.

Thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm nông nghiệp: Những vấn đề đặt ra

Thứ Năm, 24/12/2015, 10:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm gần đây, quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở tỉnh ta có nhiều tiến bộ. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, hàng hóa và áp dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản tăng nhanh. Tuy nhiên, công nghệ sau thu hoạch của các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn áp dụng biện pháp thủ công truyền thống khiến chất lượng không cao.

Phương pháp thủ công

Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có 57,5% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Với phương pháp này, lúa được cắt và tuốt ngay trong máy, trong khi đó, 42,5% diện tích lúa và 100% diện tích ngô và lạc được thu hoạch hoàn toàn bằng thủ công. Phương pháp thủ công khiến cho thời gian và công sức của người nông dân bị tiêu tốn gấp đôi so với việc sử dụng máy móc. Qua khảo sát, để thu hoạch xong một sào lúa bằng phương pháp gặt thủ công thì phải mất một ngày, với chi phí 300.000-400.000 đồng/công lao động. Cũng với diện tích đó, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp chỉ mất 10-15 phút với chi phí 150.000-180.000 đồng.

Với phương pháp thủ công, quá trình thu hoạch lúa, ngô, lạc có thể xảy ra tình trạng bỏ sót hoặc bị rơi vãi trong quá trình vận chuyển. Bên cạnh đó, các khâu phơi sấy và bảo quản các loại nông sản này cũng được thực hiện hoàn toàn bằng thủ công.  Hầu hết, lúa, ngô, lạc sau khi được thu hoạch đều được phơi khô nhờ ánh nắng mặt trời và được phơi trên sân, nong, nia và ngay trên đường. Sau khi được phơi sấy, các nông sản được bảo quản trong các bao PP và bồ, sập gỗ hay thùng phi của các hộ gia đình. Phương pháp bảo quản truyền thống này là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ nhiễm nấm mốc và vi sinh vật hiếu khí của lúa, ngô, lạc, khiến chất lượng nông sản vì thế giảm sút.

Phơi sấy lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết khiến chất lượng lúa bị giảm sút.
Phơi sấy lúa phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết khiến chất lượng lúa bị giảm sút.

Không chỉ công nghệ sau thu hoạch của các sản phẩm nông sản được thực hiện bằng các biện pháp thủ công, truyền thống, đối với việc bảo quản, chế biến cá, mực sau khi đánh bắt cũng được thực hiện bằng phương pháp truyền thống này. Cá, mực sau khi khai thác được sơ chế, phân loại và đưa vào bảo quản trên tàu. Theo kết quả điều tra, hiện nay các tàu khai thác xa bờ ở tỉnh ta đều sử dụng đá xay để bảo quản, chưa có tàu nào sử dụng công nghệ cấp đông. Tỉ lệ đá để bảo quản chủ yếu theo cảm tính và kinh nghiệm chứ chưa có tính toán về thất thoát nhiệt. Một số tàu còn sử dụng phương thức phơi cá, mực khô trên biển hoặc sử dụng muối để bảo quản. Thời gian bảo quản trung bình mỗi tàu khoảng 10 ngày, có tàu 2 tuần. Bằng những cách bảo quản này, chất lượng sản phẩm đánh bắt được sẽ không còn tươi ngon và bảo đảm chất lượng.

Đối với việc giết mổ và chế biến gia súc, toàn tỉnh có khoảng 582 cơ sở giết mổ lợn, trâu bò, trong đó, 4 cơ sở giết mổ lợn tập trung (chiếm 0,7%), 578 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nằm phân tán ở các khu dân cư (chiếm 99,3%). Qua khảo sát, những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh thì hầu hết các công đoạn giết mổ được thực hiện ngay trên nền nhà, nên sản phẩm thịt rất dễ bị nhiễm vi sinh vật. Thịt lợn, bò được chế biến thành các món ăn như nem, chả sử dụng công nghệ chế biến hoàn toàn thủ công, chưa có sự đầu tư về máy móc. Bên cạnh đó, hiện tượng sử dụng chất cấm trong chế biến cũng rất phổ biến.

Giải pháp những mô hình công nghệ

Có thể nói, thực trạng thu hoạch, bảo quản và chế biến một số sản phẩm nông nghiệp bằng phương pháp thủ công, truyền thống đã ảnh hưởng rất lớn đến giá trị, chất lượng và giá thành các sản phẩm nông sản. Để tìm ra những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này vừa qua, Chi cục Phát triển nông thôn đã tiến hành thực hiện đề tài nghiên cứu thực trạng và xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến một số sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh ta.

Theo bà Võ Thị Bích Thảo, chủ nhiệm đề tài thì dựa trên việc đi sâu tìm hiểu thực trạng thu hoạch, bảo quản, chế biến một số sản phẩm nông nghiệp ở tỉnh ta, đề tài đã nghiên cứu và đưa ra những mô hình ứng dụng công nghệ thay thế cho những phương pháp thủ công hiện nay. Đối với các nông sản như lúa, ngô, lạc để đạt được năng suất, chất lượng cao cần đẩy mạnh việc đưa những thiết bị hiện đại vào sản xuất như máy tách hạt ngô, máy bứt lạc nhằm giảm sức lao động, thời gian cho người nông dân. Ở khâu phơi sấy, với lúa, dịp thu hoạch vụ hè-thu nằm trong mùa mưa bão nên quá trình phơi sấy truyền thống dễ bị ảnh hưởng. Nếu lúa không được phơi sấy kịp thời sẽ làm giảm hàm lượng các chất trong hạt lúa. Chính vì vậy, có thể sử dụng máy sấy SH-200 của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ, với công suất 2-2,5 tấn/mẻ. Trong thời gian bảo quản, người dân có thể sử dụng công nghệ Silo, đây là giải pháp bảo quản vừa chiếm ít diện tích và rất linh hoạt.

Trong bảo quản, chế biến cá, mực sau khi đánh bắt thì công nghệ làm hầm bảo quản sử dụng vật liệu cách nhiệt Poly Urethane (PU) được xem là một trong những công nghệ bảo quản tốt và phù hợp với đánh bắt cá xa bờ. Công nghệ này có ưu điểm lớn là độ kín cao, truyền nhiệt tốt, giữ nhiệt lâu và dễ dàng vệ sinh. Hiện cách bảo quản sử dụng nhiệt PU đang được sử dụng phổ biến trên thế giới với các tỉnh phía Nam ở nước ta. Đối với việc giết mổ và chế biến lợn nên áp dụng mô hình giết mổ treo làm giảm nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh. Đây là mô hình mà tất cả các công đoạn như: gây choáng, thọc huyết, nhúng nước sôi, cạo lông và mổ thịt đều được thực hiện bằng dây chuyền treo. Mô hình áp dụng sẽ góp phần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để giúp người nông dân từng bước thực hiện được điều này thì   từng bước cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện để người nông dân và thành phần kinh tế tiếp cận được các nguồn vốn để áp dụng công nghệ thu hoạch, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

Đ.N