.

Lên men tỏi đen từ tỏi Quảng Hòa

Thứ Năm, 09/04/2015, 08:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, khi nhắc đến tỏi đen nhiều người dân vẫn còn khá lạ lẫm và rất tò mò với loại tỏi này. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, tỏi đen được xem như thảo dược quý bởi hàm lượng giá trị dinh dưỡng của nó cao gấp chục lần so với tỏi trắng. Ứng dụng công nghệ lên men này, một số sinh viên Trường đại học Quảng Bình đã tiến hành nghiên cứu lên men tỏi đen từ tỏi trắng Quảng Hòa. Phương pháp này hứa hẹn mở ra một hướng tiêu thụ mới cho tỏi Quảng Hòa.
 

Sản phẩm tỏi đen sau 35 ngày lên men.
Sản phẩm tỏi đen sau 35 ngày lên men.

Tâm sự về ý tưởng sử dụng tỏi trắng Quảng Hòa (Quảng Trạch) để thực hiện quá trình nghiên cứu lên men tạo thành tỏi đen, sinh viên Trần Thị Bích Ngọc, Khoa sư phạm Hóa, Trường đại học Quảng Bình cho hay: Tỏi Quảng Hòa lâu nay vẫn được nhiều người dân trong vùng biết đến là nông sản có chất lượng ngon không kém gì các loại tỏi có thương hiệu nổi tiếng hiện nay. Tuy nhiên, hiện nay, do tỏi Quảng Hòa chưa có thương hiệu, diện tích trồng nhỏ nên chưa được biết đến nhiều, vì vậy tỏi Quảng Hòa khi đem ra thị trường có giá thành tương đối thấp. Việc tìm đầu ra khó khiến cho nhiều hộ dân trồng tỏi ở Quảng Hòa dần chuyển sang trồng những cây mang lại kinh tế cao hơn. Diện tích trồng tỏi nơi đây vì thế có nguy cơ dần bị thu hẹp.

Trước thực tế này, với mong muốn tạo ra sản phẩm có giá trị từ tỏi Quảng Hòa và phần nào giúp người dân trồng tỏi nơi đây có hướng phát triển mới từ tỏi, Ngọc đã tự tìm hiểu tài liệu trên các trang mạng và được biết tỏi đen là thực phẩm quý. Ngoài chứa thành phần chất dinh dưỡng cao như vitamin, glicozit... thì tỏi đen còn có công dụng phòng, chữa bệnh hiệu quả như có thể chống bệnh ung thư, giảm cholesteron, tăng cường sức đề kháng và khả năng chống oxy hóa, nâng cao tuổi thọ, điều chỉnh nồng độ đường trong máu nhờ chứa hàm lượng các chất như S-allycysteine, S-methyl cysteine sulfoxide... Với những giá trị và tác dụng hữu ích của tỏi đen mang lại, Trần Thị Bích Ngọc đã quyết định chọn tỏi Quảng Hòa để tiến hành thử nghiệm lên men tỏi đen.

Sản xuất thử nghiệm rượu tỏi đen từ sản phẩm tỏi lên men của Trường đại học Quảng Bình.
Sản xuất thử nghiệm rượu tỏi đen từ sản phẩm tỏi lên men của Trường đại học Quảng Bình.

 Sau khi nghiên cứu các tài liệu liên quan, Ngọc đã tiến hành thử nghiệm lên men tỏi. Theo Ngọc, quy trình lên men tỏi đen không quá phức tạp. Tỏi Quảng Hòa sau khi mua về làm sạch bụi bẩn, bọc kín trong 1 đến 2 lớp giấy bạc rồi đặt vào trong nồi ủ. Ban đầu giữ nhiệt độ trong nồi khoảng 750C, sau đó hạ xuống mức 50-550C và duy trì nhiệt độ này trong vòng 35-55 ngày. Trong khoảng thời gian này cần thường xuyên bảo đảm đúng nhiệt độ, vì nếu nhiệt độ cao sẽ khiến cho tỏi bị khô, giòn. Còn nếu độ ẩm cao tỏi sẽ bị ướt. Sau 35- 45 ngày lên men đủ tiêu chuẩn thì sản phẩm thu lại được là tỏi đen khác hoàn toàn với tỏi trắng ban đầu. Tép tỏi có màu đen đặc trưng, vị chua ngọt, hơi dai và đặc biệt là không còn mùi hăng của tỏi. Với sản phẩm tỏi đen chỉ cần bảo quản trong điều kiện thoáng mát và có thể ăn ngay trực tiếp. Với sản phẩm tỏi đen thu được, qua tìm hiểu tài liệu Ngọc đã sử dụng tỏi đen nghiền nát rồi ngâm với rượu theo tỷ lệ 1:1. Sau 15 ngày ép lấy rượu cốt được sản phẩm rượu tỏi đen.

Mặc dù tỏi đen là thực phẩm quý và rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên nhiều người dân vẫn chưa hề biết đến sản phẩm tỏi đen này và không biết xuất xứ của nó là từ đâu. Được biết, ở nước ta lần đầu tiên tỏi đen được Học viện Quân y nghiên cứu quy trình lên men cũng như thành phần hóa học và tác dụng sinh học của tỏi đen trong đề tài cấp nhà nước. Loại tỏi được sử dụng chính để lên men là tỏi Lý Sơn. Trong khi đó, đối với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc thì tỏi đen được sử dụng khá phổ biến và được xem như thực phẩm tăng cường sức khỏe. Có thể nói, việc sử dụng tỏi trắng Quảng Hòa để lên men tạo thành tỏi đen của sinh viên Trường đại học Quảng Bình trong thời gian tới phần nào sẽ giúp nhiều người dân trong tỉnh biết đến loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này hơn.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Vượng, Trường đại học Quảng Bình: Đề tài nghiên cứu lên men tỏi đen của sinh viên Trần Thị Bích Ngọc mang tính khả thi và có tính ứng dụng cao bởi sản phẩm tỏi đen thực sự có ý nghĩa giá trị lớn đối với sức khỏe con người. Mặc dù đến tháng 5 đề tài mới nghiệm thu nhưng kết quả bước đầu của đề tài được đánh giá cao. Trong thời gian tới trường sẽ gửi dự án sản xuất tỏi đen lên Sở Khoa học & Công nghệ, nếu được chấp thuận trường sẽ đăng ký bản quyền và tiến hành sản xuất các sản phẩm từ tỏi đen và rượu tỏi đen...

Đ.Nguyệt