.

Bị 'phạt tiền' nếu nghỉ việc không báo trước... 60 tháng

.
07:55, Thứ Sáu, 20/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Muốn nghỉ việc tại trường, phải báo trước 60 tháng, nếu không thực hiện theo quy định này, giáo viên sẽ bị phạt tiền để chuộc lại bằng gốc đại học. Những điều kiện hết sức vô lý và không đúng với các quy định của pháp luật nói trên đã khiến cho nhiều giáo viên của Trường THCS và THPT Chu Văn An (gọi tắt là Trường Chu Văn An) rơi vào tình trạng “dở khóc, dở mếu” khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) ở đây.
 
Muốn nghỉ việc phải báo trước 60 tháng
 
Tháng 3-2017, cô Bùi Thị Hà My (SN 1988, ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh) ký hợp đồng làm giáo viên dạy văn tại Trường THCS Chu Văn An, thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An (TP. Đồng Hới). Tháng 4-2018, cô My viết đơn xin nghỉ việc và muốn chấm dứt HĐLĐ với nhà trường sau 3 tháng theo quy định của luật lao động.
 
Tuy nhiên, phía nhà trường không chấp thuận cho cô được nghỉ việc, với lý do HĐLĐ của nhà trường đã có điều khoản buộc giáo viên phải báo trước 60 tháng (tức là 5 năm) mới được nghỉ việc. Nếu giáo viên nào không báo trước đủ thời gian trên sẽ bị buộc phải nộp một khoản tiền phạt bằng 12 tháng lương cao nhất, cộng thêm khoản tiền mà nhà trường đã bỏ ra để đóng bảo hiểm xã hội cho giáo viên trong thời gian làm việc tại trường.
 
Căn cứ vào những quy định này, số tiền mà cô My bắt buộc phải đóng lên đến 60 triệu đồng tiền phạt nếu muốn chấm dứt hợp đồng. Một điều kiện hết sức vô lý nữa do trường này đặt ra là nếu không có tiền nộp phạt thì sẽ bị giữ luôn bằng gốc. Đã gần 2 tháng trôi qua, kể từ khi nghỉ việc tại trường THCS Chu Văn An nhưng cô My vẫn chưa nhận được bằng đại học của mình, vì trước đó, cô My đã bị nhà trường giữ bằng gốc tốt nghiệp đại học.
 
Cô My bức xúc cho biết: “Vì điều kiện hoàn cảnh gia đình, nên tôi phải viết đơn xin nghỉ việc. Nhà nghèo, bố mất sớm, mấy tháng qua tôi vẫn chưa mượn được tiền để nộp. Số tiền mà trường bắt nộp phạt nhiều hơn tổng số tiền mà nhà trường trả, trong thời gian tôi dạy tại đây. Nếu trường vẫn nhất quyết không trả bằng đại học thì làm sao tôi xin việc được nơi khác”.
Trường THCS và THPT Chu Văn An
Trường THCS và THPT Chu Văn An
Không chỉ trường hợp của cô Bùi Thị Hà My, mà còn có một số giáo viên khác cũng bị trường này giữ bằng gốc và bắt buộc phải nộp tiền mới lấy lại được bằng khi muốn nghỉ việc.
 
Tháng 8-2017, cô Phan Thị Quỳnh Thi (SN 1995, ở Quảng Thành, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) ký HĐLĐ vào giảng dạy môn tiếng Anh với Trường Chu Văn An. Sau 3 tháng làm việc tại đây, nhận thấy môi trường làm việc không phù hợp, cô Thi xin nghỉ việc. Tháng 12-2017, trường có quyết định cho cô Thi nghỉ việc. Thế nhưng từ đó đến nay, cô Thi vẫn chưa nhận được bằng đại học gốc của mình, cũng vì những điều kiện như trên. Không có tiền nộp phạt, cô Thi phải chấp nhận bỏ lại bằng đại học của mình tại trường. Để có bằng đại học xin việc làm, cô Thi phải trở lại Trường đại học Ngoại ngữ Huế xin phô-tô lại bản sao bằng đại học.
 
Cô Thi cho hay: “Khi ký HĐLĐ làm việc, tôi cũng không rõ về Luật Lao động nên nghĩ đó là quy định chung. Đến khi xin nghỉ việc thì mới biết rằng những quy định này trong hợp đồng đều trái với Luật Lao động”.
 
Quy định như vậy là để giáo viên có “trách nhiệm”?
 
Trả lời về vấn đề này, bà Đặng Thị Trà, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THCS và THPT Chu Văn An đã thừa nhận, không chỉ có trường hợp nêu trên mà toàn bộ hơn 100 giáo viên, nhân viên đang làm việc trong trường đều có HĐLĐ với những điều khoản như trên. Lý do nhà trường đặt ra nhưng quy định này trong HĐLĐ, theo bà là để giáo viên có trách nhiệm và gắn bó với trường, trong đó có cả việc đền tiền.
 
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Liên đoàn lao động tỉnh), Luật Lao động quy định rõ đối với những HĐLĐ có một số điều khoản trái pháp luật như hợp đồng của trường Chu Văn An thì những điều khoản trái luật này dù đã được hai bên đồng ý vẫn sẽ bị vô hiệu và không có giá trị pháp lý nên giáo viên không cần phải thực hiện. Giáo viên có quyền khởi kiện để bảo đảm quyền lợi cho mình.
 
“Theo các quy định của Luật Lao động, giáo viên được quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ và chỉ cần báo trước cho nhà trường 45 ngày là đủ, chứ không phải chờ đến 5 năm. Việc trường giữ bằng gốc và bắt đền tiền cũng không đúng khi giáo viên chỉ cần phải nộp bản sao và bồi thường nửa tháng tiền lương khi có báo trước đủ thời gian đó”, bà Hà cho biết.
 
Còn ông Phạm Thành Đồng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội khẳng định, dù trường công lập hay trường tư thì đều phải thực hiện theo đúng các quy định của Luật Lao động để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên. Việc trường đưa ra những điều khoản như vậy là không đúng với các quy định của luật. Sở sẽ tiến hành xác minh, kiểm tra để làm rõ. Nếu có những quy định trái luật đó thì sẽ xử lý.
 
Chúng tôi sẽ tiếp tục xác minh những vấn đề mà bạn đọc phản ánh và thông tin đến bạn đọc.
 
Nhóm P.V Bạn đọc
,