.

Những chuyện buồn mùa thi

.
08:03, Thứ Năm, 17/05/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Mùa thi đến cùng với bao ký ức đẹp của tuổi học trò, tuy nhiên, trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn còn những câu chuyện buồn trĩu nặng lòng người. Mới đây nhất, tại Trường THCS Phong Hoá (huyện Tuyên Hoá), một nữ sinh lớp 8 nhảy sông tự vẫn sau khi tranh cãi với mẹ về chuyện điểm thi học kỳ không được như mong muốn. Những câu chuyện buồn như thế, đáng tiếc vẫn còn lặp lại không ít. Vậy đâu là nguyên nhân?
 
Có mặt tại các trường tiểu học, THCS trong buổi tan trường, rất nhiều bậc phụ huynh hỏi câu đầu tiên khi đón con ở cổng trường là: Hôm nay con làm bài tốt không, khoảng mấy điểm. Vào mùa thi thì là điểm thi bao nhiêu, liệu có được học sinh giỏi không, có vào được lớp chọn, trường A, trường B không? Dường như niềm vui, nỗi buồn của phụ huynh phụ thuộc vào câu trả lời và kết quả học tập của con. Các kỳ thi tuyển sinh vào bậc trung học phổ thông, nhất là các trường tốp đầu, nỗi lo lắng của phụ huynh càng tăng lên gấp bội, đồng nghĩa với áp lực đặt lên vai con em mình cũng nặng nề hơn. Rồi các kỳ thi học sinh giỏi, từ cấp trường cho đến cấp quốc gia, muôn ngàn nỗi lo lắng, kỳ vọng của mẹ cha, thầy cô tiếp tục gây ra tâm trạng căng thẳng, mệt mỏi cho nhiều em học sinh, thậm chí dẫn đến những kết cục đáng buồn như trường hợp em học sinh kể trên.
 
Một trong những nguyên nhân đầu tiên chính là sự kỳ vọng lớn lao của cha mẹ đối với con em mình. Có không ít bậc cha mẹ nỗ lực đầu tư nhiều công sức, cho con học thêm nhiều thầy cô giáo chỉ mong con đạt danh hiệu này, danh hiệu kia. Sự kỳ vọng này là chính đáng nếu cha mẹ hiểu được khả năng của con mình. Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít bậc cha mẹ, nếu chẳng may kết quả học tập không như ý muốn, cha mẹ sẽ chỉ trích, giận giữ, áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt. Nhiều bậc cha mẹ thường đem những tấm gương “con nhà người ta” để con mình học tập cho dù khả năng, sở trường của mỗi đứa trẻ là hoàn toàn khác nhau. Bởi sự kỳ vọng này, những kỳ thi đã trở thành áp lực nặng nề với các em học sinh.
   Mùa thi đến, những nỗi lo lại cần kề...
Mùa thi đến, những nỗi lo lại cần kề...
Bên cạnh áp lực từ gia đình, áp lực từ nhà trường cũng đã và đang là gánh nặng cho các em. Nếu những thế hệ trước đây, việc đạt được danh hiệu học sinh tiên tiến đã là niềm vui lớn, thì nay, danh hiệu này khiến cho nhiều thầy cô giáo và phụ huynh chưa hài lòng. Những lớp học có ¾ học sinh giỏi, ¼ học sinh tiên tiến không còn là hiện tượng lạ nữa. Thế hệ học sinh hiện nay xa lạ với việc những học sinh yếu kém bị ở lại lớp như trước đây, bởi nếu việc này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của lớp, của trường. Nên nhiều em học sinh, dù học lực yếu kém vẫn “thản nhiên” lên lớp. Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn là một căn bệnh trầm kha khi trường muốn đạt chuẩn này, chuẩn kia phải có tỷ lệ học sinh giỏi từ 60% trở lên. Để đạt được tỷ lệ này, các trường học và thầy cô giáo áp dụng nhiều biện pháp, kể cả những biện pháp tiêu cực trong dạy và học. Chuyện thầy cô giáo trong quá trình coi thi ngang nhiên can thiệp vào bài làm của những em học sinh đã được “gửi gắm” vẫn xảy ra. Hoặc có nhiều thầy cô “lơ” để học trò ngang nhiên quay cóp nhằm đạt điểm số cao. Hay trong những tiết cấp trên về dự giờ, những em học sinh yếu kém được phép nghỉ học hoặc sang lớp khác “học nhờ”, chỉ để lại những học sinh khá giỏi tham gia. Và bên lề những kỳ thi học sinh giỏi các cấp, tuyển sinh vào các trường, những thông tin về việc “chạy điểm” vẫn lan truyền khá phổ biến. Điều này đã gây nên sự thiếu công bằng trong điểm số, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và quan trọng hơn là làm mất niềm tin của các em học sinh đối với thầy cô giáo và nền giáo dục.
 
Với việc “đẳng cấp” của các trường học được đánh giá bằng thành tích của học sinh thông qua các kỳ thi, cho dù trong thành tích này chứa nhiều sự tiêu cực, cuộc đua “chạy” vào lớp chọn, trường điểm vào đầu mỗi năm học luôn luôn “nóng”. Rồi tuyển sinh vào đại học, nhiều bậc cha mẹ đặt mơ ước năm xưa của mình lên vai con, bắt buộc con chọn trường theo ý mình cho dù các ngành học không phù hợp với sở trường và mong muốn của con. Và có không ít em sau khi tốt nghiệp đại học lâm vào cảnh thất nghiệp, nhưng việc lựa chọn học nghề vẫn còn hạn chế bởi tâm lý thích làm “thầy” hơn làm “thợ” vẫn còn nặng nề. Do vậy, việc học đại học vẫn là con đường duy nhất đối với không ít em học sinh khiến mùa thi trở nên căng thẳng, mệt mỏi đầy lo âu và con đường tương lai thì vẫn mờ mịt.
 
Mong muốn, kỳ vọng con đạt thành tích cao trong học tập và cuộc sống của các bậc cha mẹ và thầy cô giáo là chính đáng. Tuy nhiên, việc để những mong muốn này trở thành áp lực nặng nề, tác động tiêu cực đến con em mình sẽ khiến căn bệnh thành tích trở nên trầm trọng hơn và ảnh hưởng đến tâm lý, cuộc sống của các em. Để không xảy ra những kết cục đau lòng, giúp con em mình có thể phát huy được những khả năng, sở trường trong học tập và cuộc sống, các thầy cô giáo, phụ huynh cần có sự thấu hiểu về khả năng của con em mình và có sự chia sẻ, lựa chọn phù hợp. Và căn bệnh thành tích trong giáo dục cần phải được dẹp bỏ, giáo dục phải thực chất để thầy cô giáo và các em học sinh được thúc đẩy bởi những áp lực tích cực, đúng đắn, để mỗi mùa thi không còn những chuyện buồn.
 
Diệu Cầm   
,