.

Ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm

Thứ Ba, 20/12/2016, 09:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Với người nông dân Quảng Bình, cây nấm đã và đang trở thành “cứu cánh” trong xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế. Để nâng cao chất lượng, rút ngắn thời gian nuôi trồng và tăng thu nhập cho người dân, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Quảng Bình (Sở Khoa học – Công nghệ) tiến hành dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm tại Quảng Bình.

Anh Trần Ngọc Dũng, chủ nhiệm dự án cho hay, nhiều năm qua, trong nuôi trồng nấm, kỹ thuật xử lý nguyên liệu rơm bằng phương pháp truyền thống là sử dụng nước vôi Ca(OH)2 đã bộc lộ nhiều hạn chế. Quá trình xử lý này khá tốn kém và mất nhiều thời gian, công sức, hệ số vòng quay trong sản xuất nấm không cao, lợi nhuận thấp, việc chuẩn độ pH trong quá trình sử dụng nước vôi để xử lý nguyên liệu khá phức tạp đối với bà con nông dân. Điều đáng nói là trong quá trình xử lý nguyên liệu, nếu lượng vôi nhiều, độ PH cao, sợi nấm sẽ bị co lại và không phát triển được. Nếu lượng vôi ít, độ PH thấp, nguyên liệu chua, dễ bị nhiễm bệnh, sử dụng nước vôi để xử lý nguyên liệu thường hay bị ăn da, trong quá trình pha vôi sẽ tạo ra  khí CO2 và tỏa nhiệt, gây cho người sử dụng cảm thấy nóng và khó thở. Đó là chưa kể đến việc hiệu quả, năng suất và chất lượng của nấm thành phẩm sẽ không cao.

Từ chính những hạn chế làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng nấm thành phẩm mà hiện nay, công nghệ dùng chế phẩm sinh học vi sinh xử lý nguyên liệu trồng nấm đã được nghiên cứu và phát triển ở nhiều nơi. Đây là loại chế phẩm trung tính, bảo đảm và đặc biệt là không ảnh hưởng đến sức khỏe. Thời gian qua, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học – Công nghệ) đã tiến hành thực hiện Dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm tại Quảng Bình. Theo anh Trần Ngọc Dũng thì chế phẩm sinh học vi sinh ngoài tác dụng phân giải các chất phức tạp thành các chất đơn giản, dễ hấp thu, chế phẩm còn có khả năng sinh ra các chất kháng sinh chống lại các vi sinh vật và một số loại nấm mốc gây hại cho cho quá trình phát triển của sợi nấm và quá trình hình thành quả thể.

 Cán bộ Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh thực hiện quy trình cấy giống cấp 3 vào phôi giống.
Cán bộ Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh thực hiện quy trình cấy giống cấp 3 vào phôi giống.

Như vậy, rõ ràng, việc ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học vi sinh để xử lý nguyên liệu trồng nấm là một hướng đi bền vững, giúp rút ngắn thời gian xử lý nguyên liệu, giảm chi phí nhân công và tăng hệ số vòng quay trong sản xuất, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhằm làm tăng thu nhập cho bà con nông dân. Nói cách khác, việc ứng dụng công nghệ này vào sản xuất nấm thành phẩm sẽ bảo đảm an toàn cho cây nấm phát triển khỏe mạnh, tạo được nguồn cung cấp sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Điều này sẽ đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, nhất là khi người tiêu dùng đang phải đau đầu, loay hoay trong ma trận thực phẩm bẩn.

Trong thời gian thực hiện, dự án sẽ sản xuất thử nghiệm 200 kg chế phẩm sinh học xử lý nguyên liệu làm nấm tại xưởng sản xuất của trung tâm để quảng bá và để phục vụ cho các mô hình trình diễn, cụ thể như: mô hình sản xuất nấm rơm trên chất rơm tại xã Lộc Thủy (Lệ Thủy), mô hình sản xuất nấm sò trên cơ chất rơm tại xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) và 1 mô hình nấm sò, 1 mô hình nấm linh chi trên cơ chất mùn cùng 1 mô hình nấm rơm trên cơ chất rơm tại xã Sơn Lộc (Bố Trạch). Riêng tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ Quảng Bình đang thực hiện 1 mô hình nấm sò, 1 mô hình nấm linh chi trên cơ chất mùn cưa và 1 mô hình nấm rơm trên cơ chất rơm.

Tại một số địa chỉ trên, kết quả thực hiện ban đầu cho thấy các loại nấm đang trong giai đoạn bám sợi và điều kiện phát triển đều tốt. Theo anh Trần Ngọc Dũng, kết quả này đã và đang đi đúng với tiến độ mà dự án đặt ra. Dự kiến tháng 8-2017 dự án sẽ đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh.

Hiện nay, tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh cũng đã nhân rộng một số giống nấm mới, chất lượng khá ưu việt như: Giống nấm Kim Phúc, giống nấm chân dài, giống nấm Trà Tân, giống nấm sò FQB, sò Ba Lan, đặc biệt, giống nấm sò Hàn Quốc có khả năng chịu nhiệt, chịu lạnh tốt. Cùng với việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ dùng chế phẩm sinh học vi sinh xử lý nguyên liệu trồng nấm hiện đang được tiến hành tại trung tâm sẽ góp phần rất lớn đến việc nâng cao chất lượng nấm thành phẩm, tăng thu nhập cho người dân trồng nấm tỉnh nhà.

D.H