.

Ba kích tươi xanh dưới tán rừng cao su

Thứ Năm, 07/09/2017, 10:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm đáp ứng nhu cầu dược liệu cung cấp cho công nghiệp dược và y học cổ truyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã triển khai thực hiện mô hình "Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây cao su". Đến nay, mô hình hứa hẹn mang lại hiệu quả cao, có thể nhân rộng, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân trong tỉnh.

Tỉnh ta được đánh giá là vùng đất có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên dược liệu tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do sự khai thác tràn lan, tận diệt của con người, trong đó có cây ba kích. Với thế mạnh là diện tích trồng cây cao su khá lớn, người dân chỉ trồng xen một số loài cây truyền thống (sắn, dưa hấu, ớt... trong khoảng 5 năm đầu), tuy nhiên, hiệu quả mang lại không cao, thị trường tiêu thụ không ổn định, được mùa thì mất giá, đầu ra bấp bênh. Việc nghiên cứu, trồng thử nghiệm cây ba kích thay thế cho các loại cây trồng truyền thống là rất cần thiết, hơn nữa ba kích rất ít bị sâu bệnh phá hại, giá bán trên thị trường cao nên đây là loại cây trồng có thể đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Theo y học cổ truyền, ba kích là vị thuốc có tác dụng bổ trí não, trợ dương, ích tinh, mạnh gân cốt, tốt cho người già mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ... Là loại cây trồng có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, hiện nay, cây ba kích đã được nhân giống và trồng ở nhiều địa phương trên cả nước, như: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Quảng Nam... Trên thị trường giá ba kích khá cao, dao động từ 150 - 200 nghìn đồng/kg. Tại tỉnh ta, loại cây trồng này chưa được người dân quan tâm lắm.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, tháng 4-2015, Sở NN-PTNT đã triển khai mô hình "Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây cao su". Mô hình đang được triển khai trên diện tích 1ha dưới tán cao su tại xã Hoà Trạch (Bố Trạch). Trong đó, 0,5 ha trồng dưới tán cây cao su bị đổ gãy do bão số 10 gây ra năm 2013 và 0,5 ha trồng dưới tán cây cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản. Trên cơ sở đó, mô hình đánh giá tác động của từng biện pháp kỹ thuật, khả năng thích ứng của cây ba kích với điều kiện khí hậu, đất, phân bón, phương thức canh tác... tại tỉnh Quảng Bình. Mục tiêu của mô hình là nhằm từng bước chủ động đáp ứng đủ nhu cầu dược liệu cung cấp cho công nghiệp dược và y học cổ truyền trong tỉnh và trong nước, xây dựng kế hoạch phát triển thuốc từ nguồn dược liệu ở địa phương góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân tại các vùng khó khăn...

Cây ba kích phát triển xanh tốt dưới tán rừng cao su.
Cây ba kích phát triển xanh tốt dưới tán rừng cao su.

Ông Võ Văn Hùng, chủ nhiệm đề tài cho biết: “Lúc mới trồng, cây ba kích tỏ ra khá hợp với việc trồng dưới tán cây cao su đổ gãy cũng như dưới tán cây cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản. Cây giống nhanh chóng bén rễ, bám vào thân gỗ, leo lên quang hợp để nuôi củ. Cây lớn nhanh, xanh tốt và đặc biệt là số cây sống đạt tỷ lệ tuyệt đối 100%. Hiện, cây ba kích đã được hơn 2 năm tuổi, mới đây, qua kiểm tra thử, củ ba kích đã có chiều dài khoảng 40-50cm, đường kính khoảng 0,5-0,7 cm. Sau khi cây trưởng thành (từ 3 năm trở lên), mỗi cây có thể cho sản lượng trung bình 1,5 kg củ. Nếu tính trên toàn bộ 6.000 cây của diện tích 1ha, sản lượng đạt khoảng 9 tấn củ tươi. Tuy nhiên, ba kích để càng lâu năm thì sản lượng, chất lượng dược liệu càng tốt, được thị trường ưa chuộng và giá bán cao hơn so với ba kích trồng thâm canh.

Theo ông Võ Văn Hùng, kỹ thuật trồng cây ba kích cũng không khó, nhưng sau khi trồng phải tiến hành chăm sóc thường xuyên, như: tưới nước, làm cỏ, cố định cho cây bám vào cọc, giàn. Chú ý trong hai năm đầu, cần kiểm tra thường xuyên để diệt trừ kịp thời sâu cắn ngọn và lá non. Từ năm thứ 3, cây đã tạo thành bụi khá lớn, sâu phá hoại không đáng kể, sâu hại thường gặp là rệp làm thui ngọn và lá non, phòng trừ bằng cách rắc tro bếp vào buổi chiều. Cây bị bệnh nấm mắt cua làm đốm lá thì phun trừ bằng dung dịch boocđô. Phòng trừ sâu bệnh bằng cách vệ sinh vườn sạch sẽ, thoát nước kịp thời và triệt để sau mưa...

Được biết, để lấy ngắn nuôi dài, mô hình có thể xen canh các loại dược liệu, như: cà gai leo, kim tiền thảo, chè vằng, đinh lăng..., nhằm tăng thu nhập mà không ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của hai loại cây chủ lực là ba kích và cao su. Tuy nhiên, phải bón phân, làm cỏ và tưới nước thường xuyên.

Mô hình này không chỉ góp phần vào việc bảo vệ nguồn dược liệu quý mà còn giúp nông dân thay đổi tập quán, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập. Sau khi trồng thử nghiệm thành công, tổng kết đánh giá một cách khoa học sự phù hợp về chất lượng, sản lượng sản phẩm của cây ba kích, cơ quan chủ quản sẽ khuyến khích bà con mở rộng mô hình trên phạm vi toàn tỉnh.               

Thanh Hoa