.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cấp nước sinh hoạt

Thứ Năm, 10/08/2017, 20:17 [GMT+7]

(QBĐT) - Vừa qua, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đã tổ chức nghiệm thu đề tài “Xây dựng bản đồ quản lý hệ thống thông tin hạ tầng cấp nước trên địa bàn TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình” do Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện, nhằm nâng cao công tác quản lý hiệu quả tài nguyên nước trên địa bàn toàn tỉnh.

Thời gian qua, mạng lưới hạ tầng cấp nước sinh hoạt của TP.Đồng Hới cũng như toàn tỉnh không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở rộng; quá trình vận hành, quản lý hệ thống ống và hệ thống cấp nước được cải tạo và phát triển. Tại TP. Đồng Hới, độ bao phủ của hệ thống nước sạch sinh hoạt gần 80%. Tuy nhiên, công tác quản lý hệ thống thông tin hạ tầng cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP. Đồng Hới vẫn còn duy trì theo cách truyền thống, đó là quản lý văn bản, thông tin, dữ liệu, bản đồ chủ yếu ở trên giấy là chính, vì vậy rất khó khăn trong công tác quản lý, lưu trữ và tích hợp với các nguồn dữ liệu chung của tỉnh.

Để khắc phục những khó khăn của ngành cấp nước tại TP. Đồng Hới hiện nay, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ hàng loạt các biện pháp cơ bản, như: mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng các dịch vụ cấp nước đô thị; giảm tỷ lệ thất thoát và thất thu nước; cải tạo nâng cấp các công trình cấp nước hiện có, bảo đảm vận hành đúng công suất thiết kế... Đặc biệt, cần phải có một hệ thống thông tin về hạ tầng cấp nước sinh hoạt để quản lý cũng như có cái nhìn trực quan về hệ thống đó trên không gian dữ liệu bản đồ. Hệ thống sẽ hỗ trợ người quản lý, vận hành, thi công có thể dễ dàng hình dung, bao quát được tình trạng cấp nước sinh hoạt tại TP.Đồng Hới, tiến tới tự động hóa việc điều tiết cung cấp nước giữa các khu vực một cách tối ưu và hiệu quả nhất.

Việc nghiên cứu đề tài diễn ra phù hợp với yêu cầu thực tiễn với những bất cập trong công tác quản lý cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Đồng Hới. Kết quả nghiên cứu của đề tài được ứng dụng vào công tác quản lý cơ sở dữ liệu nước sạch, từ đó góp phần tích cực vào công cụ hỗ trợ cho công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vật tư và nguồn nước sạch theo nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Nhóm nghiên cứu xác định tọa độ trạm bơm nước tại thực địa bằng máy GPS.
Nhóm nghiên cứu xác định tọa độ trạm bơm nước tại thực địa bằng máy GPS.

Để thực hiện đề tài, ngoài các phương pháp điều tra số liệu thứ cấp, phân tích, thống kê các số liệu, thu thập các bản đồ nghiên cứu, tham khảo các ý kiến của các chuyên gia..., nhóm nghiên cứu đã thực hiện điều tra, khảo sát thực địa để nắm được tổng thể tình hình quản lý thông tin hệ thống cấp nước sinh hoạt. Đồng thời, nhóm tiến hành kiểm tra, đối chiếu, chỉnh lý hệ tọa độ thông tin của các thành phần quan trọng của hệ thống cấp nước trên thực tế, chuẩn hóa dữ liệu để tạo ra bản đồ có độ chính xác cao. Theo ước tính, có hơn 1.400 điểm vị trí tọa độ các điểm van, trạm bơm, bể chứa, đồng hồ tổng, tuyến ống... được đo ngắm điểm GPS và đo toàn đạc.

Theo ông Từ Hữu Đức, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Tài nguyên và Môi trường, Chủ nhiệm đề tài cho biết, trong quá trình thực hiện, bản đồ quản lý hệ thống thông tin hạ tầng cấp nước sinh hoạt được xây dựng và vận hành bằng phần mềm riêng biệt, bảo đảm giao diện dễ hiểu cho người sử dụng. Các thông tin hiển thị tọa độ, tỷ lệ bản đồ được chi tiết hóa kỹ lưỡng, bảo đảm các yêu cầu về độ chính xác cao, cũng như phục vụ công việc của người sử dụng. Mặt khác, để bảo đảm công tác bảo mật, nhóm đề tài cũng đã xây dựng hệ thống phân quyền đăng nhập cho người dùng. Việc phân quyền sẽ giúp nhà quản lý an tâm hơn trong việc phân công nhiệm vụ, tránh chồng chéo, mất kiểm soát. Thông tin hạ tầng cấp nước của TP.Đồng Hới được thể hiện trên nền bản đồ địa chính, được phân lớp theo từng đối tượng. Mặt khác, việc kết hợp bản đồ địa chính với hệ thống Google Map giúp cho việc tìm kiếm, hiển thị được dễ dàng hơn. Các dữ liệu được xây dựng, thiết kế bằng tiếng Việt nên rất thuận lợi trong quá trình sử dụng.

Có thể thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin nói chung và công nghệ thông tin vào công tác quản lý hạ tầng cấp nước sinh hoạt nói riêng đem lại hiệu quả thiết thực. Đề tài xây dựng được hệ thống bản đồ thông tin hạ tầng cấp nước sinh hoạt kết hợp với thông tin địa lý. Hệ thống cho phép cập nhật số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu hiện trạng hệ thống hạ tầng cấp nước sinh hoạt, lưu trữ các dữ liệu thuộc tính đồng bộ, hiện đại. Hiện trạng hạ tầng cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Đồng Hới được thể hiện một cách trực quan. Với các chức năng rõ ràng, hệ tọa độ chuẩn xác kết hợp với hệ thống thông tin địa lý, việc tìm kiếm, đối chiếu các thông tin thuộc tính với thực địa sẽ dễ dàng hơn cho người quản lý.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần cấp nước Quảng Bình cho biết: “Việc áp dụng kết quả đề tài vào công tác quản lý hạ tầng cấp nước sinh hoạt chắc chắn sẽ giúp ích cho việc quản lý ngày một thuận lợi hơn, tiết kiệm được chi phí và công sức, đặc biệt là quản lý mạng lưới các đường ống, van..., nhằm chống được việc thất thoát nước ra ngoài. Chúng tôi mong muốn sớm được giao kết quả đề tài để quản lý và vận hành cơ sở dữ liệu hệ thống hạ tầng cấp nước sinh hoạt trên địa bàn TP.Đồng Hới”.                            

Thanh Hoa