.

Đổi thay ở vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng

Thứ Tư, 08/04/2015, 08:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Bằng cách tạo cho những hộ dân nghèo các xã vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng có được kế sinh nhai ổn định từ việc nuôi trồng các loại nấm có giá trị kinh tế cao như nấm sò, nấm linh chi, Tổ chức GIZ đã giúp cho nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo bền vững. Bộ mặt nông thôn vùng đệm Phong Nha- Kẻ Bàng vì thế cũng đang khởi sắc từng ngày.

Vùng đệm vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng có 13 xã nằm tập trung chủ yếu ở các thung lũng và ven hai con sông Chày, sông Son. Nơi đây, trên 90% số hộ sống dựa vào nông nghiệp để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn tương đối lạc hậu, chưa được chú trọng đầu tư; canh tác nương rẫy vẫn còn rất phổ biến ở các thôn, bản có đất rừng và đất đồi núi; chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu trên các sông hồ, ao suối. Đặc biệt, nhiều xã nguồn thu nhập của người dân phụ thuộc vào khai thác các sản phẩm từ rừng như: săn bắt, lấy gỗ, song mây, cây thuốc... Đời sống kinh tế-xã hội của người dân vì vậy vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc nhiều hộ dân sống nhờ vào khai thác các nguồn lợi từ rừng quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng khiến cho việc bảo tồn vườn quốc gia gặp rất nhiều trở ngại.

Niềm vui của nhiều hộ dân nghèo khi được tiếp cận với mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu.
Niềm vui của nhiều hộ dân nghèo khi được tiếp cận với mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu.

Nhằm giúp cho những người dân nghèo các xã sống ở vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng có được công ăn việc làm ổn định để thoát nghèo bền vững, đồng thời hạn chế được việc khai thác các sản phẩm từ rừng, Tổ chức GIZ đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành khảo sát tình hình phát triển kinh tế, mức sống, nhu cầu việc làm của các hộ gia đình tại những xã thuộc vùng đệm.

Qua khảo sát ban đầu tại 3 xã Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch (Bố Trạch) đã cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở những địa phương này còn tương đối cao. Đa số đều sống chủ yếu bằng các nghề như: trồng trọt, chăn nuôi nhỏ lẻ, đi rừng... cuộc sống còn nhiều bấp bênh. Nhận thấy những địa phương này có nguồn lao động dồi dào lại rất cần cù, địa hình ở đây tương đối cao ít xảy ra ngập lụt rất phù hợp để phát triển nghề trồng nấm ăn và nấm dược liệu, GIZ đã phối hợp với một số cơ quan chức năng và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm ăn và nấm dược liệu ở quy mô hộ gia đình tại 3 xã Xuân Trạch, Phúc Trạch, Sơn Trạch.

Sau khi được chuyển giao công nghệ nuôi trồng nấm và được cấp số lượng bịch nấm, các hộ gia đình đã hồ hởi bắt tay vào khâu nuôi trồng, chăm sóc. Rất nhiều hộ sau khi được tập huấn đã tuân thủ đúng theo quy trình nên bước đầu đã thu được những kết quả khả quan. Điển hình có hộ anh Hoàng Hữu Thành, thôn 4, Xuân Trạch khi được giao 500 bịch nấm linh chi và 400 bịch nấm sò, sau hơn 4 tháng chăm sóc tỷ lệ bịch nấm bị hỏng do không thực hiện đúng quy trình là rất thấp. Trong số 500 bịch nấm linh chi chỉ có 43 bịch bị hỏng và chỉ 5 bịch nấm sò bị hư. Theo dự kiến, sắp tới nếu chăm sóc tốt gia đình anh sẽ thu hái được 12kg nấm linh chi, 115kg nấm sò.

Quá trình triển khai thực hiện mô hình trồng nấm tại các xã nói trên bước đầu đã có những kết quả đáng khích lệ. Tổng kết mô hình tại 3 xã đã sản xuất được 9.000 bịch nấm linh chi, 7.200 bịch nấm sò bán thành phẩm. Mặc dù với kinh nghiệm lần đầu sản xuất thử nghiệm nhưng đây được xem là kết quả tương đối hiệu quả.

Qua quá trình sản xuất, nhận thấy mô hình trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế nhiều hộ đã mạnh dạn bỏ thêm vốn đầu tư để mở rộng cơ sở sản xuất, nuôi trồng nấm như hộ gia đình anh Nguyễn Hữu Nghị, xã Phúc Trạch đã tự bỏ vốn sản xuất thêm 360 bịch nấm linh chi, hộ gia đình anh Trần Xuân Thành, xã Sơn Trạch đầu tư thêm 660 bịch nấm sò. Sản phẩm nấm sò tươi được bán ra thị trường tại các chợ như Phong Nha, Tróc trong 3 tháng vừa qua là 2.348,4kg, với giá bán (30-40.000 đồng/kg), bà con các xã đã thu về giá trị kinh tế là 81.476.000 đồng. Riêng đối với sản phẩm nấm linh chi hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch dự kiến trong thời gian tới sẽ được bán ra các thị trường lân cận.

Mặt khác, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Quảng Bình sẽ thu mua sản phẩm nấm này để phục vụ cho việc sản xuất trà túi lọc linh chi tại trung tâm. Dự kiến sau đợt thu hoạch này bà con có thể thu được: 94,43 kg với giá bán trên thị trường hiện nay 700.000đ/kg, ước tính thu về 65.923.000 đồng.

Có thể thấy rằng, các mô hình trồng nấm ăn và dược liệu tại 3 xã vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng đã được xây dựng có bài bản, mang tính chất ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, đã hình thành đội ngũ kỹ thuật viên tại chỗ, đồng thời chịu trách nhiệm từ đầu vào là túi nguyên liệu trồng nấm cho đến đầu ra là bao tiêu sản phẩm nấm, đó chính là cơ sở cho việc nhân rộng mô hình trồng nấm ở các xã còn lại thuộc vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng và các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh.

Đ.N