.

Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã đi vào chiều sâu

Thứ Năm, 15/10/2015, 10:10 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2015, các mô hình, ứng dụng tiến bộ KH và CN đã được triển khai thực hiện, thúc đẩy các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN đã được tổ chức triển khai xây dựng và nhân rộng, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Cùng với việc tiếp tục duy trì quản lý một số mô hình đã được triển khai từ năm 2014, năm 2015, Sở KH và CN triển khai thực hiện nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH và CN mới. Trong lĩnh vực trồng trọt, hoạt động ứng dụng tiến bộ kỹ thuật tập trung vào việc tuyển chọn, chuyển giao trồng thử nghiệm nhiều giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao. Qua thực tiễn sản xuất đã khẳng định một số cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai ở địa phương.

Mô hình vườn ươm giống cây keo lai giâm hom tại thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa, huyện Tuyên Hóa được triển khai năm 2014 do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH và CN tỉnh chủ trì thực hiện. Diện tích trồng cây đầu dòng 2.000m2, số lượng 3.500 cây; số lượng cây giống sản xuất phục vụ mô hình: 1 vạn hom. Chủng loại cây keo lai được chọn làm giống là BV10, BV32. Trong quá trình triển khai, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH và CN đã trực tiếp hướng dẫn cho các hộ dân và cán bộ tham gia mô hình về kỹ thuật giâm hom, xây dựng khu vườn ươm bảo đảm kỹ thuật, sử dụng giống cây đời F1 có nguồn gốc rõ ràng để tạo dựng vườn cây mẹ.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình bước đầu đã thu được kết quả, cây giống có chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, độ đồng đều cao, duy trì được tính ưu việt của cây mẹ, năng suất có thể đạt 43-45m3/ha. Thời gian thu hoạch được rút ngắn từ 7-8 năm xuống còn 5-6 năm. Mô hình thành công sẽ hình thành nghề nhân giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp giâm hom, sử dụng được lao động nhàn rỗi ở nông thôn, tạo nghề mới góp phần đa dạng hoá ngành nghề ở nông thôn. Nghề trồng rừng phát triển sẽ góp phần làm giàu rừng, phục hồi đa dạng sinh học và tạo môi trường sinh thái, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và góp phần xoá đói giảm nghèo cho nông dân, nhất là nông dân ở vùng đồi núi.

Mô hình vườn ươm giống cây keo lai giâm hom tại Tuyên Hóa.
Mô hình vườn ươm giống cây keo lai giâm hom tại Tuyên Hóa.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện nhiệm vụ KH và CN: "Nghiên cứu trồng thử nghiệm cây ba kích dưới tán cây cao su". Cây ba kích có nguồn gốc chủ yếu từ tự nhiên, là dược liệu quý, được dùng chữa phong thấp, cước khí, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau, có tác dụng bổ trí não và huyết áp cao... Hiện nay, cây ba kích đã được nhân giống và trồng ở nhiều địa phương trên cả nước như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Quảng Nam... Trên thị trường giá ba kích khá cao.

Mô hình được triển khai trên diện tích 1ha dưới tán cao su tại xã Hoà Trạch, huyện Bố trạch, trong đó 0,5ha trồng dưới tán cây cao su bị đổ, gãy do bão gây ra và 0,5ha trồng dưới tán cây cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản. Bước đầu, mô hình đã xây dựng hệ thống tưới, trồng được 2.000 cây dưới tán cây cao su bị gãy đổ do bão số 10 năm 2013, làm giàn che nắng, cắm cọc cho cây leo. Số cây mới trồng đã bám rễ, bám cọc và phát triển tốt. Từ mô hình trồng thử nghiệm cơ quan chủ trì sẽ theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, giá trị sử dụng, tính phù hợp của cây ba kích khi được trồng xen canh dưới tán cây cao su.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Sở Khoa học và Công nghệ giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa chủ trì thực hiện mô hình: "Nuôi cá lăng chấm thương phẩm trên địa bàn huyện Tuyên Hóa". Cá lăng chấm là giống cá đặc sản nước ngọt, có giá trị kinh tế cao được các tỉnh miền núi phía Bắc nuôi thành công. Quảng Bình là một trong những tỉnh miền Trung đã di nhập và tổ chức nghiên cứu nuôi thử nghiệm thành công sinh sản nhân tạo giống cá lăng chấm và nuôi thương phẩm thành công trong ao đất ở địa bàn huyện Bố Trạch. Ở Tuyên Hóa, mô hình đã chọn 4 hộ nuôi cá lồng tại xã Châu Hóa, mỗi hộ một lồng có thể tích 18m3 và chọn 4 hộ nuôi cá ao đất tại xã Sơn Hóa, với diện tích mỗi ao là 500m2. Các hộ tham gia mô hình đã được tập huấn kỹ thuật nuôi cá lăng chấm thương phẩm, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật theo yêu cầu. Qua quá trình nuôi cho thấy, đàn cá lăng chấm khỏe mạnh, da bóng, kích cỡ đồng đều, tỷ lệ sống 90%. Hiện tại, cá nuôi trong lồng phát triển tốt hơn so với cá nuôi trong ao đất. Sau một năm, trọng lượng bình quân cá nuôi lồng đạt trên 2kg/con.

Theo ông Phan Thanh Nghiệm, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, Sở KH và CN đã phối hợp với các cơ quan thực hiện xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhiều tiến bộ ứng dụng đã góp phần đa dạng hóa các cây trồng vật nuôi. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp, nắm bắt những ứng dụng khoa học mới đưa về triển khai, áp dụng tại địa phương.

Có thể nói, hoạt động ứng dụng tiến bộ KH và CN năm 2015 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các mô hình KH và CN đã đáp ứng nhu cầu thực tiễn, giải quyết được những vấn đề bức thiết của từng địa phương. Thông qua các mô hình KH và CN đã giúp người dân chuyển đổi được nhận thức, coi tiến bộ KH và CN là nguồn lực thiết thực giúp họ xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới gắn với cơ chế thị trường. Đồng thời, với việc đưa các tiến bộ KH và CN về cơ sở đã khai thác tốt các lợi thế, tiềm năng cũng như phát huy tối đa các nguồn lực trên địa bàn tỉnh. Để các mô hình ứng dụng KH và CN ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và của tỉnh, cần phải tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ, gắn việc ứng dụng khoa học và công nghệ với sản xuất và đời sống cũng như nhu cầu xã hội, từng bước tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Đ.Nguyệt