.

Phổ điểm thấp, điểm chuẩn vào đại học sẽ giảm

.
17:03, Thứ Năm, 12/07/2018 (GMT+7)
Đây là nhận định của TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, sau khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm các môn thi và phổ điểm các khối thi của kỳ thi THPT quốc gia 2018.
Thí sinh dự thi bài thi khoa học xã hội tại điểm thi trường THCS Mạch Kiếm Hùng Q5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Thí sinh dự thi bài thi khoa học xã hội tại điểm thi trường THCS Mạch Kiếm Hùng Q5, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Phổ điểm môn thi và phổ điểm khối thi là những thông tin tham khảo quan trọng không chỉ cho thí sinh cân nhắc có cần thiết điều chỉnh nguyện vọng đã đăng ký xét tuyển trước đây hay không, mà còn cho cả các trường đại học trong khi đưa ra mức điểm ngưỡng xét tuyển theo quy định của Bộ GD-ĐT.
 
Điểm trung bình giảm so với năm 2017
Điểm trung bình của tất cả các môn thi đều giảm, không nằm ngoài dự đoán vì Bộ GD-ĐT đã thông báo trước là đề thi có một phần nội dung chương trình lớp 11 và có mức độ phân hóa cao hơn (khó hơn) năm 2017.
 
Nhưng nổi cộm ở đây là điểm trung bình của môn sử - là môn thi có điểm trung bình thấp nhất, đã "soán ngôi" môn ngoại ngữ, vốn là môn thi có điểm trung bình thấp nhất liên tục trong 3 năm trước. 
 
Hơn thế nữa, môn sử cũng đã "soán ngôi" môn ngoại ngữ để trở thành môn thi có số lượng thí sinh dưới trung bình nhiều nhất (83,24%, theo thông tin ở một số địa phương tỉ lệ này còn lên đến gần 90%).
 
Điểm trung bình các môn thi của thí sinh đăng ký xét tuyển cao hơn thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp
 
Kết quả này cũng đã thể hiện từ nhiều kỳ thi vừa qua, cho thấy các thí sinh có đăng ký dùng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển có sự đầu tư nhiều hơn để đạt kết quả của mình.
 
Thông tin về điểm thi cũng khẳng định xu hướng chọn bài thi khoa học xã hội của các thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp, còn các thí sinh dùng kết quả thi để đăng ký xét tuyển đại học chọn bài thi khoa học tự nhiên nhiều hơn.
 
Điểm trung bình khối thi giảm: điểm sàn xét tuyển sẽ giảm và điểm chuẩn trúng tuyển sẽ giảm
Tương tự như năm 2017, tuy kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức theo bài thi nhưng các trường đại học lại xét tuyển theo tổ hợp các môn thi (thường là 3 môn). Có hơn 90% thí sinh đăng ký xét tuyển theo các khối thi truyền thống (A, A1, B, C, D1), trong đó riêng khối A chiếm đến gần 35%.
 
Hệ quả tất yếu của việc điểm trung bình các môn thi giảm là điểm trung bình các khối thi cũng giảm theo, đặc biệt điểm trung bình của khối C giảm đến gần 2 điểm (liên quan đến điểm thi môn sử thấp).
 
Ngoại trừ khối A có số thí sinh nhiều nhất ở tổng điểm 16,25; các khối thi khác đều có số lượng thí sinh nhiều nhất dao động xung quanh mức điểm 15-15,5. Đây chính là điều mà các trường đại học cần cân nhắc khi ấn định mức điểm ngưỡng nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường. 
 
Theo quy định, các trường phải công bố mức điểm ngưỡng xét tuyển trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, trên thực tế đã có một số trường điều chỉnh lại thấp hơn mức điểm đã công bố trước đây.
 
Đề thi chưa ổn định và đồng đều toàn diện
 
Dù về tổng thể, kết quả điểm thi 2018 về cơ bản đạt được yêu cầu dùng để xét tốt nghiệp THPT và đạt được độ phân hóa nhất định để xét tuyển vào các trường đại học, tuy nhiên vẫn còn vài điều khiến dư luận chưa thấy được tính ổn định của đề thi.
 
Việc môn sử có điểm trung bình thấp nhất và có số thí sinh dưới trung bình nhiều nhất lại dấy lên các tranh luận về nguyên nhân. Do nội dung chương trình không phù hợp, hay do giáo viên dạy không hấp dẫn, hay do học sinh kém, nhưng trước hết rõ ràng một phần rất lớn là do đề thi.
 
Bên cạnh đó, phổ điểm môn văn (môn thi tự luận duy nhất) không "mượt mà" như các môn khác mà lại có dạng răng cưa, nhô lên cao ở các mức điểm chẵn và rưỡi, thấp hẳn ở các mức 0,25 và 0,75. Liệu điều này là do đáp án hay do chấm thi, cần có xem xét nghiêm túc.
 
Theo TS NGUYỄN ĐỨC NGHĨA (Tuổi trẻ)
 
,