.

Vì bình yên vùng giáo

Thứ Sáu, 10/03/2017, 09:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Thực hiện từ tháng 9-2015 đến tháng 12-2016, đề tài “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng dân quân tự vệ vùng giáo tỉnh” do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì được Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh đánh giá cao bởi tính hiệu quả trong ứng dụng thực tiễn.

Theo số liệu thống kê từ BCH Quân sự tỉnh, tại địa bàn của 58/159 xã, phường, thị trấn thuộc 6/8 huyện, thị xã, thành phố có đồng bào công giáo sinh sống, hiện có 147 đơn vị dân quân tự vệ (58 đơn vị dân quân, 89 đơn vị tự vệ) với quân số hơn 6.700 đồng chí. Cán bộ dân quân tự vệ (DQTV) tại các địa bàn công giáo có số lượng đủ biên chế theo quy định, được lựa chọn, bố trí, sắp xếp, đào tạo và bồi dưỡng, huấn luyện hằng năm theo quy định của Luật DQTV. Chất lượng chính trị được bảo đảm với tỷ lệ 29,7% là đảng viên, nhận thức, trách nhiệm đối với công tác dân vận của cán bộ, chiến sỹ DQTV có bước chuyển biến tích cực. Họ là những người trực tiếp lao động, sản xuất cùng bà con giáo dân, nhiều cán bộ, chiến sỹ DQTV cũng là người công giáo. Nhiều năm qua, thực tế tại các địa phương trong tỉnh, lực lượng DQTV đã trực tiếp tham gia và có nhiều đóng góp quan trọng, hiệu quả trong công tác dân vận ở vùng đồng bào công giáo, góp phần giữ vững ổn định tình hình chính trị trên địa bàn.

Tuy nhiên, công tác dân vận của lực lượng DQTV vùng đồng bào Công giáo còn bộc lộ nhiều hạn chế khi nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận của cán bộ, chiến sỹ DQTV chưa sâu sắc; nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành chậm đổi mới; chưa phát huy được sức mạnh của các tổ chức cùng tham gia. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng DQTV vùng giáo tỉnh Quảng Bình”  là làm sáng tỏ cơ sở lý luận, thực tiễn; đánh giá đúng thực trạng tình hình công tác dân vận của lực lượng DQTV ở vùng giáo; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra một số kinh nghiệm; đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng DQTV vùng đồng bào công giáo tỉnh ta hiện nay.

Tình cảm gắn kết giữa LLVT huyện Tuyên Hóa với nhân dân sau lũ lụt năm 2016.
Tình cảm gắn kết giữa LLVT huyện Tuyên Hóa với nhân dân sau lũ lụt năm 2016.

Phạm vi nghiên cứu của nhiệm vụ là các địa phương có đồng bào Công giáo sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, bao gồm: Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, thị xã Ba Đồn và thành phố Đồng Hới.

Theo báo cáo kết quả của đề tài, tỉnh Quảng Bình có 2 tôn giáo chính là Công giáo và Phật giáo. So với Phật giáo, Công giáo có số lượng tín đồ đông đảo hơn, chiếm gần 12% dân số toàn tỉnh, tập trung sinh sống chủ yếu ở các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Bố Trạch và thị xã Ba Đồn. Những năm qua, công tác dân vận nói chung, công tác dân vận của lực lượng DQTV vùng đồng bào Công giáo nói riêng được quan tâm triển khai thực hiện và thu được kết quả quan trọng, mục tiêu “yên dân, ổn định và phát triển” cơ bản đạt được.

Để nâng cao chất lượng công tác dân vận của lực lượng DQTV tại địa bàn Công giáo, đề tài đưa ra các nhóm giải pháp về lãnh đạo, chỉ đạo; giáo dục bồi dưỡng; tổ chức; phối hợp. Trong đó, đề tài chú trọng đến công tác giáo dục nâng cao nhận thức và năng lực tiến hành công tác dân vận cho lực lượng DQTV vùng đồng bào Công giáo, từ đó, chú trọng bồi dưỡng đội ngũ này thành cốt cán vùng giáo. Từ đó, chính quyền các địa phương tổ chức linh hoạt, hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác dân vận; bảo đảm tốt chế độ, chính sách đối với DQTV; phối hợp chặt chẽ giữa DQTV với với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, các đơn vị chủ lực của tỉnh trong công tác dân vận vùng giáo.

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ KH và CN cấp tỉnh đã đánh giá các nội dung, giải pháp đề cập trong đề tài “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của lực lượng DQTV vùng giáo tỉnh Quảng Bình” xét về phương diện lý luận và thực tiễn đều có tính khả thi cao. Những vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện đề tài cũng phù hợp với quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và công tác tôn giáo, đồng thời cũng được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn tình hình các địa phương vùng đồng bào Công giáo.

Sau khi áp dụng vào thực tiễn đời sống, đề tài sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự các cấp và cán bộ, chiến sỹ DQTV, nhất là các địa bàn vùng Công giáo. Đây sẽ là lực lượng quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc và đồng bào công giáo chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định tình hình chính trị, xã hội, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ngọc Minh