.

Hướng đi mới trong phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết Dengue

Thứ Ba, 23/12/2014, 12:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Là một địa phương có khí hậu nóng ẩm, lượng mưa cao, Quảng Bình “hội tụ” đầy đủ các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi Ae.aegypti (dân gian gọi là muỗi vằn), nguyên nhân chính gây bệnh sốt xuất huyết Dengue.

Từ khi tái lập tỉnh đến này, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng có dịch sốt xuất huyết, cao điểm là các năm, như: 1991, 1996, 1998, 2001 và 2005 với số bệnh nhân trung bình cao hơn 1.000 người. Đáng chú ý có cả bệnh nhân tử vong, điển hình như năm 1998 có 9/5.995 trường hợp mắc bị tử vong. Bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa hay thuốc điều trị đặc hiệu, trong khi phương pháp chủ yếu là phun hóa chất diệt muỗi thường tiến hành muộn. Trước thực tế đó, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã triển khai đề tài nghiên cứu “Điều tra thực trạng bệnh sốt xuất huyết Dengue tại Quảng Bình và đề xuất các giải pháp phòng chống”.

Nhân thả Mesocyclops ở phường Phú Hải (TP.Đồng Hới)
Nhân thả Mesocyclops ở phường Phú Hải (TP.Đồng Hới)

Hướng tới hai mục tiêu chính, gồm: đánh giá thực trạng bệnh sốt xuất huyết Dengue tại địa bàn tỉnh ta và đề xuất một số giải pháp phòng chống sốt xuất huyết có hiệu quả, đề tài được triển khai trong vòng 18 tháng, từ tháng 4-2013 đến tháng 9-2014 với nguồn kinh phí gần 330 triệu đồng.

Theo kết quả điều tra nghiên cứu, trong vòng 7 năm trở lại đây, bệnh nhân sốt xuất huyết ở tỉnh ta xuất hiện chủ yếu ở các huyện đồng bằng, tập trung từ tháng 5 đến tháng 11 và cao nhất khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, trung bình tỷ lệ bệnh nhân sốt xuất huyết/100.000 dân là 20,8. Điều tra về nhận thức của người dân về bệnh sốt xuất huyết Dengue cho thấy mức độ hiểu biết của bà con về các biện pháp phòng chống đều đạt tỷ lệ trên 60%. Trong đó, cách phun hoá chất chống muỗi có tỷ lệ cao nhất chiếm 94,3%, thấp nhất là dùng hương muỗi chiếm 60,5%, sử dụng dụng cụ chứa nước có nắp đậy là 80,2%, súc rửa các dụng cụ chứa nước thường xuyên là 80,9%, loại bỏ các vật dụng phế thải quanh nhà là 79,5%. Tuy nhiên, những kiến thức sâu về đặc điểm hoạt động của muỗi vằn, véc tơ lây truyền sốt xuất huyết và các triệu chứng nặng của bệnh vẫn còn khá hạn chế.

Đề tài nghiên cứu đề xuất thử nghiệm biện pháp nhân thả Mesocyclops phòng chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn TP. Đồng Hới. Việc nhân thả Mesocyclops để phòng sốt xuất huyết đã được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam áp dụng và có kết quả tốt. Thực tế cho thấy, Mesocyclops là loại giáp xác được các nhà khoa học đánh giá là thiên địch mạnh nhất của bọ gậy và có khả năng duy trì quần thể trong các dụng cụ chứa nước sau khi phóng thả, đồng thời khi chết sẽ phân hủy thành các chất hữu cơ, do đó khi thả vào nguồn nước sẽ không gây ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định tính thực tiễn cao của biện pháp này với trên 90% Mesocyclops tồn tại sau nhân thả trong các dụng cụ chứa nước; mật độ bọ gậy trung bình ở dụng cụ chứa nước giảm từ 19,80 xuống còn 5,34; từ tháng 9-2013 đến tháng 7-2014 tại TP.Đồng Hới không ghi nhận bệnh nhân sốt xuất huyết  nào.

Để phòng tránh dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, thông qua đề tài nghiên cứu, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nhấn mạnh vai trò của các biện pháp sinh học, cơ học và sinh thái. Đối với biện pháp sinh học, ngoài thả Mesocyclops, các loại giáp xác nhỏ thuộc giống Mesocyclops lấy từ các ao, hồ, bà con có thể thả cả (cá tuế hoặc họ cá chép), côn trùng thủy sinh, nuôi chuồn chuồn, bò sát nhỏ (thạch sùng, thằn lằn) để ăn bọ gậy, muỗi. Biện pháp cơ học rất đơn giản để ứng dụng, như: thường xuyên nạo, vét, tháo nước ở những nơi thấp, dễ ngập úng hoặc các vật dụng dễ chứa nước đọng; trang bị lưới chắn muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ; dùng vỉ, đèn, vợt điện diệt muỗi... Quan trọng hơn, mỗi gia đình, cộng đồng cần tạo dựng một môi trường sống thoáng mát, tránh ẩm thấp để hạn chế nơi trú ẩn của muỗi ở giai đoạn tiêu máu. Ở vùng nông thôn, bà con nên xây bể chứa chứa nước sinh hoạt khép kín làm giảm nguồn sinh sản của muỗi.

P.V