.

Nhà mạng sẽ áp dụng chuyển mạng giữ nguyên số từ năm 2017

Thứ Năm, 01/10/2015, 09:36 [GMT+7]

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ được thực hiện từ đầu năm 2017 nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nhà mạng sẽ áp dụng chuyển mạng giữ nguyên số từ đầu năm 2017 (Nguồn: TTXVN)
Nhà mạng sẽ áp dụng chuyển mạng giữ nguyên số từ đầu năm 2017 (Nguồn: TTXVN)

Theo Cục Viễn thông, việc kết nối kỹ thuật với 3 nhà mạng (Viettel, MobiFone, VNPT) sẽ được thực hiện thử nghiệm vào tháng 12-2015.

Trên cơ sở của thử nghiệm kỹ thuật sẽ xây dựng quy trình khai thác, đặc biệt là quy trình kỹ thuật quy định trách nhiệm của từng doanh nghiệp, từ đó các doanh nghiệp sẽ đưa ra quy trình của mình đối với khách hàng. Tháng 12-2015, Cục Viễn thông sẽ hoàn tất việc xây dựng hệ thống dữ liệu tập trung để đưa vào chạy thử.

Vì vậy, các doanh nghiệp di động có thể kết nối kỹ thuật về Cục Viễn thông để chuẩn bị cho việc áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số.

Năng lực hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ cho chính sách chuyển mạng giữ nguyên số có thể đáp ứng cho 4 triệu thuê bao chuyển mạng trong 3 năm và không giới hạn số lần chuyển mạng.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, với việc tham gia của 3 nhà mạng lớn thì đã có hơn 90% thuê bao di động của Việt Nam được hưởng chính sách này. Nếu nhà mạng nào không thực hiện kịp, Bộ sẽ công bố công khai để khách hàng biết và doanh nghiệp nào chưa thực hiện được, vào sau thì sẽ theo các chính sách chung khi tham gia sau này.

Về cơ bản, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ áp dụng chính sách quản lý để điều tiết việc chuyển mạng giữ nguyên số là thời gian được chuyển mạng của thuê bao và phí chuyển đổi. Bộ sẽ căn cứ tình hình thực tế để điều chỉnh chính sách. Ví dụ, một thuê bao vừa chuyển mạng giữ nguyên số thì sau 90 ngày mới được chuyển sang mạng khác.

Chính sách này sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, nhưng nhà mạng luôn phải đầu tư dung lượng dư thừa. Trung bình trên thế giới khi áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số sẽ có 1% - 5% khách hàng chuyển đổi và những đối tượng chuyển đổi thường là khách hàng không hài lòng với nhà mạng.

Về mặt nguyên tắc, Bộ bảo đảm cho khách hàng có nhu cầu thì phải để cho họ chuyển mạng, nhưng khi áp dụng sẽ tính toán để có quy định cụ thể, tránh việc các thuê bao chuyển mạng để hưởng khuyến mại.

Dự kiến quy trình chuyển mạng di động giữ nguyên số gồm 7 bước: tiếp nhận yêu cầu chuyển mạng; Kiểm tra điều kiện chuyển mạng của thuê bao; lập lịch chuyển mạng; thực hiện chuyển mạng; cập nhật thông tin định tuyến sau chuyển mạng; đồng bộ cơ sở dữ liệu thông tin định tuyến và thông tin thuê bao chuyển mạng; thông báo cho khách hàng thông tin về quá trình chuyển mạng.

Đề xuất chuyển mạng di động không cần đổi số được Bộ Bưu chính Viễn thông cũ nay là Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập từ cuối năm 2006. Tuy nhiên, đến tháng 9-2013, đề án triển khai mới chính thức được phê duyệt. Theo đó, người dùng có khả năng tự lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ cho mình mà không phải thay đổi số điện thoại.

Quyết định trên giúp nâng cao tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường viễn thông và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Đến nay, trên thế giới có khoảng 70 quốc gia cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số, trong đó chủ yếu là các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia...

Tại Việt Nam, các hãng viễn thông từng áp dụng hình thức đơn giản hơn để khuyến khích khách hàng sử dụng dịch vụ của mình.

Chẳng hạn, tại thời điểm mới tham gia thị trường, Viettel cho phép thuê bao đầu 091 (VinaPhone) và 090 (MobiFone) được chuyển sang mạng 098 mà vẫn giữ nguyên được dải 7 số cuối, nghĩa là khách hàng chỉ việc thay đổi mỗi đầu số 091 sang 098 hoặc từ 090 sang 098.../.

Theo Xuân Tùng (TTXVN/Vietnam+)