.

Ươm mầm tài năng sáng tạo khoa học kỹ thuật

Thứ Tư, 21/12/2016, 08:45 [GMT+7]

(QBĐT) - Đầu tháng 12 vừa qua, Phòng giáo dục và đào tạo Lệ Thủy đã tổ chức hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS năm  2016 – 2017. Nhiều năm qua, cuộc thi đã giúp các em học sinh phát triển năng lực, nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường và hứa hẹn là mảnh đất tươi tốt ươm mầm những tài năng sáng tạo khoa học kỹ thuật.

Cuộc thi nghiên cứu khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh THCS là một hoạt động thường niên của ngành Giáo dục và Đào tạo Lệ Thủy. Đây là sân chơi nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống; góp phần thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học. Từ chính những sân chơi như thế này đã tạo nên cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học, kỹ thuật của mình.

Theo ban tổ chức, các dự án tham dự hội thi năm nay phù hợp với khả năng và nguyện vọng của học sinh, phù hợp với chương trình, nội dung dạy học trong nhà trường và thực tiễn của địa phương, có tính thực tế. Đồng thời, một số dự án rất phù hợp với định hướng hoạt động giáo dục của các trường THCS. Với 27 trường cùng 27 dự án ở 4 lĩnh vực dự thi: kỹ thuật cơ khí, hóa học, hệ thống nhúng, kỹ thuật điện và cơ khí, khoa học xã hội và hành vi. Nhiều dự án bước đầu được ban tổ chức đánh giá cao về mặt ý tưởng cũng như sáng tạo, đặc biệt các em đã có những dự án gần với thực tế, có thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày như dự án “Thiết bị đa năng hỗ trợ các hoạt động trong nhà trường” (THCS Tân Thủy), “Máy gom phù sa đa năng” (THCS An Thủy), “Nghiên cứu điều chế dầu gội đầu bằng các nguyên liệu thiên nhiên có sẵn ở Quảng Bình” (THCS Liên Thủy), “Khai thác tối đa không gian màn hình và bảng phụ trong dạy học” (THCS Sen Thủy),  “Tam giác biết nói” (THCS Văn Thủy)...

 Em Lê Dương Hoài Linh thuyết minh dự án “Thiết bị đa năng hỗ trợ các hoạt động trong nhà trường”.
Em Lê Dương Hoài Linh thuyết minh dự án “Thiết bị đa năng hỗ trợ các hoạt động trong nhà trường”.

Điều đặc biệt trong hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật lần thứ 4 của Lệ Thủy năm nay có đầy đủ tất cả các trường THCS trên địa bàn huyện tham gia nhất là sự có mặt của các đơn vị đặc biệt khó khăn: Trường PTDTNT huyện, Trường PTDTBT Ngân Thủy, Trường PTDTBT TH và THCS số 1 Kim Thủy, Trường THCS Ngư Thủy Bắc, THCS Ngư Thủy Nam, THCS Ngư Thủy Trung, THCS Thái Thủy. Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận, thể hiện sự hòa nhập và khát vọng tìm hiểu tri thức, vận dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống của các đơn vị vùng cao, vùng xa. Nhiều trường học đến từ các địa phương vừa phải trải qua cơn lũ lịch sử, những khó khăn, chật vật do thiên tai gây ra vẫn còn hiện hữu. Nhưng như lời chia sẻ của nhiều giáo viên đến từ vùng rốn lũ thì dù khó khăn là thế, tinh thần tự nỗ lực và sự phấn đấu của các em mang đến với hội thi là điều đáng trân trọng.

Những sản phẩm đầy tính sáng tạo của các em tại hội thi chính là kết quả những tháng ngày đúc rút từ thực tiễn đời sống và học tập còn nhiều khó khăn. Từ chính những trăn trở đó, các em học sinh đã suy nghĩ và sáng tạo ra những sản phẩm khoa học kỹ thuật mới lạ, có ý nghĩa, được ấp ủ từ những mong muốn cải tiến chất lượng công việc, đời sống hàng ngày và việc học tập của chính bản thân mình. Để thể hiện được ý tưởng của mình, tại hội thi, các em phải trải qua 3 phần thi: thuyết trình sản phẩm dự thi, trưng bày sản phẩm và trả lời những câu hỏi chất vấn từ ban giám khảo.

Từ lâu, hai em học sinh Lê Dương Hoài Linh và Trương Chính Thức học sinh lớp 9B, Trường THCS Tân Thủy đã biết vận dụng các vật liệu, nguyên liệu sẵn có trong cuộc sống hằng ngày để sáng tạo và cải tiến thành các vật dụng, mô hình hữu ích. Tích lũy từ những kiến thức học được trên ghế nhà trường cộng với sự mày mò, tìm kiếm, nghiên cứu các thông tin trên các diễn đàn, tài liệu trong và ngoài nước, các em đã sáng chế ra mô hình, giải pháp có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Đến với hội thi năm nay, dự án “Thiết bị đa năng hỗ trợ các hoạt động trong nhà trường” của những học sinh đầy đam mê này đã xuất sắc đạt giải nhất.

Trong 3 hội thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp tỉnh trước đó, ngành Giáo dục và Đào tạo Lệ Thủy đã có những thành tích đáng tự hào. Năm học 2013-2014 đoàn Lệ Thủy có 3/3 sản phẩm dự thi đạt giải (1 nhì, 1 ba, 1 khuyến khích); năm học 2004-2005, đoàn Lệ Thủy có 1 giải nhì, 2 giải ba và 1 giải khuyến khích, đặc biệt trong năm học này sản phẩm “Thiết kế bàn học sinh hỗ trợ dạy học tích cực” đã đạt giải khuyến khích cấp quốc gia; năm học 2015-2016 đoàn Lệ Thủy có 4/5 sản phẩm dự thi cấp tỉnh đạt giải (1 giải ba, 3 giải khuyến khích). Đó là những thành tích đáng tự hào, là những tiền đề quan trọng thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học ở ngành GD và ĐT Lệ Thủy.

Nhìn những gương mặt học sinh sáng ngời trong buổi lễ trao giải, chúng tôi thấy rõ niềm đam mê, yêu thích sáng tạo của những học sinh quê lúa Lệ Thủy. Hy vọng rằng đây sẽ luôn là sân chơi bổ ích, là cơ hội cho các em giao lưu, học hỏi, kết bạn với những bạn bè có cùng niềm đam mê nghiên cứu khoa học và còn góp phần khơi dậy tính sáng tạo, rèn giũa tính kiên nhẫn, tiết kiệm; hướng các em có trách nhiệm đối với những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống hiện đại như: bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, ứng dụng công nghệ thông tin vào sinh hoạt hằng ngày.. Rõ ràng, hạt giống tài năng sẽ chỉ nảy mầm và phát triển khi được quan tâm và chăm bẵm đúng cách.

Ngọc Minh – Thiên Hương