. Từ nhiều năm nay, bà con đã trồng một số loại cây nông nghiệp và cây ăn quả, như: ổi, cam, bưởi..., tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ các loại cây trồng chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do việc lựa chọn một số giống cây trồng của các hộ dân chưa thực sự phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của vùng dẫn đến năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Chính vì vậy, việc tìm ra giống cây trồng phù hợp với điều kiện vùng, vốn đầu tư thấp, nhưng hiệu quả kinh tế cao là việc làm rất cần thiết và quan trọng.
 
Thanh long ruột đỏ có tên khoa học là Hylocereus, là trái cây thơm ngon có tác dụng ngừa lão hóa, chống oxy hóa, cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát và phòng chống bệnh tiểu đường, đẹp da, trị mụn trứng cá..., được ưa chuộng trên thị trường trong nước và đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Là giống cây dài ngày (15-18 năm) đầu tư một lần, nhưng thanh long cho thu hoạch nhiều năm, nhanh thu hồi vốn, đầu ra sản phẩm ổn định. Loại cây này có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm và được trồng nhiều tại một số tỉnh, như: Bình Thuận, Tây Ninh, Nghệ An... Tại tỉnh ta, cây trồng này vẫn còn khá mới mẻ. 
Thanh long ruột đỏ có khả năng thích nghi, phát triển tốt ở xã Hóa Hợp (Minh Hóa).
Thanh long ruột đỏ có khả năng thích nghi, phát triển tốt ở xã Hóa Hợp (Minh Hóa).
Nhận thấy cây thanh long có nhiều giá trị kinh tế lại dễ trồng và có khả năng phù hợp với điều kiện vùng, Phòng Hạ tầng-Kinh tế huyện Minh Hóa đã thực hiện mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi tạị xã Hóa Hợp. Mô hình nhằm đánh giá các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng, tình hình chống sâu bệnh của loài cây ăn trái này. Nếu cây phát triển tốt, sẽ nhân rộng ra toàn địa bàn huyện Minh Hóa, cung ứng trái thanh long sạch cho thị trường.
 
Sau khi đánh giá và quy hoạch vùng đất thích hợp, mô hình được thực hiện tại 4 hộ dân ở xã Hóa Hợp, số lượng 500 trụ/0,5 ha. Qua quá trình chăm sóc, cây thanh long ruột đỏ nếu phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 97,75%. Được biết, cây thanh long ruột đỏ nếu được chăm sóc tốt khi gặp điều kiện thời tiết thuận lợi, sau 2 năm sẽ cho ra hoa, cho quả bói. Trong 4 hộ thực hiện mô hình, 2 hộ đã có cây ra hoa, trong đó, hộ ông Đinh Chí Công cây thanh long đã ra hoa đạt tỷ lệ 100%. 
 
Ông Đinh Trọng Yên, chủ nhiệm mô hình cho biết: “Việc tỷ lệ ra hoa không đồng đều là do công tác chăm sóc của các hộ dân khác nhau. Riêng hộ ông Đinh Chí Công tưới nước đầy đủ, kết hợp với các phế phụ phẩm nông nghiệp, như: rơm rạ, thân cây lạc ủ gốc cho cây trong mùa khô, nên cây sinh trưởng, phát triển nhanh, ra hoa đồng đều, đạt tỷ lệ 100%”.
 
Sau 22 tháng trồng, số lượng cây ra hoa bói đạt 26%, tức là 130/500 trụ, năng suất dự kiến 455kg. Sản lượng dự báo sau 3 năm của cây thanh long ruột đỏ ước đạt 7,5 tấn/0,5 ha. Theo tính toán, 3 năm sau khi trồng, người dân có thể thu hồi vốn và có lãi gần 50 triệu đồng/ha.
 
Qua quá trình theo dõi về chỉ số khả năng sinh trưởng và phát triển của cây thanh long ruột đỏ, ông Đinh Trọng Yên cũng nêu lên một số chú ý, đó là cây thanh long ruột đỏ khi trồng vùng khí hậu tỉnh ta có thể bị nhiễm một số bệnh, như: thối cành, thán thư, đốm nâu trên thân, cành... và một số côn trùng gây hại, như: kiến, ruồi đục quả, sên..., nên cần thường xuyên theo dõi và phòng trừ. Cây thanh long ruột đỏ có thể trồng bởi trụ xi măng cốt sắt và trụ gạch không nung. Tuy nhiên, chi phí trụ gạch không nung cao hơn trụ xi măng cốt sắt, mặt khác còn khó bố trí giá đỡ cho cây phát triển. Vì vậy, nên sử dụng trụ xi măng cốt sắt để trồng sẽ cho hiệu quả cao hơn.
 
Qua mô hình, bước đầu cho thấy thanh long ruột đỏ có khả năng thích nghi, phát triển khi trồng ở điều kiện thổ nhưỡng của xã Hóa Hợp. Đây là tín hiệu tốt để tiến tới việc nhân rộng mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ra các hộ xung quanh. Đồng thời, đây là hướng đi mới cho bà con nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập và đa dạng hóa các các loại cây trồng tại địa phương. 
 
T. Hoa