.

5 xu thế của thị trường công nghệ năm 2017

Thứ Sáu, 16/12/2016, 18:43 [GMT+7]

Đại diện Hitachi Data Systems đã xác định được 5 xu thế lớn của thị trường công nghệ trong năm 2017 tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Hitachi Data Systems (HDS) ngày 15-12 đã công bố Báo cáo về xu thế kinh doanh và công nghệ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2017.

Theo ông Hubert Yoshida, Giám đốc công nghệ của HDS và ông Russell Skingsley, Giám đốc công nghệ của HDS khu vực châu Á - Thái Bình Dương, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tiếp tục là vấn đề trọng tâm trong các chiến lược công nghệ thông tin (CNTT) của doanh nghiệp trong năm 2017, khi xuất hiện các xu thế mới trong một số lĩnh vực.

“Khi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số gia tăng kế hoạch làm việc của các CIO trên toàn thế giới trong năm 2016, chúng ta kỳ vọng sẽ được chứng kiến ngày càng nhiều tổ chức nỗ lực để hoàn thiện nền tảng kỹ thuật số trong năm 2017”, ông Skingsley chia sẻ.

 Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số áp dụng công nghệ một cách sáng tạo giúp tăng năng suất lao động. (Ảnh minh họa: Internet)
Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số áp dụng công nghệ một cách sáng tạo giúp tăng năng suất lao động. (Ảnh minh họa: Internet)

Trong khi đó, kết quả khảo sát của Forbes Insights do HDS tài trợ đã ghi nhận, 60% số người được khảo sát tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương coi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số là ưu tiên chiến lược hàng đầu trong khu vực so với mức 50% trên phạm vi toàn cầu.

55% số người được khảo sát tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tin rằng, CNTT đã hoàn toàn sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và 65% coi việc đầu tư vào công nghệ mới để hỗ trợ quá trình số hóa là ưu tiên đầu tư hàng đầu trong vòng 2 năm tới bên cạnh việc nâng cao năng lực về xử lý và phân tích dữ liệu (chiếm 65%).

Đồng quan điểm với kết quả khảo sát của Forbes, ông Yoshida và ông Skingsley đã xác định được 5 xu thế lớn của thị trường công nghệ trong năm 2017.

Xu thế thứ nhất là để nâng cao năng suất lao động, cần tập trung nhiều hơn vào con người, quy trình và kết quả kinh doanh. Nhưng hiện nay, năng suất lao động đang sụt giảm do các quy trình mới không theo kịp được sự phát triển của công nghệ. Quá trình chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tập trung vào chuyển đổi việc kinh doanh thông qua con người và quy trình, cũng như thông qua ứng dụng công nghệ một cách sáng tạo để tăng năng suất lao động.

Xu thế thứ hai là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang môi trường điện toán đám mây. Theo ông Ed Anderson, Phó chủ tịch phụ trách Nghiên cứu của Gartner, các chiến lược ưu tiên ứng dụng điện toán đám mây đang đóng vai trò nền tảng để duy trì lợi thế cạnh tranh trong một thế giới biến động nhanh hiện nay.

Thị trường châu Á đã rất nhanh chóng nắm bắt xu thế này, khi đang dẫn đầu thế giới về chỉ số sẵn sàng cho điện toán đám mây. 64% số người được khảo sát tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đã lựa chọn điện toán đám mây như là một ưu tiên về công nghệ cho hoạt động chuyển đổi kỹ thuật số.

Xu thế thứ ba là mô hình CNTT lai (mô hình hai chế độ) bao gồm chế độ truyền thống nhấn mạnh tính an toàn, chính xác và độ sẵn sàng và chế độ phi tuyến tính nhấn mạnh độ linh hoạt và tốc độ. Môi trường điện toán đám mây lai sẽ tiếp tục là mô hình phổ biến nhất trong những năm tới,

Xu thế thứ tư là một trung tâm dữ liệu tập trung. Hiện nay 53% các tổ chức trong khu vực coi dữ liệu lớn và công nghệ phân tích dữ liệu có ý nghĩa quan trọng và đã ứng dụng hoặc có kế hoạch ứng dụng các công nghệ này trong tương lai gần.

Các công ty đang tìm kiếm những cách thức mới để liên hệ và hợp nhất dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau nhằm có được nhiều thông tin hơn trong khi vẫn điều chỉnh mục đích của dữ liệu cũ để phục vụ nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau.

Để đảm bảo hoạt động quản trị và khả năng truy cập vào những dữ liệu này, bộ phận CNTT cần phải xây dựng được một trung tâm dữ liệu tập trung để quản lý, sử dụng và bảo vệ dữ liệu của họ một cách tốt hơn.

Xu thế thứ năm là mức độ nhận thức ngày càng cao về IoT (truyền tải dữ liệu không cần sự tương tác). Việc kết nối mạng cho vạn vật sẽ ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, và mặc dù đây không phải là một xu thế lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm tới.

Nhưng theo ông Yoshida, những quyết định về CNTT được đưa ra vào năm 2017 cần phải tính đến cả IoT. Theo kết quả khảo sát của Forbes, 41% số người được khảo sát tại khu vực châu Á Thái Bình Dương coi IoT là ưu tiên về công nghệ cần được chú trọng trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số./.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN