.

Dân tộc Bru-Vân Kiều, Chứt "khoác" diện mạo mới nhờ khoa học-công nghệ

Thứ Năm, 12/02/2015, 20:49 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhờ được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật, thời gian qua đời sống của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, Chứt ở hai huyện Minh Hóa, Lệ Thủy đã có những đổi thay tích cực. Việc áp dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ đã làm thay đổi tư duy, tập quán lao động của bà con nơi đây, mở ra cho họ hướng sản xuất mới tiến bộ hơn, hiệu quả hơn.

Nằm dọc theo dãy Trường Sơn của hai huyện Minh Hóa và Lệ Thủy là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều, Chứt. Với trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế cộng với tập quán lao động sản xuất còn lạc hậu, chủ yếu là chăn nuôi theo hướng thả rong và sử dụng các giống củ, hạt kém chất lượng để trồng trọt nên năng suất mang lại rất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Thực tế, ở những xã có số người Bru-Vân Kiều, Chứt sinh sống nhiều thì ở đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ khá cao hơn 50%. Trước thực trạng này, nhằm giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều, Chứt sinh sống ở các xã vùng cao biên giới sớm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế, đầu năm 2013, được sự giúp đỡ của Sở Khoa học-Công nghệ, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh đã triển khai thực hiện dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình phát triển kinh tế khu định canh định cư của đồng bào dân tộc Bru Vân Kiều và dân tộc Chứt ở tỉnh Quảng Bình".

Niềm vui của đồng bào dân tộc thiểu số khi được nhận giống lợn
Niềm vui của đồng bào dân tộc thiểu số khi được nhận giống lợn

Dự án được triển khai thực hiện ở các xã vùng cao khó khăn Trọng Hóa, Dân Hóa, Hóa Tiến của Minh Hóa và Kim Thủy, Ngân Thủy, Lâm Thủy của Lệ Thủy với những mô hình như: chăn nuôi gà Ai cập đẻ trứng, chăn nuôi lợn Móng Cái sinh sản, chăn nuôi bò lai sind, trồng lúa PC6, trồng ngô lai DK9901, trồng cỏ VA06. Đây là những mô hình có tính áp dụng cao, đa số những giống cây trồng vật nuôi được lựa chọn này đều phù hợp với điều kiện tự nhiên của các xã vùng cao Minh Hóa, Lệ Thủy. Dự án triển khai dựa trên những kết quả đã đạt được của các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố và thực hiện ở nhiều địa phương trong cả nước. Để dự án triển khai có hiệu quả, ở những địa phương của hai huyện có người Bru-Vân Kiều, Chứt sinh sống, các cán bộ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư phối hợp cùng với địa phương tổ chức các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các kỹ thuật viên và bà con trước khi cung ứng, phân bổ giống đến từng hộ gia đình. Trong quá trình xây dựng mô hình, các kỹ thuật viên đã đến từng hộ gia đình hướng dẫn cho bà con quy trình làm đất, bón phân, làm chuồng và phòng trừ sâu, dịch bệnh cho các giống cây trồng và vật nuôi. Tuy nhiên, theo ông Mai Ngọc Thuận, Phó phòng chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư cho biết: Do một số nơi đồng bào vẫn chưa quen với phương pháp sản xuất mới nên vẫn có nhiều hộ không thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật. Bên cạnh đó, các mô hình triển khai ở các địa phương có khí hậu khắc nghiệt. Trong những tháng nuôi đầu, các đàn gà, lợn bị mắc một số bệnh như: cầu trùng, đậu, tụ huyết trùng... làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các mô hình. Xác định những khó khăn đó, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư, cán bộ cơ sở đã kịp thời khuyến cáo và hướng dẫn giúp các hộ gia đình có các biện pháp phòng dịch và chăm sóc các vật nuôi nhờ đó mà tỷ lệ sống và cho sinh sản tương đối cao.

Qua hơn hai năm triển khai dự án, nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, Chứt như mô hình chăn nuôi gà Ai cập, nuôi bò lai sind, mô hình trồng lúa PC6. Trong đó, mô hình trồng lúa PC6, năng suất bình quân 48,5 tạ/ha/vụ, cao hơn năng suất bình quân của các giống lúa địa phương sản xuất trước khi chưa thực hiện dự án là 20-27%. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận bình quân 7.125.000đ/ha. Mô hình trồng ngô lai DK 9901, năng suất bình quân 50,5 tạ/ha/vụ, cao hơn năng suất bình quân của giống ngô địa phương 10 - 18%. Sau khi trừ chi phí lợi nhuận bình quân 5.810.000đ/ha. Mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản: Đã có 21 lợn nái sinh sản lứa đầu và 18 lợn nái sinh sản lứa thứ 2. Tổng số lợn con là 281 con/2 lứa, bình quân 7 con/nái/lứa. Các hộ đã bán lợn con sau khi trừ chi phí thu lãi 1.821.000đ/lứa. Đây là nguồn thu nhập khá cao cho các hộ. Mô hình chăn nuôi bò lai sind sinh sản: Có 21 bê lai ra đời đạt 35%, sau 6 tháng nuôi các hộ có thể bán với giá bình quân là 14 triệu đồng/bê sau khi trừ chi phí lợi nhuận 11.148.800đ/bê. Hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân cao hơn rất nhiều so với trước đây nuôi bò địa phương theo phương thức thả rong. Đặc biệt, nhiều mô hình các hộ gia đình nhờ áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật nuôi hiệu quả đã cung cấp một số lượng lớn con giống để nhân rộng mô hình ra các địa bàn khác như: mô hình nuôi lợn Móng Cái cung cấp 181 con lợn giống cho các hộ khác nhân rộng, mô hình nuôi bò lai sind cung cấp 20 bê lai để nhân rộng.   

Có thể nói, hiệu quả ban đầu của dự án đã mang lại sự đổi thay mới mẻ và có ý nghĩa hết sức quan trọng cho đồng bào dân tộc thiểu số Bru-Vân Kiều, Chứt. Từ chỗ chỉ biết sản xuất, canh tác lạc hậu giờ đây các đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, Chứt đã thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Biết nắm bắt được những kỹ thuật mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sản xuất bảo đảm phục vụ được nhu cầu về lương thực, thực phẩm hàng ngày cho mình góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội và quốc phòng-an ninh dọc tuyến biên giới.

Đ.Nguyệt