.

Những ngôi trường như trong truyện cổ tích

.
14:25, Thứ Hai, 04/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Sau nhiều vòng thi ở cơ sở, hội thi “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm”của cấp học mầm non (MN) được Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) triển khai trong năm học 2017-2018 đã lựa chọn 39 đơn vị tham gia hội thi cấp tỉnh. 23/39 trường vừa được Sở GD-ĐT trao giải chính thức (3 nhất, 8 nhì, 12 ba). Điều thành công nhất của hội thi là đã làm thay đổi vượt bậc về cảnh quan của các ngôi trường mầm non. Nhờ đó, trẻ em được vui chơi, học tập ở những ngôi trường như trong truyện cổ tích.
 
Theo đánh giá của bà Trần Thị Hương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban giám khảo cuộc thi, kết quả trên là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, với những giải pháp quyết liệt, hiệu quả của các phòng GD-ĐT, sự hưởng ứng tích cực, nhiệt tình của các cơ sở giáo dục mầm non trong toàn tỉnh; sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ của quý bậc phụ huynh và cả cộng đồng. Đặc biệt là sự lăn lộn, tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên MN... Qua đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp đưa đến thành công của hội thi, góp phần thay đổi diện mạo, bộ mặt của các ngôi trường MN, tạo nên một môi trường giáo dục thực sự lấy trẻ làm trung tâm, trong đó trẻ được tận dụng mọi cơ hội tốt nhất để được chơi, được học, được trải nghiệm.
 
Hội thi tiếp tục khẳng định sự phát triển theo hướng hiện đại của các ngôi trường ở TP. Đồng Hới, sự duy trì và không ngừng sáng tạo của các trường huyện Lệ Thủy, Bố Trạch, Ba Đồn, Quảng Ninh, Quảng Trạch và sự quyết tâm thay đổi của huyện Tuyên Hóa, Minh Hóa. Các đơn vị đã quan tâm một cách toàn diện, không chỉ đẹp về cảnh quan bên ngoài mà còn đầu tư, bố trí, sắp xếp khoa học, hợp lý từ bên trong, như: phòng học, phòng chức năng, bếp ăn một chiều, hệ thống nhà vệ sinh… Nếu các trường MN Hoa Hồng, Bảo Ninh, Đức Ninh Đông của TP. Đồng Hới là đơn vị đi đầu trong việc đầu tư xây dựng môi trường theo hướng hiện đại từ cảnh quan bên ngoài đến các khu vực bên trong thì các đơn vị khác lại là sự đột phá từ chính điều kiện thực tiễn của địa phương mình.
  Đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD-ĐT trao thưởng cho các trường MN đạt giải nhì của hội thi.
Đồng chí Đinh Quý Nhân, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở GD-ĐT trao thưởng cho các trường MN đạt giải nhì của hội thi.
Điều mà phóng viên ghi nhận được từ hội thi này, đó là sự khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội không còn là rào cản đối với các đơn vị tham gia hội thi. Các trường đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, biết phát huy nội lực, sức mạnh của tập thể, đồng thời tích cực phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, cá nhân huy động hàng trăm, hàng nghìn ngày công lao động để san lấp mặt bằng, trồng rau xanh, trồng cây cảnh, làm thêm đồ dùng đồ chơi trong và ngoài lớp học... Hội thi đã làm thay đổi diện mạo các trường MN, khuôn viên được sắp xếp, bố trí phù hợp hơn với nhiều cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ. Sân chơi, bãi tập được quan tâm đầu tư và quy hoạch hợp lý, tận dụng hết quỹ đất nhằm phục vụ hoạt động của trẻ. Các khu vực hoạt động ngoài trời được bố trí khoa học, đặc biệt là khu phát triển vận động, khu vui chơi giao thông, khu vui chơi với cát, nước, sỏi… đã được các đơn vị tập trung xây dựng. Hay đơn giản chỉ là gầm cầu thang, nhưng dưới bàn tay khéo léo của các cô giáo mầm non đã trở thành một thư viện thân thiện, một góc dân gian, hay một gian hàng truyền thống của địa phương để cho trẻ trải nghiệm.
 
Bên cạnh đó, các trường đã tích cực làm thêm đồ dùng, đồ chơi từ các nguyên vật liệu sẵn có của địa phương, như: xích đu, cầu trượt, bập bênh, thang leo, tạo nhiều cơ hội cho trẻ được vui chơi, luyện tập... Nhưng, có lẽ ấn tượng nhất vẫn là những khu vườn cổ tích, thông qua các mô hình, nhân vật gần gũi, dễ thương từ các câu chuyện kể của cô giáo để giáo dục tâm hồn trẻ thơ. Hay mô hình "Vườn rau của bé" đã được các trường quy hoạch hợp lý về diện tích, tận dụng hết các khoảng đất trống để trồng rau, có đầy đủ biển tên giúp trẻ nhận biết từng loại rau. Nhiều vườn rau được thiết kế có đường đi lối lại thuận tiện cho trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm, có mái che kết hợp làm giàn mát và trồng bầu, bí, mướp, tạo ra nhiều sản phẩm hiệu quả, đa dạng phong phú, đẹp mắt. Có thể nói, với sự nỗ lực của giáo viên và giúp sức của phụ huynh, vượt lên sự khắc nghiệt của thời tiết, hoa ở các trường MN vẫn đua nhau khoe sắc, vườn rau của các bé vẫn xanh tươi, đủ cung cấp các loại rau hàng ngày cho bữa ăn của trẻ.
 
