.

Bảo tồn lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh

Thứ Sáu, 12/05/2017, 16:36 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bức tranh lễ hội của Quảng Bình, lễ hội đua thuyền tại phủ Quảng Ninh xưa và huyện Quảng Ninh ngày nay là một hoạt động văn hóa truyền thống, được bao thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, bảo tồn qua nhiều thế kỷ. Đề tài “Nghiên cứu những giá trị của lễ hội đua thuyền truyền thống, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Quảng Ninh”, do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Ninh chủ trì là một trong những nỗ lực bảo tồn lễ hội này.

Như nhiều vùng quê khác của Quảng Bình, Quảng Ninh là địa phương có phong trào đua thuyền phát triển, gắn với lịch sử hình thành phản ánh đời sống tâm linh và xã hội của vùng đất. Đua thuyền, bơi trải nơi đây có nguồn gốc gắn với tín ngưỡng cầu mưa, cầu đảo, cầu ngư... và mong muốn một vụ mùa thắng lợi của nhân dân qua bao thế hệ. Trước những khó khăn của cuộc sống bấp bênh, phụ thuộc vào tự nhiên, trời đất, sông nước, ngoài những nỗ lực của bản thân, họ còn cần đến sự trợ giúp của thần linh để được thuận buồm xuôi gió. Vai trò và ý nghĩa tâm linh của lễ hội đua thuyền còn được phản ánh qua nghi lễ “buông phao” mang tính nhân văn sâu sắc, như một nén hương tưởng nhớ và mong muốn siêu độ cho những người tử nạn trên sông nước.

Gắn bó với những giai đoạn lịch sử của dân tộc, của vùng đất, lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh cũng đi qua những bước thăng trầm, phát triển và biến đổi để phù hợp với bối cảnh lịch sử. Bước vào thời đại mới của hội nhập và phát triển, lễ hội này lại có điều kiện mở rộng về quy mô, số lượng và chất lượng, cũng như mục đích và ý nghĩa. Nhưng dù ở thời điểm nào, lễ hội đua thuyền truyền thống vẫn là nét đẹp văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức của bao thế hệ người dân nơi đây.

Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh diễn ra vào dịp 2-9 hàng năm.
Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quảng Ninh diễn ra vào dịp 2-9 hàng năm.

Đề tài “Nghiên cứu những giá trị của lễ hội đua thuyền truyền thống, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Quảng Ninh” do Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quảng Ninh chủ trì thực hiện từ tháng 4-2015 đến tháng 3-2017. Theo ông Ngô Đình Hướng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, chủ nhiệm đề tài, mục tiêu của đề tài là nghiên cứu, tìm hiểu vai trò, giá trị của lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Quảng Ninh đối với đời sống tinh thần và vật chất của người dân, trong lịch sử cũng như hôm nay, làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy lễ hội trong bối cảnh hiện nay, góp phần xây dựng quê hương phát triển toàn diện và bền vững.

Phạm vi nghiên cứu về mặt không gian gồm các địa phương, làng xã có tổ chức lễ hội đua thuyền từ trước đến nay thuộc địa giới hành chính huyện Quảng Ninh. Bên cạnh đó, đối với những thời kỳ có sự tách nhập về mặt quản lý hành chính, sẽ có sự tham khảo nghiên cứu với lễ hội đua thuyền các huyện Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới trong mối tương quan về địa bàn dân cư trong quá khứ và hiện tại.

Sau thời gian hơn 2 năm thực hiện, đề tài đã hoàn thành các nội dung đề ra, như: tiến hành nghiên cứu, sưu tầm, khảo sát những giá trị của lễ hội đua thuyền truyền thống ở phủ Quảng Ninh xưa, huyện Quảng Ninh trong lịch sử, làm rõ bối cảnh ra đời, cơ sở tồn tại và phát triển trong sử liệu cũng như qua thực tế; thực hiện khảo sát quy trình tổ chức lễ hội đua thuyền, từ công đoạn chế tác, sản xuất thuyền đua đến tổ chức đua, từ phần lễ đến phần hội, tình hình tổ chức từ giai đoạn đầu đến hiện nay...

Theo ông Ngô Đình Hướng, một trong những giải pháp mà đề tài hướng đến để bảo tồn lễ hội là coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ hiểu sâu về truyền thống quê hương. Trong công tác tổ chức, cần chú trọng phần lễ, các hoạt động hướng về nguồn, đồng thời cũng cần kết hợp với các hình thức vui chơi cộng đồng, như: chèo cạn, múa bông... Tất cả sẽ tạo nên một bức tranh lễ hội truyền thống đa sắc màu, đầy sức mạnh.

D.H