.

Để nông dân thỏa sức sáng tạo

Thứ Ba, 27/09/2016, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Không được học hành bài bản, nhưng chính những khó khăn trong cuộc mưu sinh đã buộc những người nông dân chân đất không ngừng sáng tạo để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, tăng năng suất lao động. Với nhiều người, sáng tạo đã trở thành đam mê, nhưng con đường thực hiện đam mê ấy của họ còn khá gập ghềnh.

Với nhiều năm miệt mài tìm tòi và sáng tạo, lão nông Đặng Thanh Lâm (Mỹ Thủy, Lệ Thủy) đã có nhiều sáng kiến để cải tạo chính những khó khăn trong cuộc sống lao động.

Xuất phát điểm vốn là một thợ điện lạnh, nên những ngày đó, trong quá trình làm việc, anh đã biết tận dụng các linh kiện máy móc không sử dụng được, đưa vào lắp ghép, chế tạo thành một cái máy khác, có tính ứng dụng cao hơn.

Ban đầu, anh sử dụng lò xo đốt 2 mặt trong máy điều hòa chế thành máy sưởi ấm trong phòng, hay lò sưởi ấp gà hoặc khi mua máy làm nước đá về, thấy thời gian để làm một mẻ đá quá lâu, mất đến 12h, “cái khó” đã ló “cái khôn”, anh nghĩ cách chế lại cái máy đó, rút ngắn thời gian xuống còn 8h/mẻ.

Từ những chiếc máy còn thô sơ thuở ban đầu, dần dần, sau thời gian tự mày mò nghiên cứu, anh đã chế ra những chiếc máy phức tạp hơn như máy cẩu quay 360 độ, máy diệt chuột, máy tuần hành đường sắt... Anh Lâm bảo, tất cả những sáng chế đó đều xuất phát từ việc phải khắc phục khó khăn trong sản xuất, đáp ứng nhu cầu cần thiết của cuộc sống.

Sáng chế xe xúc lật 180 độ của anh Đặng Thanh Lâm.
Sáng chế xe xúc lật 180 độ của anh Đặng Thanh Lâm.

Anh Đặng Thanh Lâm là một trong rất nhiều những nông dân của tỉnh ta có niềm đam mê đặc biệt đối với sáng chế kỹ thuật phục vụ sản xuất. Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật nhà nông năm 2014 đã chọn được ba giải pháp tiêu biểu. Đến năm 2015, toàn tỉnh đã chọn ra 6 giải pháp để trao giải với 1 giải nhì, 1 giải ba và 4 giải khuyến khích. Tất cả họ đều là những người nông dân chân chất, sinh ra từ đồng ruộng và những sáng kiến của họ cũng quay lại phục vụ cho chính cuộc sống mưu sinh của mình. Đó là ông Trần Ngọc Vy (Bắc Nghĩa, Đồng Hới) với “Lò ấp trứng cải tiến sáng chế từ tủ lạnh hỏng”, ông Trần Đình Tĩnh (Thanh Trạch, Bố Trạch) với “Tàu đánh bắt xa bờ bằng chất liệu FRP kết hợp với gỗ”, ông Phạm Xuân Hùng (Quảng Liên, Quảng Trạch) với sáng kiến “Vườn ươm cây giống lâm nghiệp”... Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Hợp ( Quảng Thủy, Quảng Trạch) tự sáng chế và lắp đặt máy gặt đập liên hoàn phục vụ sản xuất nông nghiệp, vinh dự được UBND tỉnh tặng bằng khen.

Theo ông Mai Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thì say mê sáng tạo là thế nhưng con đường sáng tạo của những người nông dân chân đất ấy vẫn còn quá gập ghềnh. Chặng đường đi của sáng kiến kỹ thuật từ suy nghĩ đến khi áp dụng vào thực tiễn cũng còn quá xa xôi. Ông Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thẳng thắn nhìn nhận rằng người nông dân tạo ra các sản phẩm hoàn toàn bằng công sức, tiền của, phương tiện của mình với các loại thiết bị đơn giản, chủ yếu là tận dụng các thiết bị cũ, nguyên vật liệu tự chế, tái sử dụng, với kỹ thuật cơ khí thấp, do vậy máy móc được tạo ra còn thô sơ, thiếu đồng bộ nên rất khó để có thể sản xuất đại trà.

Một trong những trở ngại hiện hữu mà những người nông dân này thường xuyên gặp phải đó là họ gặp khó khăn trong quá trình viết, trình bày sản phẩm ra giấy, trong khi các cuộc thi sáng tạo KHKT hay thủ tục cấp bằng sáng chế đều cần phải có hồ sơ hoàn chỉnh, rõ ràng. Vậy nên, khi hồ sơ không được trình bày chi tiết, cụ thể và bài bản, những sáng kiến của người nông dân khó có thể được ghi nhận đúng mức.

Những năm qua, Hội Nông dân các cấp luôn tích cực vận động hội viên sáng tạo về khoa học - kỹ thuật phù hợp với thực tiễn sản xuất của địa phương. Tại nhiều cuộc thi sáng tạo KHKT cấp tỉnh đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình say mê sáng chế. Tuy chưa được sử dụng đại trà nhưng những sáng kiến của họ đã góp phần cải tạo điều kiện sản xuất, nâng cao năng suất lao động. Theo ông Mai Văn Ngọc, trong thời gian tới, Hội sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể khuyến khích nông dân đẩy mạnh sáng tạo trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh. Hội cũng sẽ có phương án hỗ trợ đối với những sáng kiến có tiềm năng để hoàn thiện những sáng tạo, sáng chế này.

Ngoài việc được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn, các chính sách ra thì những người nông dân như anh Lâm, ông Vy, ông Hợp... phải thành lập các hội sáng chế, các CLB sáng chế tại các địa phương, từ xã đến tỉnh. Đó sẽ là sân chơi trí tuệ để họ học hỏi được kinh nghiệm lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong việc đưa những sản phẩm mới ra với thị trường tiêu dùng. “Hiện tại, mình đã ấp ủ thành lập CLB các nhà sáng chế không chuyên huyện Lệ Thủy, tập hợp được 12 người, trong đó, có không ít người đã đạt được giải tại các cuộc thi sáng tạo trẻ, nhưng từ việc ấp ủ đến thành hiện thực thì còn gian nan lắm”, anh Đặng Thanh Lâm trăn trở.

Ngọc Minh