Đặc biệt, việc xây dựng môi trường lớp học đã được các đơn vị tích cực chú trọng. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, diện tích phòng học hiện có và số lượng trẻ/lớp, các trường lựa chọn, bố trí các góc chơi phù hợp với chủ đề, mang tính mở, thuận tiện, linh hoạt, dễ thay đổi; mua sắm thêm đồ dùng, đồ chơi phong phú về chủng loại, bảo đảm an toàn, phù hợp với chủ đề đáp ứng với mục tiêu giáo dục. Thông qua hoạt động ở các góc chơi, trẻ được tự do hòa mình vào các nhân vật trẻ thích, tự do thực hành trải nghiệm với đồ vật đồ chơi, được khám phá và qua đó lĩnh hội các kiến thức, hình thành năng lực cá nhân và phát triển tình cảm, kỹ năng giao tiếp xã hội.
Một góc khu vườn cổ tích của Trường mần non Ba Đồn.
Một góc khu vườn cổ tích của Trường mần non Ba Đồn.
Hiệu trưởng Trường MN Ba Đồn Phạm Thị Hải Yến (đơn vị đạt giải nhất thị xã và giải nhì cấp tỉnh) tâm sự: "Khi bắt đầu tham gia hội thi, nhà trường cũng có nhiều áp lực (vì trường xuống cấp, nguồn kinh phí hạn hẹp…), nhưng nhờ sức mạnh đoàn kết của tập thể sư phạm, nhà trường đã mạnh dạn huy động mọi nguồn lực xã hội hoá, đầu tư hơn 1 tỷ đồng cải tạo, trang trí lại toàn bộ từ khuôn viên, khu vui chơi, đến lớp học, nhà bếp, nhà vệ sinh… theo hướng hiện đại và gần gũi với trẻ. Trường MN Ba Đồn hiện có 2 cơ sở với trên 600 học sinh; trong đó cơ sở 2 đang được gấp rút hoàn thiện để kịp vào năm học mới 2018-2019. Phát huy những kết quả đạt được qua hội thi ở cơ sở 1, nhà trường cũng đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm để đầu tư, tạo một môi trường học tập tốt nhất cho trẻ. 
 
Thầy Hoàng Văn Phúc, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuyên Hoá chia sẻ, là một địa bàn vùng khó, nhưng huyện miền núi Tuyên Hoá đã nỗ lực, cố gắng rất lớn để tham gia hội thi và có 2 trường đạt giải cấp tỉnh, đó là Trường MN Sơn Hoá (giải nhì), Trường MN Kim Lũ (giải ba). Điều quan trọng là hội thi này đã tạo động lực mạnh mẽ cho các trường vùng khó vươn lên, thay đổi diện mạo, cảnh quan môi trường sư phạm, tạo niềm vui và hứng thú cho trẻ mỗi ngày đến trường… 
 
“Hội thi lần này được đánh giá là một trong những hội thi mang lại hiệu quả cao nhất, số lượng người tham gia đông nhất, các hạng mục đầu tư với giá thành tiết kiệm nhất và tổng kinh phí đầu tư cao nhất (theo tập hợp từ báo cáo của các huyện, thành phố, thị xã thì kinh phí đầu tư cho các trường MN hơn 50 tỷ đồng). Trong điều kiện khó khăn về mọi mặt, các trường đã biết khắc phục, sắp xếp hợp lý, khoa học, hiệu quả, tranh thủ sự quan tâm của lãnh đạo địa phương các cấp, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh cùng chung tay xây dựng môi trường thực sự dành cho trẻ. Có thể khẳng định rằng, hội thi đã góp phần đưa cấp học MN lên một vị thế mới, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển của cấp học MN Quảng Bình trên hành trình đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT trong những năm tiếp theo. Qua hội thi, các đơn vị tiếp tục rút kinh nghiệm, tăng cường trao đổi học tập lẫn nhau, nhân rộng các mô hình tốt trong toàn tỉnh. Kết quả của hội thi là cơ sở để các đơn vị tiếp tục tuyên truyền, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy nội lực, tranh thủ huy động mọi nguồn lực, góp phần tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, xây dựng môi trường cảnh quan theo hướng hiện đại, thân thiện, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của giáo dục MN trong giai đoạn mới”, bà Trần Thị Hương trao đổi.
 
Nội Hà
,