.
Làng Thanh niên lập nghiệp Trường Xuân (Quảng Ninh):

Đưa giống cây phật thủ vào trồng thử nghiệm

Thứ Năm, 18/06/2015, 10:57 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhằm giúp cho các hộ di dân tham gia lập nghiệp ở xã Trường Xuân tìm ra được giống cây trồng phù hợp với điều kiện địa phương lại cho hiệu quả kinh tế cao, Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế tỉnh đã đề xuất thực hiện “mô hình trồng cây phật thủ”. Sau một thời gian trồng thử nghiệm, cây phật thủ đã cho thu hoạch và hứa hẹn sẽ là một trong những hướng phát triển kinh tế của bà con nơi đây.                                                

Làng thanh niên lập nghiệp xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh có diện tích 1.363ha. Hiện nay, làng có 42 hộ di dân tham gia lập nghiệp và bước đầu đã ổn định được cuộc sống. Nhìn chung, kinh tế của nhiều hộ dân nơi đây chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng nhiều mô hình sản xuất phát triển kinh tế mà quy mô và số lượng cây trồng vật nuôi của làng ngày càng phát triển mạnh.

Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ các mô hình chưa cao, đặc biệt là trồng trọt. Nguyên nhân chủ yếu là do việc lựa chọn một số giống cây trồng của các hộ dân chưa thực sự phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của vùng dẫn đến năng suất, hiệu quả kinh tế thấp. Hiện một số loại cây trồng được phát triển hầu hết đều có thời gian thu hoạch tương đối dài và vốn đầu tư ban đầu lớn. Chính vì thực tế này mà việc tìm ra giống cây trồng phù hợp với điều kiện vùng, vốn đầu tư thấp nhưng có hiệu quả kinh tế cao là việc làm rất cần thiết và quan trọng.

Nhận thấy cây phật thủ là cây có nhiều giá trị kinh tế lại dễ trồng và có khả năng phù hợp với điều kiện vùng, Tổng đội Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế tỉnh đã đề xuất thực hiện “Mô hình trồng cây phật thủ tại làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân”. Mô hình nhằm thử nghiệm sự phù hợp của cây phật thủ với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại làng.

Cây phật thủ trên đất Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân
Cây phật thủ trên đất Làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân

Phật thủ là giống cây thuộc họ Rutaceae (họ cam), là giống cây bản địa của Trung Quốc, Nhật Bản. Trong đông y, quả phật thủ có tác dụng giảm đau, cầm máu, chữa các chứng ăn không tiêu, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạn sườn chướng đau, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng chức năng tiêu hóa... Tinh dầu quả phật thủ còn là nguyên liệu để sản xuất các loại bánh mứt kẹo, nước giải khát, thực phẩm dinh dưỡng cao cấp. Đặc biệt, với hình dáng quả trông giống như bàn tay Phật đang cầu nguyện đã mang lại cho quả phật thủ giá trị về mặt tâm linh cao và được người dân ưa chuộng trong việc thờ cúng tổ tiên, phật...

Theo anh Hoàng Mạnh Hùng, chủ nhiệm mô hình thì sau khi đánh giá và quy hoạch vùng đất trồng cây phật thủ, bước đầu đã tiến hành đưa 100 cây giống phật thủ vào trồng thử nghiệm ở ngoài trời và 30 cây trồng trong chậu từ tháng 9-2013. Những giống cây trồng này đều được mua từ Đắc Sở, Hoài Đức, Hà Nội. Kinh phí thực hiện mô hình này một phần dựa vào ngân sách của Sở Khoa học - Công nghệ.

Qua quá trình chăm sóc, theo dõi vườn phật thủ phát triển tốt. Trong 100 cây trồng ngoài trời, tỷ lệ sống cao 99%, cây trong chậu là 95%. Vụ thứ nhất, khoảng 50% cây ra hoa vào tháng 6, 7. Tuy nhiên, để đảm bảo sức sống cho cây, số cây ra hoa đậu quả đều được tiến hành cắt tỉa quả, chỉ để lại 1 quả/ cây. Số cây này đều cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Do thu hoạch vào dịp tết nên giá bán 1 quả là 120.000 đồng. Nhưng do số lượng quả ít nên doanh thu vụ thứ nhất chỉ đạt hơn 4.000.000 đồng. Hiện tại, vườn cây phật thủ có khoảng 70% cây ra hoa đậu quả. Năng suất đạt 10-15 quả/cây. Vụ thứ hai do thu hoạch không đúng dịp tết nên giá bán sẽ thấp hơn vụ trước, nhưng số lượng quả nhiều nên dự kiến doanh thu có thể sẽ đạt trên 60.000.000 đồng.

Mặc dù số lượng quả phật thủ đậu quả và cho thu hoạch chưa nhiều, nhưng việc cây phật thủ ra hoa và phát triển khỏe mạnh là tín hiệu tốt để tiến tới việc nhân rộng mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật ra các hộ xung quanh. Từ đó, giúp các hộ di dân tại làng thanh niên lập nghiệp Trường Xuân và đồng bào dân tộc Vân Kiều có hướng phát triển kinh tế mới. Tuy nhiên, bên cạnh việc nhân rộng và trồng cây phật thủ cũng cần tính đến nguồn đầu ra ổn định để không làm giảm hiệu quả kinh tế của loại cây này.

Đ.N