.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp và y tế: Thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện an sinh xã hội

Thứ Hai, 30/05/2016, 16:41 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế ở tỉnh ta đã đạt được một số thành tựu nhất định. Những kết quả này đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện an sinh xã hội.

Xác định phát triển KH-CN là nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, công tác quản lý thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và y tế đã luôn bám sát vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong nông nghiệp, nhờ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi nên cơ cấu giống lúa, các loài vật nuôi đã có những bước tiến mới. Đáng chú ý là vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai đề tài khoa học “Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật theo hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI) phù hợp với biến đổi khí hậu trong sản xuất lúa chất lượng tại Quảng Bình”.

Đề tài đã triển khai thí nghiệm về lượng giống gieo, tổ hợp phân bón, quản lý nước cho hai giống lúa chất lượng theo SRI trên vùng đất chủ động nước và không chủ động nước trong vụ hè-thu năm 2014, đông-xuân 2015 tại xã An Ninh (Quảng Ninh), xã Đại Trạch (Bố Trạch). Qua đánh giá các thí nghiệm tại 2 xã An Ninh và Đại Trạch cho thấy, kỹ thuật SRI đã tác động tích cực đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Số nhánh đẻ, số hạt chắc trên bông và số bông trên m2 cao, năng suất vượt 20-25% so với đối chứng; sâu bệnh hại ít phát sinh, chỉ phun thuốc trừ sâu bệnh 1 lần/1 vụ nên có thể bảo đảm an toàn về môi trường và sản phẩm lúa gạo. Đặc biệt canh tác lúa SRI mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Sản xuất lúa theo kỹ thuật SRI mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sản xuất lúa theo kỹ thuật SRI mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong chăn nuôi, việc triển khai lai tạo đàn bò cũng được quan tâm thực hiện trong những năm gần đây. Với đề tài khoa học "Nghiên cứu khả năng sinh sản khi lai giữa các giống bò đực hướng thịt: Brahman trắng, Droughtmaster với bò cái lai Zebu và khả năng sinh trưởng phát triển của con lai F1 tại Quảng Bình", do Trung tâm giống vật nuôi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện đã giúp cho số lượng đàn bò lai trên địa bàn tỉnh ta liên tục tăng lên. Trong quá trình thực hiện, đề tài đã lựa chọn 60 bò cái để phối giống, trong đó có 36 con tại Trại bò Phương Hạ thuộc Trung tâm giống vật nuôi và 24 con phân tán trong dân. Đề tài đã tiến hành theo dõi đánh giá các chỉ tiêu: tỷ lệ phối giống có chửa, đặc điểm ngoại hình, thể chất của bê lai F1, khả năng sinh trưởng, thích nghi của 21 bê lai F1. Ngoài ra, đề tài còn hỗ trợ thức ăn tinh, thô xanh, vắcxin, thuốc thú y cho các hộ với 150 con và cấp phát cho 6 huyện, thị xã 60 liều tinh Branman trắng ngoại.

Cùng với ngành Nông nghiệp, trong những năm qua, ngành Y tế cũng đã đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác y tế dự phòng, khám chữa bệnh. Hiện nay, phẫu thuật lấy thể thủy tinh đục và thay thế bằng thể thủy tinh nhân tạo là phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bệnh đục thể thủy tinh, đặc biệt với loại thể thủy tinh đa tiêu cự có thể giúp bệnh nhân sau mổ đục thể thủy tinh có thị lực vừa nhìn gần, vừa nhìn xa rất tốt. Để có thể đánh giá tính hiệu quả sau khi sử dụng loại thể thủy tinh này, Trung tâm phòng chống bệnh xã hội tỉnh đã nghiên cứu đề tài "Chất lượng thị giác sau ứng dụng đặt thể thủy tinh nhân tạo đa tiêu điều trị đục thể thủy tinh", từ tháng 8-2015, đến nay đã áp dụng cho 32 bệnh nhân. Tất cả các bệnh nhân được phẫu thuật bởi cùng một phẫu thuật viên đã được cấp chứng chỉ phẫu thuật viên Phaco, tuân thủ theo đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật. Bệnh nhân được khám và theo dõi trong vòng 3 tháng sau phẫu thuật. Trong mỗi lần khám sẽ tiến hành đánh giá tình trạng mắt, ghi nhận biến chứng, đo thị lực...

Cùng với đề tài này, năm 2015, để đánh giá kết quả sau 10 năm thực hiện dự án phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt được triển khai trên phạm vi cả nước, Trung tâm phòng chống Sốt rét - Nội tiết tỉnh đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu tình trạng thiếu i-ốt tại tỉnh Quảng Bình năm 2015-2016”. Đề tài đã tiến hành khảo sát về muối i-ốt tại 30 điểm trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức khám lâm sàng và siêu âm tuyến giáp cho những trẻ được chọn để xác định tỉ lệ bướu cổ và các rối loạn do thiếu hụt i-ốt khác. Đề tài cũng đã tiến hành lấy mẫu nước tiểu của trẻ em trong danh sách thăm khám bướu cổ để xét nghiệm định lượng i-ốt niệu cho đánh giá mức độ thu nhận i-ốt. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định tỷ lệ sử dụng muối i-ốt, chế phẩm iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh của từng vùng, nhằm đánh giá tình trạng thiếu i-ốt trên địa bàn tỉnh ta. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp để phòng chống các rối loạn do thiếu i-ốt gây ra.  

Có thể nói, việc triển khai và đưa những nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao giá trị kinh tế của sản phẩm, giúp người nông dân nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao trong y tế giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc người dân, từ đó thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

P.V