.

Khoa học công nghệ với sự phát triển kinh tế địa phương

Thứ Tư, 28/01/2015, 22:52 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Một trong những đóng góp quan trọng ấy là việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sự phát triển của ngành kinh tế. Nhiều đề tài khoa học, nhiều dự án về lĩnh vực kinh tế ứng dụng thành công đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao đời sống người dân ở các địa phương.

Có thể nói rằng trong tiến trình phát triển hiện nay, để nền kinh tế của một địa phương phát triển nhanh, bền vững và ngày càng hiện đại hóa thì việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất là điều không thể thiếu. Nắm bắt được vấn đề này, thời gian qua từ công tác triển khai thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu đến các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đều đã bám sát vào các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nhờ đó mà hiệu quả sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủy sản thời gian qua cũng đã có những chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Nhiều hộ gia đình ở Tuyên Hóa đã thực hiện có hiệu quả cao mô hình
Nhiều hộ gia đình ở Tuyên Hóa đã thực hiện có hiệu quả cao mô hình" Nuôi cá lăng chấm thương phẩm".

Trong  năm qua, trên cơ sở khai thác điều kiện tự nhiên và những tiềm năng thế mạnh của mỗi vùng địa phương, Sở Khoa học & Công nghệ đã triển khai xây dựng và quản lý các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN. Kết quả nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN đã mang lại hiệu quả kinh tế cao có khả năng phát triển và nhân rộng. Điển hình như trong nông nghiệp, công tác nghiên cứu và áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất hiệu quả cao ngày càng chuyển biến tích cực thông qua hoạt động lai tạo được nhiều giống lúa mới đạt năng suất, chất lượng cao như: mô hình “Trồng thử nghiệm một số giống lúa mới có năng suất chất lượng tốt phù hợp vùng sản xuất lúa tỉnh Quảng Bình với giống lúa QX4, QXP1 sản xuất vụ đông-xuân; QX5, CXP30 sản xuất vụ hè-thu”; mô hình “Chăn nuôi gà thịt và sinh sản với giống gà địa phương bằng phương pháp bán chăn thả (nuôi gà thả vườn) tại xã Nam Hóa, Tuyên Hóa” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện đã giúp cho địa phương duy trì giống gà có chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con nông dân; mô hình "Nuôi lợn thịt trên đệm lót sinh học" ở huyện Quảng Ninh với phương pháp nuôi lợn trên đệm lót chuồng có chứa một quần thể các vi sinh vật có khả năng phân giải mạnh chất hữu cơ và ức chế các vi sinh vật có hại và gây bệnh, tạo ra hướng chăn nuôi mới giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí nâng cao hiệu quả kinh tế chăn nuôi.

Bên cạnh đó, những ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cũng được áp dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Dự án "Xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ sau thu hoạch ngay trên đồng ruộng” là một trong những dự án của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ được triển khai thực hiện tại 4 hợp tác xã của 4 huyện, thành phố. Trong năm 2014, tại HTX DVNN Đức Ninh, TP. Đồng Hới, thực hiện xử lý gốc rạ với diện tích là 1 sào ruộng và 9 tấn rơm; HTX DVNN Hiển Vinh, Duy Ninh, Quảng Ninh xử lý gốc rạ với diện tích 1 sào ruộng và 8 tấn rơm; HTX DVNN Thạch Bàn, Phú Thủy, Lệ Thủy xử lý với diện tích 1 sào ruộng và 9 tấn rơm. Việc ứng dụng kỹ thuật mới này đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và quan trọng hơn là dự án đã thay đổi được thói quen đốt hoặc vứt bỏ rơm rạ gây ô nhiễm môi trường lâu nay của nhiều người dân.

Trong thủy sản, Sở KH&CN đã hỗ trợ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa xây dựng mô hình: "Nuôi cá lăng chấm thương phẩm trên địa bàn huyện Tuyên Hóa". Mô hình đã chọn 4 hộ gia đình nuôi cá lồng tại xã Châu Hóa để triển khai thực hiện, mỗi hộ một lồng có thể tích 18m3 và chọn 4 hộ nuôi cá ao đất tại xã Sơn Hóa, với diện tích mỗi ao là 500m2. Những hộ được chọn xây dựng mô hình đều được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật và các quy trình kỹ thuật nuôi theo yêu cầu. Sau 4 tháng thả nuôi, trọng lượng bình quân mỗi con cá lăng chấm thương phẩm đạt 0,45kg/ con, tỷ lệ sống trên 90%.

Ngoài ra, với đặc điểm là một tỉnh có đông dân tộc anh em cùng sinh sống, nên việc nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN giúp phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua đã được đặc biệt chú trọng.  Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng Từ điển phương ngữ Bru Vân Kiều - Việt” trên cơ sở thu thập các quyển từ điển song ngữ Bru Vân Kiều - Việt, biên dịch, đọc và phát âm hơn 2.000 từ và 250 hình ảnh. Đề tài đã xây dựng phần mềm từ điển chạy trên máy đơn. Bộ từ điển điện tử phương ngữ Bru Vân Kiều-Việt gồm từ điển Bru Vân Kiều - Việt, Việt - Bru Vân Kiều. Bên cạnh chức năng cơ bản là tra cứu các dữ liệu có sẵn, từ điển có có nhiều thiết kế linh động để có thể cập nhật, xoá, sửa từ... Cùng với đó là việc triển khai thực hiện dự án: "Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình phát triển kinh tế định canh định cư của đồng bào dân tộc Vân Kiều và Chứt" tại hai địa bàn huyện Minh Hóa và Lệ Thủy. Qua hai năm triển khai, dự án đã thay đổi được những tập tục canh tác lạc hậu của các đồng bào dân tộc, định hướng giúp họ chuyển sang những phương thức sản xuất hiện đại hơn...

Mong rằng, trên cơ sở những gì đã thực hiện được trong thời gian qua những năm tiếp theo, Khoa học Công nghệ với tiềm năng trí tuệ, tinh thần sáng tạo của mình sẽ tiếp tục tạo ra những đề tài, mô hình KH&CN có tính áp dụng cao phục vụ hiệu quả cho tiến trình phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Đ. Nguyệt