.

Nuôi lợn trên đệm lót sinh học, hướng đi mới cho ngành chăn nuôi

Thứ Năm, 12/02/2015, 20:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Với phương pháp chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, nhờ lớp đệm lót có chứa hệ thống vi sinh vật có khả năng lên men, phân giải chất thải của lợn giữ cho chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thông thoáng. Mô hình vừa tiết kiệm sức lao động, trong khi chi phí lại không cao, hứa hẹn sẽ là một phương pháp nuôi mang lại hiệu quả hữu ích cho người chăn nuôi trong thời gian tới.

Giảm ô nhiễm

Hiện nay, ở nhiều địa phương, chăn nuôi đang là hướng đi được nhiều hộ gia đình lựa chọn để phát triển kinh tế. Nhiều nơi, người dân đã đầu tư xây dựng chuồng trại để chăn nuôi với số lượng lớn thành đàn, trang trại. Tuy nhiên, thách thức lớn đối với người chăn nuôi  vẫn là vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là đối với những hộ chăn nuôi gần kề với khu dân cư. Tâm sự về vấn đề này, anh Đỗ Văn Tùng, chủ trang trại chăn nuôi ở Hải Ninh-Quảng Ninh cho biết: Trước đây, ở thị trấn Quán Hàu, gia đình anh cũng đầu tư nuôi lợn thịt với số lượng lớn từ 700-800 con/ năm. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi dù đã quan tâm làm tốt khâu vệ sinh chuồng trại nhưng chuồng nuôi của gia đình anh vẫn tạo ra mùi hôi khó chịu ảnh hưởng đến nhiều gia đình xung quanh. Do quá nhiều lời phàn nàn, anh quyết định chuyển mô hình chăn nuôi lợn lên khu đất trống ở xã Hải Ninh nhằm cách xa khu dân cư và mở rộng mô hình chăn nuôi của mình.

Lợn sinh trưởng tốt trên đệm lót sinh học.
Lợn sinh trưởng tốt trên đệm lót sinh học.

Mặc dù đây là biện pháp làm giảm ô nhiễm cho những hộ sống xung quanh, tuy nhiên về lâu dài, nếu không sử dụng những biện pháp khác thì việc chăn nuôi lợn với số lượng lớn của trang trại anh sẽ gây ô nhiễm môi trường. Theo anh, nếu sử dụng công nghệ hầm Biogas thì vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ được giảm đáng kể, tuy nhiên lại không triệt để. Bên cạnh đó, công nghệ này ngoài những ưu điểm thì vẫn bộc lộ một số nhược điểm đó là tiêu hao quá nhiều nước, vi khuẩn chưa được khống chế hiệu quả gây nguy cơ về bệnh truyền nhiễm cho lợn. Với thời tiết mưa nhiều, ẩm ướt, nước dễ lưu lại trong chuồng tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Sau một thời gian mày mò tìm hiểu thông tin ở các trang mạng anh được biết mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học có thể làm giảm tối đa, tối thiểu mùi hôi và không gây ô nhiễm môi trường. Mô hình này với phương pháp chăn nuôi trên đệm lót sinh học. Tức ở độn lót chuồng có chứa một quần thể các vi sinh vật tồn tại cùng nhau lâu dài, có khả năng phân giải mạnh các chất hữu cơ và ức chế các vi sinh vật có hại và gây bệnh; có tác dụng lên men tiêu hủy phân, nước tiểu làm giảm các khí độc, mùi hôi trong chuồng. Với phương pháp mới này, do phân và nước tiểu của lợn được tiêu hủy hầu như gần hết nên nhiều người gọi đây là phương pháp chăn nuôi không chất thải. Phương pháp này có thể ứng dụng để chăn nuôi những vật nuôi khác. Nhận thấy những ưu điểm nổi bật của mô hình anh Tùng đã cùng vợ xây dựng đề tài gửi cho Sở Khoa học-Công nghệ. Năm 2014, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học-Công nghệ trang trại anh đã triển khai mô hình nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học.

Tiết kiệm chi phí

Mặc dù là phương pháp chăn nuôi mới có hiệu quả cao trong việc bảo vệ môi trường nhưng nguyên vật liệu sử dụng để làm đệm lót sinh học lại rất dễ tìm và có chi phí tương đối thấp. Theo anh Tùng, để làm một mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học thì nguyên liệu cần dùng là trấu, mùn cưa, bột ngô, chế phẩm BALASA, dịch men. Ước tính chi phí đầu tư ban đầu cho 1m2 đệm chỉ tốn khoảng 70-75.000 đồng. So với hình thức chăn nuôi bình thường thì mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học có thể sử dụng được trong khoảng một thời gian dài từ 3-5 năm. Điều này đã làm giảm chi phí xây dựng chuồng trại. Đặc biệt, do mô hình có ưu điểm là phân và nước tiểu đã được tiêu hủy và không cần phải dội chuồng, tắm cho lợn nên tiết kiệm được 70% sức lao động của nhân công và tiết kiệm được 80% lượng nước vệ sinh chuồng.         

Kết quả, qua 2 lứa nuôi, với số lượng 100 con, trang trại của anh lãi là 55.447.000 đồng. Trong khi đó, nếu nuôi lợn thịt theo kiểu truyền thống chỉ cho lãi khoảng 50.000.000 đồng. Bên cạnh đó, đối với lợn nuôi trên đệm lót sinh học, do trong quá trình nuôi lợn vận động nhiều nên thịt săn chắc hơn. Vì vậy theo chị Hoàng Thị Kim Hoa, vợ anh Tùng cho biết: qua hai lứa lợn đã nuôi, hầu hết các thương lái đều muốn mua lợn ở chuồng có đệm lót sinh học hơn. Ngoài ra, đối với mô hình chăn nuôi mới này, lợn sau khi bán có thể sử dụng lớp đệm làm phân bón cho các cây trồng.

Thành công của mô hình nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học của trang trại anh Đỗ Văn Tùng đã mở ra hướng chăn nuôi mới, giúp người chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí chăn nuôi. Đây là phương pháp chăn nuôi an toàn và thân thiện với môi trường vì vậy có thể nhân rộng cho các trang trại chăn nuôi lớn và những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cùng áp dụng.

P.V