.

Nhãn hiệu tập thể "Chìa khóa vàng" vươn ra thị trường

Thứ Tư, 12/04/2017, 15:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhãn hiệu hàng hóa là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, thông qua đó khẳng định chất lượng uy tín sản phẩm và từng bước tạo dựng thành thương hiệu để cạnh tranh trên thị trường. Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) đã hỗ trợ xây dựng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các địa phương, doanh nghiệp, đã mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực.

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình có 29 làng nghề, làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, đa phần các làng nghề có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu bền vững. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế; mẫu mã, chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh chưa cao, do vậy các làng nghề chưa phát huy hết lợi thế của mình. Đặc biệt, khi chưa có thương hiệu, các làng nghề gặp nhiều hạn chế trong quảng bá sản phẩm, phát triển sản xuất kinh doanh.

Nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, trong đó có vai trò của Sở KH và CN là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, thời gian qua, nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng đối với vấn đề nhãn hiệu hàng hóa đã có những bước đổi mới đáng ghi nhận, góp phần khẳng định thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường.

Theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có hơn 40 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận và nhãn hiệu tập thể. Hầu hết đó là các sản phẩm nổi tiếng của tỉnh, như: Rượu Tuy Lộc, rượu Võ Xá, khoai deo Hải Ninh, nước mắm Nhân Trạch, nước mắm Quy Đức, nước mắm Đồng Hới, mây xiên Quảng Phương, bánh mè xát Tân An... Việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu đang được các cơ sở sản xuất và làng nghề quan tâm thực hiện. Hiện nay, một số nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký và đang được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn như: gạo tái sinh Lệ Thuỷ của HTX Sản xuất và kinh doanh tổng hợp Bá Cường...

Sản phẩm mây tre đan của HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Sản phẩm mây tre đan của HTX Sản xuất dịch vụ mây xiên Quảng Phương đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Là một vùng dễ trồng khoai củ, từ xưa, người dân Hải Ninh đã làm khoai deo như một phương thức dự trữ lương thực. Đến nay, khoai deo đã được biết đến như một món quà quê giàu hương vị cho những người con Quảng Bình xa xứ và du khách thập phương. Trồng khoai deo Hải Ninh đã mang lại cho người dân vùng cát nơi đây nhiều lợi ích về kinh tế. Đặc biệt, sau khi nhãn hiệu khoai deo Hải Ninh được cấp bằng bảo hộ năm 2011, giá trị sản phẩm được tăng lên nhiều lần.

Bình quân mỗi năm, xã Hải Ninh xuất ra thị trường khoảng 20 tấn khoai deo thành phẩm, tương đương với 80 tấn khoai lang tươi. Sản phẩm khoai deo ngoài được bày bán tại các chợ, các siêu thị và điểm du lịch, còn tham gia nhiều hội chợ được tổ chức trong và ngoài tỉnh. Điều đáng chú ý là HTX Khoai deo Hải Ninh là một trong những đơn vị quản lý nhãn hiệu tập thể khá tốt, từ kiểm soát chất lượng sản phẩm cho đến đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ tên tuổi và thương hiệu khoai deo Hải Ninh. Khoai deo Hải Ninh còn được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh đạt tiêu chí năm 2014 và hiện nay, thôn Tân Định, xã Hải Ninh cũng đã được công nhận là làng nghề truyền thống.

Thôn Tân An, xã Quảng Thanh huyện Quảng Trạch là làng quê từ bao đời nay có nghề truyền thống sản xuất bánh mè xát. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề có từ khi làng được hình thành. Năm 2010, HTX Bánh mè xát Tân An được thành lập, sau đó, HTX đã làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu sản phẩm với mục đích đưa sản phẩm bánh mè xát của làng đi xa hơn nữa và đặc biệt là phòng chống hiện tượng hàng nhái, hàng giả. Nếu như trước đây bánh mè xát hay bánh tráng Tân An chỉ tiêu thụ trong huyện Quảng Trạch và trong tỉnh thì nay đã vươn ra các tỉnh thành khác trong cả nước và được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng. Việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là điều vô cùng quan trọng để phát triển thương hiệu.

Từ thực tế các làng nghề, việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu hàng hóa ở Quảng Bình vẫn còn một số vấn đề cần phải quan tâm, đó là số lượng nhãn hiệu hàng hóa ở Quảng Bình chỉ ở mức trung bình của cả nước và chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Công tác xây dựng và phát triển vấn đề sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu hàng hóa nói riêng cho các địa phương, doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới rất cần sự phối hợp của các ngành các cấp.

Trung Nghĩa