.

Thử nghiệm tuyến du lịch xuyên động Sơn Đoòng, tại sao không?

Thứ Hai, 19/06/2017, 14:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Gần đây, trên báo chí có đăng tải một số bài viết thể hiện ý kiến phản đối và lên án phương án mở tuyến du lịch xuyên động Sơn Đoòng với lý do việc lắp thang đi qua Bức tường Việt Nam (BTVN) sẽ gây “ảnh hưởng nghiêm trọng đến cấu tạo địa chất của hệ thống Sơn Đoòng, bởi lượng người gia tăng vào hang sẽ tạo áp lực lên cấu tạo địa chất của hang”... Vậy sự thực, việc khai thác du lịch theo tuyến thử nghiệm kể trên có lợi hay có hại đối với BTVN nói riêng và khai thác du lịch Sơn Đoòng nói chung?

Với tư cách người đã góp phần nghiên cứu Phong Nha - Kẻ Bàng từ những ngày đầu tiên, năm 1990, khi nhóm chuyên gia thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh (HHHĐHGA) đến Việt Nam và là người từng đi xuyên qua BTVN, khi đọc thông tin trên, tôi đã liên lạc với ông Howard Limbert, trưởng nhóm chuyên gia để tìm hiểu tình hình và đã nhận được một email ông chia sẻ. Qua tổng hợp thông tin, tôi xin có một số ý kiến sau đây:

Động Sơn Đoòng lớn nhất thế giới, là một di sản quý giá bậc nhất trong số các di sản địa chất thuộc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (VQG PNKB), không chỉ bởi kích thước khổng lồ, mà còn vì vẻ đẹp cũng như những cấu trúc địa chất độc đáo của nó. Chính vì thế, mọi tác động của con người vào động này cần thận trọng, cân nhắc kỹ lợi hại và hướng tới bảo đảm khai thác du lịch bền vững.

Theo phương án tuyến du lịch trước đây, thời gian du khách ở trong động kéo dài 5 ngày 4 đêm. Khi đến BTVN, du khách sẽ quay ngược trở lại để trở về cửa hang xuất phát. Theo phương án mới, với tuyến du lịch xuyên hang, tổng thời gian du khách ở trong hang giảm đi 1 ngày, còn 4. Với tuyến khai thác thử nghiệm này, du khách sẽ leo thang, đi tiếp theo tuyến có cáp bảo hiểm để vượt qua BTVN, rồi đi tiếp khoảng 600m nữa để ra khỏi động bằng cửa sau.

Theo phương án tuyến đi xuyên Sơn Đoòng, đoạn này gồm 2 phần: Phần đầu ở dưới chân BTVN, dựng đứng, cao 25m, lắp đặt thang bằng kim loại không rỉ. Theo thiết kế và thực tế thi công, vị trí neo đỉnh thang được lắp 16 bulong nở bằng kim loại không rỉ dài 100mm, đường kính 10mm vào đá vôi, bảo đảm chắc chắn (độ dài khúc này 2,5m). Chân thang được thiết kế 2 thanh chịu lực chính và hệ giằng bảo đảm khóa chân chắc chắn bằng 16 bulong nở kim loại không rỉ dài 100mm, đường kính 10mm, bắt trực tiếp lên nền hang. Các đoạn thang (2m) được nối với nhau bằng vít không rỉ. Như vậy, thang được cố định ở trên đỉnh và dưới chân thang, có thể được tháo dỡ dễ dàng khi không sử dụng.

Phần sau có độ dốc 45o, dài 65m được gắn dây đai an toàn định vị thành một lối đi cho từng người đi một; dây, đai an toàn và thang dây để vượt đoạn này được bắt bulong nở bằng kim loại không rỉ dài 100mm, đường kính 10mm và được bắt vào đá. Tổng cộng đoạn này có 23 chốt khóa gắn vào vách đá, trong đó có 8 chốt mới và 15 chốt cũ đã được các chuyên gia thám hiểm hang động gắn từ năm 2010.

