.

Bảo tồn đa dạng sinh học vì tương lai

Thứ Năm, 06/07/2017, 10:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Đa dạng sinh học là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Xác định bảo tồn ĐDSH chính là bảo vệ môi trường sống cho hiện tại và tương lai, thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).

Quảng Bình là khu vực tập trung tính ĐDSH cao

ĐDSH có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường, là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu.

Khu vực bảo tồn loài công tại Vườn thực vật Phong Nha - Kẻ Bàng.
Khu vực bảo tồn loài công tại Vườn thực vật Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ngoài ra, ĐDSH còn có ý nghĩa to lớn trong đời sống tự nhiên và con người, thể hiện qua chức năng và tầm quan trọng của các hệ sinh thái. Bởi, không chỉ là nơi cư trú, môi trường sống của nhiều loài sinh vật, các hệ sinh thái còn có chức năng cung cấp các loại hình dịch vụ, như: đóng góp lớn trong lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản; cung cấp giá trị vô cùng to lớn cho các loại hình du lịch sinh thái và đặc biệt là có vai trò quan trọng trong sự điều hòa khí hậu thông qua lưu trữ cacbon và kiểm soát lượng mưa, lọc không khí và nước, phân hủy các chất thải trong môi trường, giảm nhẹ những tác hại của thiên tai...

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Quảng Bình là tỉnh có hệ sinh thái đặc biệt độc đáo, có đa dạng sinh học cao. Đặc biệt,có VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi chứa đựng tính đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên bao gồm các hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng trên núi đất và vùng chuyển tiếp, hệ sinh thái sông suối, hệ sinh thái hang động và các hệ sinh thái thứ sinh. Bên cạnh đó, Quảng Bình còn là nơi có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, như: sự thay đổi phương thức sử dụng đất, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế cộng với việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên..., ĐDSH của Quảng Bình có nhiều nguy cơ bị suy thoái.

Cần có những giải pháp đồng bộ

Trên thực tế, công tác bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh ta còn gặp rất nhiều khó khăn. Điều đó bắt nguồn từ thể chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý ĐDSH hiện nay chưa đồng bộ, một số quy định chưa phù hợp với thực tế tại địa phương. Kèm theo đó là chức năng và thẩm quyền quản lý Nhà nước về bảo tồn ĐDSH còn chồng chéo; năng lực quản lý về công tác bảo tồn ĐDSH chưa cao; nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo tồn ĐDSH ở địa phương và nhận thức chung về bảo tồn ĐDSH của cộng đồng còn hạn chế...

Nhận thức được vai trò và ý nghĩa to lớn của ĐDSH, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm duy trì và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH. Thực hiện Luật Đa dạng sinh học và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ĐDSH nói riêng và nâng cao nhận thức về bảo tồn ĐDSH nói chung cho các đối tượng quản lý cấp huyện, xã và cộng đồng dân cư trên địa bàn.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý ĐDSH trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, bảo vệ rừng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đầu tư nguồn lực thực hiện nhiều chương trình, dự án nghiên cứu về bảo tồn ĐDSH.

Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 và đang trình HĐND tỉnh thông qua.

Theo đó, trên cơ sở thực trạng ĐDSH hiện có, ngoài VQG Phong Nha-Kẻ Bàng và Khu bảo vệ cảnh quan núi Thần Đinh, tỉnh đã xác định 6 khu vực có thể quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên đặc thù của tỉnh, gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Nét, Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Nước Trong, Khu bảo tồn thiên nhiên núi Giăng Màn, Khu bảo vệ cảnh quan Vũng Chùa-Đảo Yến, Khu bảo vệ cảnh quan đất ngập nước Bàu Sen, Khu bảo tồn loài và sinh vật cảnh Voọc gáy trắng ở Tuyên Hoá.

Mục đích là kết hợp bảo tồn tại chỗ, bảo tồn chuyển chỗ và các hình thức bảo tồn khác để bảo đảm hiệu quả công tác bảo tồn, thống nhất và phù hợp với điều kiện của từng vùng trên phạm vi của tỉnh, không gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; kết hợp bảo tồn và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, chú trọng duy trì và phát triển các dịch vụ hệ sinh thái, môi trường, cảnh quan ĐDSH nhằm bảo đảm an toàn ĐDSH, giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Du khách tham quan Vườn thực vật Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thực vật phong phú
Du khách tham quan Vườn thực vật Phong Nha - Kẻ Bàng với hệ thực vật phong phú

Tuy nhiên, tính bền vững của công tác bảo tồn ĐDSH của một khu bảo tồn được bảo đảm chỉ khinào người dân địa phương thực sự tham gia vào các hoạt động bảo tồn và ngược lại các hoạt động bảo tồn thực sự mang lại các lợi ích kinh tế cho cộng đồng xung quanh.

Thiết nghĩ, để tăng cường công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH, thời gian tới, tỉnh cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trao đổi với phóng viên, ông Phan Xuân Hào, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết, trong thời gian tới, với chức năng là cơ quan chuyên môn, đơn vị sẽ bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, tiếp tục tăng cường công tác tuyền truyền giáo dục về bảo tồn ĐDSH; triển khai thực hiện Quy hoạch bảo tồn ĐDSH của tỉnh khi đã được phê duyệt; tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc bảo tồn ĐDSH tại các cơ sở; xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc ĐDSH của địa phương; tổ chức thực hiện hoạt động quan trắc, quản lý số liệu quan trắc ĐDSH theo thẩm quyền; tổ chức điều tra, thống kê, kiểm kê, đánh giá hiện trạng ĐDSH, đánh giá các hệ sinh thái, loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Đồng thời, tỉnh hướng dẫn, tổ chức điều tra, lập danh mục loài ngoại lai xâm hại và thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, kiểm soát các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; hướng dẫn kiểm tra các hoạt động về quản lý nguồn gen trên địa bàn tỉnh; tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý về ĐDSH...

Trên cơ sở kết quả khảo sát thực địa, kết hợp định loại trong phòng thí nghiệm và các tài liệu nghiên cứu hệ thực vật từ trước đến nay, có thể khẳng định, Quảng Bình là khu vực tập trung tính ĐDSH cao với 2.766 loài thực vật, trong đó có trên 1.000 loài cây có ích; đặc biệt là hệ núi đá vôi điển hình còn mang nhiều giá trị ĐDSH và cảnh quan to lớn.

Hệ sinh thái trên cạn có trên 1.000 loài côn trùng, 342 loài chim, 171 loài thú và 158 loài bò sát-lưỡng cư. Hệ sinh thái thuỷ vực có đầy đủ các nhóm thuỷ sinh vật với nhiều loài thực vật thuỷ sinh, sinh vật đáy, cá... Ngoài ra, còn có tới 156 loài thực vật, 14 loài côn trùng, 25 loài chim, 48 loài thú, 10 loài cá quý hiếm được ghi trong Sách đỏ...

Th.Hải