.

Nuôi cua đồng, hướng thoát nghèo cho người dân Minh Hóa

Thứ Tư, 22/06/2016, 09:02 [GMT+7]

(QBĐT) - Từ lâu, cua đồng được xem là món ăn dân dã được nhiều người ưa chuộng, bởi cua đồng giàu can xi, tốt cho sức khỏe mọi người, nhất là người già và trẻ em. Nắm bắt được nhu cầu này, vừa qua, Trạm khuyến nông Minh Hóa đã phối hợp với xã Xuân Hóa triển khai mô hình nuôi cua đồng thương phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn Minh Hóa, cua đồng chủ yếu được tập trung khai thác ở trong môi trường tự nhiên như sông, hồ, ao, ruộng lúa. Thế nhưng, do khai thác nhiều nên cua đồng trong tự nhiên ngày càng ít đi. Cũng chính vì vậy mà trên thị trường, cua đồng hiện có giá bán tương đối cao. Tuy nhiên, ở Minh Hóa, việc nuôi cua đồng để tiêu thụ và kinh doanh dường như còn là điều mới lạ của bà con nông dân.

Nhằm giúp người dân huyện Minh Hóa nói chung và người dân ở xã Xuân Hóa nói riêng có thể tận dụng, khai thác tiềm năng điều kiện tự nhiên và giải quyết việc làm cho người dân trong vùng, năm 2015, Trạm khuyến nông huyện Minh Hóa đã triển khai mô hình nuôi cua đồng thương phẩm tại 2 hộ ông Đinh Hùng, thôn Quy Hợp 2 và ông Đinh Xuân Tới, thôn Quy Hợp 3, xã Xuân Hóa. Hai hộ được chọn để nuôi thử nghiệm này đều đạt tiêu chuẩn về điều kiện năng lực lao động, có khả năng đối ứng về vốn, ruộng nuôi bảo đảm diện tích 1.000m2 và nhiệt tình khi tham gia thực hiện mô hình.

 Mô hình nuôi cua đồng thương phẩm tại xã Xuân Hóa, Minh Hóa.
Mô hình nuôi cua đồng thương phẩm tại xã Xuân Hóa, Minh Hóa.

Sau khi được chọn, 2 hộ ông Hùng và ông Tới đã tiến hành cải tạo ruộng nuôi và tuân thủ các kỹ thuật nuôi của các cán bộ Trạm khuyến nông hướng dẫn. Trong quá trình nuôi và chăm sóc, cua đồng thích nghi và phát triển nhanh. Mỗi ngày, cua đồng chỉ ăn hai lần vào buổi sáng và buổi chiều tối. Trong những tháng cuối chu kỳ nuôi, cua đồng phát triển nhanh hơn nên tăng thêm thức ăn để cua lớn nhanh và chắc thịt.

Sau thời gian nuôi (từ tháng 8-2015 đến tháng 5-2016), hai hộ gia đình ông Tới và ông Hùng đã có hai vụ thu hoạch cua đồng. Trong vụ thu hoạch đầu, do trong khoảng thời gian tháng 2- 2016, thời tiết diễn biến phức tạp, ban đêm nhiệt độ hạ xuống thấp nên một số cua đồng bị chết. Tỷ lệ sống vụ 1 đạt 80%, vụ thứ 2 là 90%. Với giá bán cho các thương lái là 55.000 đồng/kg, vụ 1 cả hai hộ đạt doanh thu hơn 46.000.000 đồng, vụ 2 là hơn 52.000.000 đồng. Số cua đồng được chọn làm giống trong vụ sắp tới là 6.000.000 đồng. Như vậy, tổng doanh thu 2 vụ là trên 105.000.000 đồng.

Tuy nhiên, theo cán bộ Trạm khuyến nông huyện Minh Hóa cho biết: Do đây là mô hình mới, các hộ tham gia nuôi thử nghiệm còn thiếu kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc nên chưa chủ động về thức ăn cho cua. Trong 2 vụ nuôi, thức ăn của cua đồng đa số là được mua từ nơi khác đến nên giá thành tương đối cao. Chính vì vậy, lợi nhuận thu được của hai hộ nuôi sau khi trừ chi phí sản xuất mang lại chưa thật sự cao. Mặc dù vậy, theo đánh giá của các cán bộ Trạm khuyến nông huyện Minh Hóa, trong những vụ nuôi sau, khi người dân đã có kinh nghiệm, nguồn thức ăn có thể chủ động tận dụng những phụ phẩm nông nghiệp sẵn có thì lợi nhuận mang lại sẽ cao hơn hẳn.

Có thể nói, cua đồng là loài dễ nuôi và ít dịch bệnh, cho giá trị kinh tế cao. Cua đồng là loài ăn tạp, thức ăn của chúng rất đa dạng và có giá thành rẻ như cá tạp, ốc, bèo, cám gạo, khoai lang...  Đặc biệt, khi nuôi cua đồng trong ruộng hoặc ao nuôi có thể kết hợp nuôi trồng thêm các loại khác như thả thêm cá rô phi hay cá rô đồng để tận dụng nguồn thức ăn thừa của cua, vừa giảm sự ô nhiễm cho môi trường nước vừa nâng cao kinh tế. Thực tế, đã có rất nhiều địa phương ở phía Bắc và phía Nam nước ta triển khai nuôi cua đồng thương phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong thời gian tới, để mô hình nuôi cua đồng thương phẩm ở Xuân Hóa đạt hiệu quả hơn, thì việc quan tâm hỗ trợ hơn nữa của các sở, ngành liên quan về giống tốt, thức ăn, đầu ra, chuyển giao kỹ thuật...sẽ giúp cho người dân yên tâm để nuôi trồng.

Đ.N