Thạch nhũ đọng trên BTVN thuộc hình loại nhũ dòng chảy - loại thạch nhũ hình thành do tích đọng CaCO3 trên nền hang khi có dòng nước chảy qua. Trong quá trình hình thành, loại nhũ này tựa vững chắc vào đá vôi gốc, ở dạng bậc hay dạng nền tương đối bằng phẳng, do vậy về tổng thể hệ thống có độ vững chắc cao hơn các loại nhũ khác chỉ được hình thành bằng đá vôi thứ sinh, có độ gắn kết yếu hơn.

Có thể hiểu BTVN là một thành tạo bao gồm vách đá gốc vững chắc và lớp nhũ dòng chảy mềm yếu hơn phủ ngoài. Có những chỗ đá gốc lộ ra ngoài BTVN, hoặc có chỗ lớp nhũ dòng chảy rất mỏng.

 Hình ảnh mô phỏng và vị trí gắn dây an toàn của đoạn dốc 65m.
Hình ảnh mô phỏng và vị trí gắn dây an toàn của đoạn dốc 65m.

BTVN có kích thước rất lớn, ngăn qua đoạn có chiều rộng và chiều cao vào loại lớn nhất trong động Sơn Đoòng. Chiều cao lòng động chỗ đó khoảng 200m, bề rộng khoảng 140m. Ước tính bề mặt BTVN rộng 140mx90m=12.600m2. Ước tính tuyến đi qua BTVM, vượt đoạn đường 90m, theo một “hành lang” hẹp khoảng 60cm, chiều dài 90m, tổng diện tích chiếm 54m2. Nếu so với 12.600m2 diện tích BTVN thì tuyến đường mà du khách đi trên kia thật nhỏ bé, như những con kiến xếp hàng vượt qua một bức tường lớn. Đó là chưa kể thang chỉ được gắn vào nền hang và đỉnh đoạn dốc đứng có phần hõm sâu (đoạn cao 25m) bằng 32 bulong. Qua đó, di chuyển theo tuyến mới này sẽ có tác động không đáng kể đến nền địa chất của BTVN.

Thang được lắp đặt theo phương thẳng đứng nên tải trọng tập trung xuống phía dưới chân thang, nơi có nền chắc chắn, vì thế ít dao động trong quá trình di chuyển. Ngoài ra, thang được thiết kế có các thanh giằng đỡ sườn bản thang, nên không bị võng, lắc, không gây tác động phát sinh đối với BTVN trong quá trình sử dụng.

Lắp đặt thang và mở tuyến vượt BTVN là phương án thử nghiệm để đi xuyên động, do nhóm chuyên gia của HHHĐHGA đề xuất sau quá trình nghiên cứu kỹ, nhằm hạn chế thời gian lưu lại ở trong động và tránh sự trùng lặp lối đi nhàm chán đối với du khách. Lộ trình mới rút ngắn gần một nửa đoạn đường du khách phải đi qua trong động Sơn Đoòng, có nghĩa các tác động từ hoạt động của du khách đến Sơn Đoòng được giảm đáng kể, tiết kiệm được thời gian và sức lực của du khách. (Khi du khách đi theo thang và đoạn đường có cáp bảo hiểm trên BTVN, “hành lang” hẹp khống chế bước chân du khách chỉ rộng 50-60cm. Nếu không vượt BTVN mà quay trở lại cửa sau thì “hành lang” khống chế bước chân du khách suốt chặng đường dài 6km đó mở rộng hơn nhiều, mà nhiều đoạn cũng buộc phải bước chân lên các khối nhũ lớn nhỏ... Điều này cho thấy nếu đi xuyên BTVN thì tác động của bước chân du khách lên thạch nhũ BTVN là có, nhưng sẽ giảm đi nhiều lần so với tác động lên thạnh nhũ trong động nói chung nếu đi theo phương án cũ, quay ngược trở lại 6km).

Phương án vượt BTVN còn có thể phục vụ hoạt động khảo sát, nghiên cứu bảo tồn động Sơn Đoòng và cứu hộ đối với du khách nếu có sự cố xảy ra. Việc gắn thang qua BTVN giúp xử lý sự cố tai nạn, ốm đau ở đoạn trong động và di chuyển nạn nhân ra đường HCM chỉ mất 2-3 giờ. Trong khi theo phương án cũ nếu xảy ra sự cố tai nạn phía trong động cần hơn 1 ngày đi đường để ra tới đường HCM hoặc cần gần 6 giờ để tiếp cận bãi đáp trực thăng cứu hộ.

