.

Mỹ thử thành công thuốc trị Ebola trên khỉ

Thứ Năm, 21/08/2014, 15:23 [GMT+7]

Các nhà khoa học Mỹ và Canada mới đây đã thử nghiệm thành công thuốc điều trị virus Marburg có cùng họ với Ebola trên khỉ đuôi ngắn, mở ra hy vọng tích cực về khả năng kháng loại virus "tử thần" Ebola. Thông tin vừa được công bố trên tạp chí "Science Translational Medicine" của Mỹ số ra ngày 20-8.

Để thực hiện nghiên cứu này, các chuyên gia thuộc Đại học Texas (Mỹ) và hãng dược phẩm Tekmira của Canada đã tiêm một lượng lớn virus Marburg - Angola vào cơ thể của 21 con khỉ đuôi ngắn. Đây là chủng virus nguy hiểm nhất của loại Marburg, gây tỷ lệ tử vong lên tới 90% trong chỉ 3 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng bệnh.

Sau đó, các nhà khoa học đã cho cách ly 5 con khỉ và tiêm thuốc siRNA do hãng Tekmira sản xuất cho 16 con khỉ còn lại. 16 con khỉ này được chia làm 4 nhóm và được điều trị với liều lượng cũng như thời gian khác nhau. Nhóm đầu tiên được điều trị trong vòng 30-45 phút sau khi nhiễm virus. Nhóm thứ hai được điều trị sau một ngày. Hai nhóm cuối được điều trị sau 2,3 ngày. Kết quả cho thấy tất cả 16 con khỉ được điều trị bằng thuốc siRNA đều sống sót, trong khi những 5 con bị cách ly đều tử vong trong 7-9 ngày sau khi nhiễm bệnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Giáo sư Thomas Geisbert đến từ Khoa miễn dịch và vi trùng học của Đại học Texas, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết thuốc siRNA được bào chế bằng công nghệ nano. Khi được tiêm vào cơ thể, thuốc sẽ tấn công các tế bào nhiễm bệnh để ngăn chặn virus Marburg phát triển. Giáo sư Geisbert hy vọng loại thuốc này sẽ có thể đem lại hiệu quả trong điều trị bệnh Ebola, bởi cả hai virus đều có thời gian phát triệu chứng giống nhau. Các nghiên cứu công bố trước đó cũng cho thấy hiệu quả điều trị tương tự đối với những chú lợn nhiễm Marburg.

Hiện hãng dược phẩm Tekmira đang tiến hành thử nghiệm thuốc siRNA trên người. Trước đó, hồi tháng 3, hãng đã được Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) cấp giấy phép nghiên cứu, phát triển thuốc kháng Ebola mang tên TKM-Ebola.

Cùng thuộc họ Filoviruses, virus Marburg và Ebola gây ra các triệu chứng giống nhau như xuất huyết, sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Bệnh lây qua đường tiếp xúc với các dịch tiết của cơ thể người bệnh và gây tỷ lệ tử vong trong khoảng 25-80%.

Trước đó, các chuyên gia Mỹ cũng đã thử nghiệm huyết thanh ZMapp kháng virus Ebola cho hai bệnh nhân người Mỹ đầu tiên là bác sỹ Kent Brantly và Nancy Writebol. Sau khi được điều trị bằng loại huyết thanh được tạo thành từ 3 kháng thể và chất điều chế từ lá cây thuốc lá đã biến đổi gien, sức khỏe của cả hai bác sỹ đều cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng rất khó sản xuất huyết thanh ZMapp trên quy mô lớn. Hiện nay trên thế giới chưa có bất kỳ loại thuốc hoặc vắcxin nào có thể kháng hiệu quả virus Ebola.

Khuẩn Ebola được đặt tên theo một con sông nhỏ ở CHDC Congo. Bệnh lây nhiễm do tiếp xúc với máu và dịch thể của một số loài động vật, chủ yếu là khỉ và một loài dơi lớn thuộc họ Megachiroptera. Người nhiễm khuẩn Ebola có thể truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua đường tình dục. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kể từ khi bùng phát hồi tháng 2 vừa qua tại Tây Phi, đến nay virus Ebola đã khiến 1.350 người tử vong.

Theo TTXVN/Tin tức