.

Sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp: Ích lợi nhiều bề!

Thứ Tư, 22/10/2014, 10:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Bấy lâu nay, đối với các phế phẩm nông nghiệp, như: rơm rạ, vỏ trấu, thân cây các loại, rác thải hữu cơ..., bà con thường sử dụng rất ít cho chăn nuôi, còn lại chủ yếu đem đốt hay vứt bỏ. Về lâu về dài, điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mà còn tạo sự lãng phí không cần thiết. Thời gian gần đây, những mô hình hỗ trợ bà con nông dân sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp đã mang lại một diện mạo mới cho các làng quê tỉnh ta. Phân hữu cơ không chỉ được dùng để bón cho lúa, các loại cây hoa màu, tiết kiệm được nguồn kinh phí cho bà con, mà còn là cách thức hữu hiệu tạo thêm nguồn thu nhập sau mỗi vụ mùa.

Ông Đặng Văn Phưởng (Đức Ninh, TP. Đồng Hới) cùng các gia đình khác trong thôn được Hội Làm vườn tỉnh hỗ trợ để sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp, gồm thân cây, rác hữu cơ... Ông chia sẻ, cách thức thực hiện đơn giản, dễ làm, chỉ sau 3 tháng, gia đình ông đã có phân hữu cơ để bón cho hơn 400m2 đất trồng rau với chất lượng tốt. Ông nhẩm tính, mỗi năm, có thể tiết kiệm hơn 4 triệu đồng tiền phân bón cho ruộng rau nhà mình, đồng thời, không mất công sức giải quyết rác thải, bảo đảm môi trường, cảnh quan. Hơn nữa, nếu được bảo quản tốt, phân hữu cơ có thể để dài ngày, luôn sẵn sàng cho người dân sử dụng.

Ông Đặng Văn Xanh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Ninh cho biết, mô hình sử dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ được áp dụng tại xã hơn 1 năm nay với sự hỗ trợ từ Hội Làm vườn và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ). Nhờ có sự tập huấn, hướng dẫn cặn kẽ, chu đáo của các cán bộ chuyên ngành, nông dân Đức Ninh đã làm quen và rất phấn khởi với những ích lợi do mô hình mang lại, mong muốn được mở rộng hơn quy mô các hộ tham gia mô hình hiệu quả này.

Sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường
Sản xuất phân bón hữu cơ từ rơm vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường

Theo thông tin từ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ, dự án “Xây dựng mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rơm rạ sau thu hoạch ngay trên đồng ruộng” được triển khai tại 4 HTX thuộc 4 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong hai năm 2013 và 2014. Riêng năm 2014, tại HTX DVNN Đức Ninh (Đức Ninh, TP.Đồng Hới), thực hiện xử lý gốc rạ với diện tích là 1 sào ruộng và 9 tấn rơm; HTX DVNN Hiển Vinh (Duy Ninh, Quảng Ninh) được xử lý gốc rạ với diện tích 1 sào ruộng và 8 tấn rơm; HTX DVNN Thạch Bàn (Phú Thủy, Lệ Thủy) xử lý gốc rạ với diện tích 1 sào ruộng và 9 tấn rơm.

Để triển khai xây dựng mô hình đạt hiệu quả và thành công, thực hiện theo kế hoạch đề ra, đơn vị chủ trì thực hiện dự án đã phối hợp với các đơn vị tham gia, gồm: Công ty cổ phần sinh học, Hợp tác xã dịch vụ các xã, tiến hành tổ chức tập huấn cho dân, họp chỉ đạo các hộ dân tham gia xây dựng mô hình, nhằm mục đích xác định rõ cho bà con vai trò trách nhiệm của mình khi tham gia, đồng thời hỗ trợ về nguyên vật liệu và chuyển giao kỹ thuật.

Qua quá trình thực nghiệm, kết quả cho thấy, không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mô hình còn tạo ra nhiều lợi ích về mặt xã hội, như: xây dựng môi trường sống ít bị ô nhiễm do rác thải nông nghiệp, sản phẩm nông nghiệp tạo ra là sản phẩm sạch tạo cho người tiêu dùng yên tâm về chất lượng. Bên cạnh đó là những lợi ích về bảo vệ môi trường, thay đổi thói quen đốt hay vứt bỏ rơm rạ, rác thải của bà con nông dân và lợi ích lâu dài về cải tạo đất.

Trong xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp xanh như hiện nay, việc người nông dân tích cực, chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất đóng một vai trò quan trọng. Chính vì vậy, các mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phế phẩm nông nghiệp được đánh giá là một trong những cách thức hiệu quả để giải quyết các phế phẩm, rác thải sau thu hoạch một cách an toàn, tiết kiệm và đơn giản nhất. Về lâu về dài, để mô hình có thể áp dụng rộng rãi trong thực tế, rất cần sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể liên quan, từ khâu chỉ đạo, nghiên cứu, hướng dẫn, hỗ trợ cho đến khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân....

Mai Nhân