Việc lắp đặt thang và định vị lối đi bộ có đai bảo hiểm khi vượt BTVN đã được nhóm chuyên gia hang động thuộc HHHĐHGA, đứng đầu là ông Howard Limbert, khảo sát thực tế và kiểm tra chi tiết. Họ đã tìm vị trí cũng như giải pháp ít gây tổn hại nhất cho động Sơn Đoòng, thậm chí tính toán cả việc sử dụng lại 15 trong tổng số 23 chốt kim loại không gỉ đã được các chuyên gia gắn vào BTVN từ chuyến khảo sát xuyên động đầu tiên, năm 2010. Trong quá trình vận chuyển lắp đặt thang và tuyến đi luôn có mặt một đến hai chuyên gia có trách nhiệm tách thang trong quá trình di chuyển, không để thang va chạm vào thạch nhũ của BTVN.

Việc xây dựng thử nghiệm tour xuyên động Sơn Đoòng để giảm quãng đường lặp lại toàn bộ bên trong động là một trong những giải pháp thể hiện trách nhiệm của Ban quản lý VQG PNKB và đơn vị khai thác. Vì du khách không phải quay lại đường cũ dài 6km và tác động đến 2 lần vào lòng hang.

Việc làm thang tạo thuận lợi hơn cho khách vượt qua bức tường mà không chạm vào bức tường. Loại hình du lịch mạo hiểm luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn, tình huống bệnh tật, cần phải xử lý nhanh, do đó việc bắc thang vượt BTVN có thể rút ngắn rất nhiều thời gian tiếp cận dịch vụ y tế khi cần thiết. Việc bắc thang này có thể rút ngắn thời gian cấp cứu xuống còn 2-3 giờ khi có sự cố xảy ra.

Về việc lắp thang, qua trao đổi với ông Howard Limbert và đánh giá chuyên môn của chúng tôi, việc làm các module thang 2m và gắn lại với nhau, cố định bằng những ốc vít loại thép không rỉ, chỉ cố định bằng những mũi khoan nhỏ 1cm ở vách hang trên đỉnh bức tường đoạn dựng đứng và dưới chân bức tường, nơi có nền đá vững chắc. Thang không tì vào bức tường mà nằm bên ngoài, do đó nó không tiếp xúc trực tiếp dọc thành tường, vì thế BTVN không có ảnh hưởng gì đáng kể.

Đoạn dốc dài 65m có độ dốc là 45 độ, cách cửa hang 600m mà phương án xuyên động đi qua thực tế được hình thành do các khối đá vôi lớn trên trần hang sụp xuống, nằm ngổn ngang, được nhũ dòng chảy bám ngoài khoảng 2cm, không có hình thù đặc trưng nên không hề là một di sản đẹp như một số khối thạch nhũ khác trong động. Việc thường xuyên có nước chảy qua trên nền dốc và việc sử dụng 1 lối đi rộng 60cm trên nền động rộng trên 100m thì tác động là không đáng kể.

Theo dự án thử nghiệm xuyên Sơn Đoòng, mỗi năm có tối đa 640 khách được phép thám hiểm Sơn Đoòng. Theo báo cáo của Công ty Oxalis trên các phương tiện truyền thông, trong những năm qua, họ đang duy trì ở mức khoảng 500 khách mỗi năm. Việc thử nghiệm lộ trình mới với số lượng 200 khách gia tăng, hay thậm chí nếu sau này tỉnh Quảng Bình cho phép 700 khách mỗi năm thì với số lượng đó cũng chưa có gì đáng ngại đối với môi trường và di sản của động Sơn Đoòng. Khai thác du lịch với lượng khách như vậy chưa phải vì mục đích kinh tế là chính, mà trước hết để quảng bá thương hiệu du lịch Quảng Bình - Kinh đô hang động của thế giới.

GS. TS Tạ Hòa Phương

(Khoa Địa chất, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)